Tôi đã sinh hoạt câu lạc bộ tiểu đường, đọc một số sách thấy nhiều bác sĩ đều nói: đường đo ở phòng thí nghiệm hay tự đo ở nhà vào lúc đói và sau ăn hai giờ chưa phản ánh được lượng đường trong máu của mỗi người mà đó chỉ là lượng đường chính lúc đo thôi. Cho nên, ba tháng một lần hoặc ít nhất sáu tháng một lần phải đi đo lượng đường trung bình gọi tắt là: HbA1c được tính bằng % mới phản ánh chính xác mức độ bình an hay nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Kết quả đó là gì? Không đái tháo đường là 4-6%; mức tối ưu là dưới 7%; mức dưới tối ưu là 7-8,4%; mức kiểm soát kém là trên 8,4%. ( theo cuốn sách"50 cách khống chế bệnh tiểu đường type 2" của bác sĩ Lan Phương do nhà xuất bản Phụ nữ in năm 2005 ). Không phải phòng thí nghiệm của bệnh viện nào cũng có loại xét nghiệm này. Riêng tôi, tôi mới thử ở Viện Lão khoa, Trung tâm kỹ thuật cao của Viện đông y Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bệnh viện Nội tiết. Qua ba lần thử này, theo thời gian tôi thấy lần 1 là 7,3%; lần 2 là 6,3%, lần 3 là 6,1%. Trong khi đó tôi đo ở phòng thí nghiệm bình thường và bằng máy đo ở nhà lúc đói thường xuyên là từ 6 đến 7 milimol, có khi lên 8 hay trên 9 và có một lần ăn 4 nghìn xôi đỗ đen, hai tiếng sau bệnh viện đo cho là 18 milimol; và, sau ăn hai tiếng của tôi thường từ 12 đến 14. Nhìn những con số lẻ tẻ thì rất kinh nhưng qua ba con số trung bình tôi thấy rất yên tâm về chuyển biến tốt của bệnh tiểu đường tôi đang mang. Tôi nêu vài con số thực tế của tôi để các bạn tham khảo.