Mẹ hoảng hốt khi trẻ đi ngoài phân nhầy máu, sủi bọt, màu xanh
Chị Đặng Hoàng Th., 26 tuổi (Quốc Oai, Hà Nội) đã rất lo lắng đưa con đến chỗ chúng tôi khám. Cháu bé nhà chị (2 tuổi) bị tiêu chảy 3 ngày nay. Số lần tiêu chảy trong 1 ngày của cháu không nhiều, chỉ dao động từ 4-5 lần/ngày. Theo mô tả của mẹ cháu, phân của cháu bé khá lỏng, có chút màu xanh và hình như có nhầy.
Chị Hoàng Th đã tự đi mua men tiêu hóa cho bé uống được 2 ngày nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Sang đến ngày thứ 3, chị sốt ruột quá đưa con mình đi khám. Và chị cực kỳ lo lắng không biết con mình có bị kiết lỵ hay không.
Điều đáng nói, cháu bé không có hiệu tượng quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ. Em bé cũng không có hiện tượng mất ngủ, sốt cao hay li bì gì. Điều duy nhất em bé có đó là đại tiện phân không còn sền sệt như bình thường cháu vẫn đi. Chị hơi hoang mang và câu hỏi đầu tiên cũng là câu hỏi được lặp đi lặp lại của chị trong quá trình khám bệnh đó là: cháu bé nhà tôi có bị bệnh kiết lỵ không thưa bác sỹ?
Vậy kiết lỵ là gì?
Kiết lỵ là một bệnh viêm nhiễm ở đường tiêu hóa mà chủ yếu là ở đại tràng gây ra các triệu chứng rối loạn của đường tiêu hóa trẻ em. Bệnh bị gây ra do 2 nhóm nguyên nhân chủ đạo là ký sinh trùng lỵ amip và vi khuẩn đường ruột, điển hình là Shigella. Cả 2 loại mầm bệnh này đều lây theo đường tiêu hóa và triệu chứng cũng chủ yếu ở đường tiêu hóa mà ra.
Triệu chứng nhận biết của bệnh kiết lỵ ở trẻ em là gì? Tiêu chảy. Tiêu chảy là triệu chứng đúng nhất và trung thành nhất trong nhóm bệnh này. Em bé sẽ bị đi tiêu trong tình trạng phân nát hoặc có nhiều nước. Nhưng kiểu gì cũng phải có nhầy bọt, xen kẽ màu xanh, nếu nặng quá thì toàn màu xanh, toàn nước, lẫn trong đó là nhầy, máu hoặc mủ. Điều cần nhấn mạnh là máu và mủ có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Số lần tiêu chảy thường nhiều lần trong ngày và như kiểu mót dặn và són phân. Mỗi lần đi thường không nhiều xen kẽ các lần đi nhiều nước.
Ngoài ra em bé có một số triệu chứng khác bao gồm: sốt (có thể cao, có thể vừa), nôn trớ, quấy khóc, sờ vào bụng là đau, bỏ ăn.
Vậy cứ tiêu chảy nhiều sẽ là kiết lỵ?
Không hẳn là như vậy. Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Làm thế nào để biết chắc chắn một em bé bị tiêu chảy có bị kiết lỵ hay không. Chúng ta dựa vào 3 tiêu chí:
1. Em bé có triệu chứng bị tiêu chảy giống như trên mô tả. Nghĩa là phân có phải lỏng, có nhầy bọt, nhầy mủ hoặc máu mà có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nhưng trong một số trường hợp mới bị bệnh hoặc bị bệnh không điển hình, việc nhìn thấy bằng mắt thường có thể không xác định rõ ràng. Khi đó ta cần triệu chứng
2.
2. Soi phân thấy có máu trong phân số lượng nhiều. Đồng thời phải thấy cả tế bào viêm trong phân (tế bào bạch cầu).
3. Cấy phân thấy vi khuẩn Shigella trong phân.
Xét nghiệm cần thiết với em bé bị bệnh kiết lỵ đó là xét nghiệm phân chứ không phải xét nghiệm máu. Việc thấy máu trong phân số lượng nhiều là một tiêu chí quan trọng để giúp bác sỹ chẩn đoán chính xác.
Và thật may mắn, khi chúng tôi xét nghiệm phân cho cháu bé ở trên. Máu trong phân là âm tính, nghĩa là không có máu. Em bé hoàn toàn không bị bệnh kiết lỵ.