Người cao tuổi là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng vì cơ thể người cao tuổi đã bị lão hóa. Chức năng của các cơ quan, bộ phận đều bị suy giảm vì thế mà thường hay mắc các bệnh mạn tính, ăn uống kém, khó tiêu. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng và cách ăn uống sao cho phù hợp với người cao tuổi là hết sức quan trọng.Nhu cầu đạm
Khuyến nghị về nhu cầu đạm ở người cao tuổi là 0,75 – 0,8g/ngày. Đạm từ cá dễ tiêu hóa và giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, đặc biệt các loại cá chứa nhiều omega-3, như cá thu, cá hồi, cá ngừ. Đạm thực vật có lợi cho sức khỏe hơn đạm động vật. Những nước dùng đạm đậu nành cao có tỉ lệ tử vong do tim mạch thấp hơn so với những nước ăn nhiều đạm động vật.
Nhu cầu về chất ngọt (Gluxit)
Đường là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 55 – 60% tổng năng lượng. Do NCT hoạt động thể lực ít, khối cơ bắp cũng giảm khoảng 1/3 so với thời trẻ nên nhu cầu năng lượng cũng giảm bớt, chỉ khoảng 30kcal/kg/ngày. Tuổi càng cao càng giảm mức chịu đựng đối với chất ngọt: 70% ở nhóm tuổi 60-74 và 85% ở tuổi trên 75 bị giảm mức chịu đựng đối với chất ngọt. Ðây là tiền đề dễ bị mắc bệnh đái tháo đường
Về chuyển hóa chất béo (Lipit)
Lượng chất béo ăn vào nên giới hạn ở mức 30% hoặc thấp hơn tổng năng lượng, trong đó chất béo bão hòa (acid béo no) nên dưới 10%. cần hạn chế mỡ động vật, nên dùng dầu thực vật như dầu lạc, vừng, dầu nành… để phòng tránh nguy cơ béo phì và xơ vữa động mạch.
Về chuyển hóa Protein.
Ở người cao tuổi tiêu hóa hấp thu protein kém, khả năng tổng hợp của cơ thể cũng giảm do đó dễ xảy ra trạng thái thiếu protein cho nên cần chú ý đảm bảo chất protein cho người cao tuổi. Ít nhất cũng bằng người trẻ (khoảng 1,25 gr/kg thể trọng), vì thiếu protein dễ dẫn tới mệt mỏi, sức đề kháng với bệnh tật yếu. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, ốc, các hạt họ đậu… nên hạn chế protein nguồn gốc động vật và tăng cường protein nguồn gốc thực vật.
Nhu cầu về nước
Người có tuổi thường giảm nhạy cảm đối với cảm giác khát nước, vì thế cần có ý thức đề phòng thiếu nước cho người có tuổi, chế độ cho người có tuổi uống nước vào những bữa nhất định, ví dụ uống trà buổi sáng, uống nước vào buổi trưa, bớt uống nước vào buổi tối. Trong mùa hè cần tăng cường uống nước.
Nhu cầu vitamin
Cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, vitamin A có nhiều ở đầu cá thu, trứng, bơ, gan động vật… Caroten (tiền vitamin A) có nhiều ở các loại rau lá xanh, các loại quả màu đỏ, cam như gấc, cà rốt, rau cần tây, hành lá, hẹ, rau muống, rau thơm, rau diếp, xà lách… Vitamin B1 có nhiều ở thịt gia súc, gia cầm, đậu đỗ, lớp ngoài của ngũ cốc… Vitamin B3 cũng có nhiều ở trứng, sữa, thịt, mầm ngũ cốc… Vitamin PP có nhiều trong gan, thịt bò, cá, các hạt họ đậu… Vitamin C có nhiều trong rau, quả tươi.
Nhu cầu canxi
Canxi là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho người già để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Nhu cầu canxi đối với người cao tuổi là khoảng 1000-1200mg mỗi ngày có nhiều trong sữa, các hạt họ đậu, vừng, tôm, cua, ốc..
Những chú ý trong dinh dưỡng người cao tuổi
Cần chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm nhai kỹ, không nên ăn quá no trong một bữa, đặc biệt là buổi tối, nên vận động, đi lại nhẹ nhàng sau bữa ăn giúp tiêu hóa tốt.Thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu. Nên chế biến các món hấp luộc thay thế các món rán nướng.Có thể dùng cà phê, nước chè giải khát để người thêm tỉnh táo, phấn chấn và lợi tiểu, nhưng không nên dùng nhiều nhất là ban đêm, nên hạn chế rượu bia. Người có bệnh tim mạch, cao huyết áp thì không nên dùng các chất này.Đừng quên bổ sung trong thực đơn của người cao tuổi các loại sữa cao năng lượng, giàu dưỡng chất, dễ sử dụng, dễ tiêu hóa và hấp thu, giúp tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các cụ.