Bệnh thủy đậu lại đang 'vào mùa' rồi mọi người ạ, mình thấy báo chí đăng tải nhiều về số ca mắc tăng cao cũng như nguy cơ bùng phát thành dịch ở Hà Nội. Bệnh lây do tiếp xúc, nên rất nhiều trẻ nhỏ, trẻ ở lớp mầm non và các cấp học khác cùng bị.
So với năm 2022, số ca mắc thuỷ đậu ở Hà Nội tăng đột biến, khoảng gần 140 lần. Từ đầu năm đến nay đã có 548 ca mắc thủy đậu, trong khi thời điểm này năm ngoái chỉ có 4 ca.
Để an toàn cho con nhỏ, trước hết các mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu đầu tiên khi bị bệnh để biết đường cho con điều trị đúng hướng nhé
Vì thủy đậu là bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp (khi người bệnh ho, hắt xì virus sẽ bay ra không khí) và lây gián tiếp khi tiếp xúc với dịch tiết hay chất lỏng từ mụn nước của người mang mầm bệnh. Vi rút gây thủy đậu tên là varicella-zoster có thể lây sang người lành ngay cả trước khi người bệnh xuất hiện mụn nước. Các triệu chứng khi nhiễm bệnh sẽ như sau:
Ngay khi nhiễm virus người bệnh sẽ không có biểu hiện gì vì nó có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần, tùy mỗi người nhưng trung bình kéo dài từ 10 – 20 ngày.
Sau thời gian này, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, chán ăn, có thể nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Khoảng 1 – 2 ngày sau đó bắt đầu xuất hiện các mẩn ngứa màu trên da, đỏ khắp các vùng da, thường bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Thủy đậu gây phát ban, ảnh: DN
Tiếp theo, các mụn nước này mọc nhamh trong vòng 1 ngày sau đó, có thể có dịch bên trong hoặc mủ. Người mắc thủy đậu có thể bị nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm cái trên cơ thể.
Sau đó, các mụn nước bị vỡ dần, rồi mất thêm vài ngày để lành vết thương. Tình hình kéo dài từ 7 – 10 ngày thì bắt đầu phục hồi khi các mụn nước khô dần. Một số người có thể khỏi thủy đậu mà không cần đi viện nhưng cũng có trường hợp bị nhiễm trùng để lại sẹo, đặc biệt nếu bị bội nhiễm, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.
Các món ăn tốt cho người bị thủy đậu
Cháo đậu đỏ giúp thải độc cho người bệnh, thích hợp với người sốt, mệt mỏi, chán ăn
Chuẩn bị gạo tẻ 100g, đậu đỏ 30g, ý dĩ nhân 20g, thổ phục linh 30g.
Cách chế biến: Gạo, đậu đỏ và ý dĩ nhân vo với nước sạch, thổ phục linh rửa sạch. Cho nguyên liệu vào nồi, đổ nước sạch vào và đun với lửa nhỏ trong 10 – 20 phút. Có thể thêm 1 chút đường để ăn cho dễ. Trong quá trình nấu không nên mở vung. Ăn thay cơm trong ngày từ 2 – 5 lần tùy ý (ăn trong 2 – 3 ngày).
Cháo hạt sen, kim ngân bồi bổ sức khỏe cho người mắc thủy đậu
Chuẩn bị gồm kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 60g, hạt sen 30g. Cách làm: Kim ngân hoa rửa sạch, sắc lấy nước, sau đó nấu cháo với gạo và hạt sen. Có thể nêm thêm chút đường hoặc muối tùy khẩu vị
Canh dâu tằm có tác dụng giải cảm nhiệt, trị sốt cao, miệng khát, đau đầu, ho khan.
Ăn đủ chất giúp mau hồi phục, ảnh: KSW
Canh rau ngót, thịt hến có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, giải độc, trị sốt, ho, ban chẩn, mụn nhọt, táo bón, tiểu tiện khó…
Bước chuẩn bị gồm các thứ: Thịt hến 100g, rau ngót 200g. Cách làm như sau: Thịt hến rửa sạch, đem luộc chín. Lấy nước luộc hến nấu canh, cho thịt hến vào, thêm nước mắm rồi cho rau ngót đã rửa sạch, đun sôi lại là được. Có thể ăn trong bữa cơm.
Canh đậu xanh rau củ có tác dụng thanh nhiệt hạ họả, tư âm, phù hợp với những người bệnh thủy đậu sốt cao, cơ thể nóng bứt rứt khó chịu
Chuẩn bị các loại như củ năng, đậu xanh, đọt tre non, cà rốt, rễ tranh mỗi thứ khoảng từ 20 – 30g tùy từng người ăn.
Làm như sau: Rửa sạch củ năng, đậu xanh, đọt tre non, cà rốt, rễ tranh ròi cho vào nồi nấu cùng với 1 lít nước sạch. Khi còn khoảng 650ml thì tắt bếp để nguội. Canh này có thể ăn trong bữa cơm như các món canh rau củ bình thường.
Bệnh thủy đậu tuy là bệnh năm nào cũng gặp nhưng gây nhiều hệ lụy sức khỏe nhất là với trẻ em. Khi vượt qua được cơn bệnh rồi còn có thể để lại sẹo hay những biến chứng khác. Chính vì vậy mọi người cần có ý thức phòng ngừa ngay từ đầu và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để biết cách xử lý đúng, không lúng túng khi bản thân mắc bệnh hay có người trong nhà bị nhiễm vi rút này.