Nhà mình từ xưa đến nay, cứ đến mùa hè là mặc định sẽ để nước lọc đun sôi trong tủ lạnh, đi đâu về cũng mở tủ uống cốc nước lạnh cho đã. Cả nhà từ bố mẹ cho đến 2 con nhỏ. Thỉnh thoảng bọn trẻ con cũng bị đau họng nhưng chỉ 'cai' nước lạnh được một thời gian thôi chứ không bỏ luôn được. Mỗi lần đi đâu về mà không có cốc nước lạnh uống là người bứt rứt khó chịu không yên.

Dù rằng mình cũng từng nghe đài báo nói nhiều là uống nước lạnh không tốt, nhưng mình vẫn nghĩ là chỉ trong trường hợp là trời lạnh hoặc đang bị ốm thôi. Chứ ngày hè oi bức nóng nực vậy thì nhà ai chẳng uống nước lạnh đúng không mọi người?

Thế mà hôm nay lên báo đọc, mình lại thấy thông tin đăng tải trên báo VOV rằng không nên uống nước lạnh kể cả trong ngày hè nóng nực đấy mọi người ạ. Đọc mới thấy đúng là uống nước lạnh trong ngày hè có rất nhiều cái không tốt, mình nghĩ mọi người cũng nên biết thông tin này để cân nhắc thêm nhé. Nhất là không nên duy trì thói quen này với trẻ em vì các bé đang trong độ tuổi phát triển và cơ thể cũng dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài như vậy.

Theo các chuyên gia, ngoài việc cung cấp cho cơ thể lượng nước vừa đủ mỗi ngày (ít nhất 8-10 ly) thì việc uống nước ở nhiệt độ thích hợp cũng rất quan trọng vì nó có tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.

Hầu hết mọi người trong mùa hè đều chọn nước lạnh (nước để tủ lạnh hoặc nước đá) để giải tỏa cơn khát những ngày nắng nóng oi bức. Tất cả mọi người thường nghĩ rằng nước lạnh là đồ uống phù hợp nhất trong thời điểm này. Thế nhưng, sự thật lại không phải vậy.

Các chuyên gia phân tích, nước lạnh chỉ giúp giải nhiệt tức thì nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe về lâu dài. Có 5 lý do tại sao chúng ta không nên uống nước từ tủ lạnh kể cả trong những ngày nắng nóng.

hình ảnh

Nước lạnh không tốt cho sức khỏe, ảnh: DSE

Thứ nhất, tác động không tốt đến nhịp tim: Theo một nghiên cứu, dây thần kinh sọ X (hay còn gọi là dây thần kinh phế vị) sẽ bị kích thích bằng cách uống nhiều nước lạnh. Các dây thần kinh này có tác dụng kiểm soát các chức năng không tự chủ của cơ thể. Tác động trực tiếp của nước ở nhiệt độ thấp lên dây thần kinh phế vị khiến nhịp tim giảm, đồng nghĩa với việc uống nước lạnh có thể làm giảm nhịp tim của cơ thể.

Thứ hai, không tốt cho tiêu hóa: Một số nghiên cứu cho thấy nước lạnh làm co các mạch máu, dẫn đến các vấn đề không tốt về đường tiêu hóa. Chính vì vậy, việc uống nước hoặc ăn đồ quá lạnh sẽ gây cản trở đến quá trình tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe.

Thứ ba, gây đau đầu: Uống nước lạnh hoặc nước đá ngay sau khi đi nắng về sẽ làm hạ nhiệt cơ thể đột ngột, cũng có nghĩa nó sẽ làm hạ nhiệt nhiều dây thần kinh ở cột sống. Điều này gây ảnh hưởng đến não và dẫn đến tình trạng đau đầu. 

Thứ 4, gây đau họng: Nhiều người có lẽ đã tự mình trải qua cảm giác này sau khi uống nước lạnh. Lí do là vì uống nước lạnh sẽ dẫn đến sự hình thành chất đờm, từ đó gây ra tình trạng viêm ở họng. Ở một số người còn gặp tình trạng khó thở khi bị đau họng, ứ đờm, cảm lạnh và sưng họng.

Thứ 5, gây tăng cân: Nghe có vẻ không liên quan nhưng nước lạnh có mối liên hệ với việc tăng cân đấy mọi người ạ. Những người muốn giảm cân không nên uống nước lạnh, bởi nó sẽ khiến việc đốt cháy chất béo trong cơ thể trở nên khó khăn. Nước lạnh sẽ khiến chất béo trong cơ thể cứng lại , từ đó việc giảm mỡ và cân nặng sẽ không khả thi.

hình ảnh

Nên uống nước ấm thay vì nước lạnh, ảnh: LDS

Vậy nếu không uống nước lạnh thì nên uống nước gì vào mùa hè là tốt?

Thông tin mình đọc trên báo VnExpress có bài viết chia sẻ rằng: Thay vì nước lạnh, chúng ta nên chọn nước ấm sẽ tốt cho sức khỏe nhất dù là trong mùa hè nóng nực. Boldsky chỉ ra những lý do mùa hè bạn vẫn nên uống nước ấm như sau:

- Nước ấm tốt cho thận, máu và làn da

- Cơ thể sẽ được thải độc tốt hơn khi chúng ta uống nước ấm.

- Cơ thể sẽ tránh được nguy cơ mất nước vì nước ấm còn giúp tiêu hóa các thực phẩm khác dễ dàng hơn. Còn khi uống nước lạnh, cơ thể phải tập trung điều tiết nhiệt độ sẽ làm chậm quá trình hấp thu chất dinh dưỡng.

- Vào mùa hè, nhiều người thích uống nước lạnh trong bữa ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, hàm lượng chất béo trong thực phẩm có thể bị 'cứng hóa' khi dùng chung với nước lạnh. Từ đó làm chậm quá trình tiêu hóa mỡ.

- Nước lạnh khiến hệ miễn dịch yếu đi còn nước ấm thì ngược lại

- Nhu động ruột thường tốt hơn sau khi uống nước ấm. Uống nước chanh ấm mỗi buổi sáng là thói quen tốt các chuyên gia khuyên mọi người nên duy trì dù có là mùa nào trong năm.