Ôi các chị ơi, em vừa đi khám phụ khoa về mà muốn ‘độn thổ’ luôn vậy đó. Giờ nghĩ lại mà vẫn còn xấu hổ. Trước giờ em chưa đi khám phụ khoa bao giờ, cũng có nghe nhiều câu chuyện về việc đi khám gặp bác sĩ nam. Hôm nay trải nghiệm em mới biết ‘cảm giác lúc ấy sẽ ra sao’.

Chẳng là dạo này em có bị ngứa ngáy kèm ra khí hư nhiều hơn bình thường, lại còn thêm đau bụng mỗi lần đến tháng nữa, đau lắm luôn ấy. Em thì mới 18 tuổi, chưa có người yêu. Vì vậy, khi nghe em nói bị vậy thì chị em có bảo đi khám xem, có thể là bị viêm nhiễm gì rồi.

hình ảnh

Nhiều bác sĩ nam làm bên khám phụ khoa. Ảnh minh họa, nguồn: QQ

Em cũng mới ‘chân ướt chân ráo’ ra ngoài Hà Nội nhập học thôi ạ. Sau nhiều lần suy nghĩ thì em quyết định đến một phòng khám tư ngay gần nhà để khám chứ không đi viện vì xa với ngại chờ.

Lúc em đến khám thì cũng có mấy chị đang ngồi chờ tới lượt ở đó rồi. Làm thủ tục các thứ xong thì em cũng ngồi chờ đợi đến lượt. Sau khoảng thời gian chờ đợi thì cũng đến lượt em vào. Vừa mở cửa ra là em thấy trong phòng có mỗi một bác sĩ nam đang đeo bao tay.

Thấy em vào, bác sĩ hỏi em bị sao rồi kêu bỏ đồ rồi lên bàn. Bác sĩ thì đang còn trẻ lắm các chị ạ, chắc tầm 30 hoặc hơn tí thôi. Nghe nói vậy, em chần chừ không dám, vì em cứ tưởng khám phụ khoa thì mặc định là bác sĩ nữ chứ nhỉ? Đằng này lại còn có mỗi mình bác sĩ nam khám. Trong khi em thì còn trẻ như thế.

Thấy em không làm theo, bác sĩ ngẩng đầu lên nhìn nhắc lại lần nữa. Bác sĩ nhắc đến lần thứ 3 em mới dám lí nhí hỏi là có thể khám mà được mặc đồ không. Mặt bác sĩ biến sắc. Lúc này, một chị y tá đi vào, thấy em nhùng nhằng nên chị ý cáu lên bảo: Ai làm gì đâu, có khám thì nhanh lên để còn tới lượt người khác, bao người đang chờ.

Em sợ quá nên lên khám luôn. Vì xấu hổ, căng thẳng nên em nhắm tịt mắt lại. Lúc bác sĩ khám liên tục nhắc em là thả lỏng người ra. Cơ mà người em cứ cứng đơ luôn, không thể thả lỏng nổi.

Lúc em khám xong, nhận kết luận bị lạc nội mạc xong ra ngoài thì thấy mọi người cứ nhìn em mãi. Điều đó khiến em ngại vô cùng, chỉ ước có cái hố mà chui xuống thôi, ngại khủng khiếp.

Em đi khám về thì chị em có hỏi bị làm sao, em cũng chụp kết quả cho chị xem và có kể lại quá trình khám bệnh. Nghe xong chị em bảo là: Vô lý, sao lại có kiểu để một bác sĩ nam trong phòng khám với bệnh nhân nữ như vậy, còn cô y tá kia đi đâu. Vì trên nguyên tắc là trong phòng khám của bác sĩ nam cần kèm theo một y tá nữ. Điều đó nhằm đảm bảo sự an toàn cũng như ổn định tâm lý cho người bệnh.

Xong chị em cũng bảo: Thôi, mai chị đưa sang Phụ sản khám lại xem như nào, vì bên đó chuyên hơn mà.

Thế là hôm sau chị em đưa em đi khám. Lần này, thì là bác sĩ nữ khám cho em nên em cũng yên tâm hơn hẳn, thả lỏng người theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đến lúc nhận kết quả thì hóa ra em chỉ bị viêm phụ khoa, viêm lộ tuyến thôi các chị ạ chứ chả phải lạc nội mạc gì. Em có thắc mắc về sự chênh lệch của kết quả khám thì bác sĩ giải thích rằng: Có thể do hôm qua em căng thẳng quá. Đi khám phụ khoa mà căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả chẩn đoán của bác sĩ ấy. 

Trên đường về nhà, hai chị em có nói chuyện xong chị em cũng dặn em: Nếu đi khám mà có mỗi mình bác sĩ nam, không được khám. Bởi vì theo quy định, khám phụ khoa nếu là bác sĩ nam thì bắt buộc phải có một người nữa trong phòng, thường là y tá nữ. Các mẹ nhớ cái này chứ đừng như em nhé

hình ảnh

Chị em đừng ngại khi gặp bác sĩ nám khám phụ khoa. Ảnh minh họa, nguồn: QQ

Ngoài ra, còn một số kinh nghiệm em tìm hiểu được qua lần trải nghiệm này. Chắc nhiều người cũng chưa biết, em chia sẻ lại nhé

Thứ nhất, quan trọng nếu không vào viện thì phải chọn địa chỉ khám uy tín:

Hện nay, có rất nhiều phòng khám, bệnh viện. Tuy nhiên, mọi người cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình nơi thích hợp để tiết kiệm thời gian lẫn chi phí. Đã có không ít trường hợp chị em gặp tình trạng bệnh nhẹ mà bị nói thành nặng để ‘móc túi’ bệnh nhân rồi.

Thứ hai, nên nhớ tâm lý, căng thẳng quá có thể ảnh hưởng tới kết quả nhé

Rất nhiều nơi có bác sĩ nam nên chúng ta thường có tâm lý e ngại vì nói về phần phụ.

Tuy nhiên, mọi người cần nhớ là nếu không có nói cụ thể, chi tiết về tình hình của bản thân thì bác sĩ khó lòng mà cho ra chẩn đoán chính xác được. Điều này sẽ khiến tình trạng của bạn thêm nặng hơn đấy.

Bên cạnh đó, nếu mang tâm lý e ngại và căng thẳng còn khiến bác sĩ gặp khó khăn trong quá trình sử dụng các thiết bị như đầu dò vào bên trong. Nó có thể khiến phần phụ của chị em tổn thương và đôi khi gây ra sự sai lầm trong chẩn đoán của bác sĩ. Vì thế, hãy chuẩn bị tâm lý trước và cố gắng thoải mái khi khám bệnh.

Thứ ba, không khám phụ khoa nếu đang trong chu kỳ hoặc đang sử dụng thuốc. Bởi những điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả khám.

Thứ tư, trước khi đi khám nhớ vệ sinh sạch sẽ và không nên dùng dung dịch vệ sinh, không nên gần nam giới cũng đừng thụt rừa. Bởi nó có thể ảnh hưởng tới môi trường của phần phụ, gây khó khăn cho việc khám và chẩn đoán bệnh.

Đây là những gì mà bản thân em trải qua. Em nghĩ không phải bác sĩ nào cũng xấu nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận. Đồng thời cũng nên tự trang bị kiến thức chứ đừng có như em để rồi xấu hổ muốn xỉu, chắc cả đời em cũng không quên nổi cái lần đi khám này luôn ấy các chị ạ.