Sởi là bệnh mà hầu như ai cũng mắc một lần trong đời và là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong ở trẻ. Sau một thời gian được kiểm soát, người dân chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh nên dịch sởi đang quay trở lại, một lần nữa thành nỗi ám ảnh với cộng đồng.


Dịch sởi trở lại ở các nước phương Tây


Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đã xóa sổ bệnh sởi khỏi châu Mỹ thông qua “miễn dịch cộng đồng” với khoảng 95% dân số được chủng ngừa. Tuy nhiên, lượng du khách từ những quốc gia khác mang mầm bệnh đã lây nhiễm trực tiếp sởi đến cộng đồng này. Cụ thể ở Mỹ, từ ngày 01/01/2017 đến 22/4/2017, đã phát hiện 61 người mắc sởi ở nhiều bang như California, Florida, New Jersey, New York, Washington… Điều này chỉ ra thực tế rằng xóa sổ một căn bệnh lây nhiễm khỏi khu vực, dù rộng lớn như châu Mỹ, thì chúng vẫn có thể quay lại với sự kết nối toàn cầu như hiện nay.


Cũng theo số liệu của WHO, Romania (Đông Nam châu Âu) đã ghi nhận gần 2.000 ca sởi từ tháng 2/2016 đến tháng 3/2017, dẫn đến 17 ca tử vong ở trẻ em, trong đó không có trường hợp nào được tiêm vắc xin phòng sởi. Đây là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ người nhiễm sởi tại châu Âu trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh lại thấp thứ 5 trong khu vực. Bang New South Wales (Úc) đã chứng kiến đợt dịch sởi lớn từ đầu năm nay và ngày càng diễn biến tệ hơn với 22 ca mắc bệnh. Qua điều tra, hầu hết bệnh nhân đều không tiêm vắc xin phòng sởi. Dịch sởi vẫn khá phổ biến ở những quốc gia thuộc châu Âu, châu Phi và đặc biệt là châu Á.




Dịch sởi đang quay lại và có diễn biễn phức tạp tại các nước phương Tây



Những điều đáng lưu tâm về bệnh sởi


Sởi là bệnh theo mùa và thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ em có nguy cơ mắc sởi cao nếu thể trạng yếu, sinh non hoặc không được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Người lớn cũng có thể mắc sởi nếu cơ thể không đủ khả năng miễn dịch với bệnh. Cũng cần lưu ý rằng, người mắc bệnh sởi sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời được tạo ra sau một lần nhiễm bệnh.


Sởi là căn bệnh dễ lây lan thành dịch do nhiễm siêu vi. Theo chu kỳ bệnh, thường là 3-5 năm/lần, rất có thể dịch bệnh sẽ bùng phát ở Việt Nam vào thời điểm cuối năm nay. Virus sởi có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, miệng hay cổ họng của người bệnh. Dù trong phần lớn các trường hợp không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm não (0,1%), viêm não toàn thể xơ cứng (0,001-0,005%) hoặc để lại di chứng. Ở các nước công nghiệp, các biến chứng thông thường sẽ là nhiễm trùng tai (5%), viêm phổi (2,5%), tiêu chảy (2,5%). Các biến chứng sẽ khác đi ở các nước phát triển, phải kể đến như viêm phổi, tiêu chảy, điếc, mù…



Tiêm vắc xin để phòng ngừa sởi triệt để và hiệu quả



Chủ động tiêm vắc xin là cách phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất


Hiện nay, tiêm vắc xin là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất được các tổ chức y tế hàng đầu thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Khuyến cáo về Thực hành Chủng ngừa Hoa Kỳ (ACIP), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo. Đối tượng có thể tiêm vắc xin ngừa sởi phải đảm bảo lớn hơn 12 tháng tuổi. Số liều cần tiêm phòng đối với trẻ em là liều 1 khi 12 tháng tuổi, sau đó tiêm thêm liều 2 nhắc lại lúc 4-6 tuổi. Đây là độ tuổi nhạy cảm cần được tiêm ngừa vì các em sắp sửa bước vào ngưỡng cửa trường học – môi trường dễ lây bệnh truyền nhiễm. Lịch tiêm chủng cần thiết đối với người lớn là 1 liều. Riêng đối với phụ nữ có kế hoạch sinh con, nên đi tiêm vắc xin phòng sởi ít nhất 3 tháng trước khi có thai.


Vắc xin phòng sởi đã được chứng minh là mang đến tác dụng và hiệu quả thực tế khi đạt được tỷ lệ phòng bệnh lên đến 95%. Hiện nay, vắc xin ngừa sởi đã có mặt tại rất nhiều hệ thống Bệnh viện (chủ yếu Bệnh viện Sản Nhi), Trung tâm Y tế Dự phòng quận, huyện, xã, sẵn sàng là vũ khí tối ưu giúp chống chọi sởi cho mọi gia đình.



Nguồn do Nhãn Doanh cung cấp