Có con nhưng rảnh như khi chưa có, vẫn chỉ có việc cơm nước nhà cửa nhưng như thế đâu phải là đã sướng? Cuộc sống của tôi hiện tại rất mệt mỏi và bức bối. Có thể nếu những ai chưa được làm mẹ thì sẽ không hiểu được hết nỗi lòng của những người mẹ như tôi. Mong các mẹ có kinh nghiệm và cùng cảnh ngộ chia sẻ với em. Nói chung tôi viết ra đây những dòng tâm sự này không phải để nói xấu mẹ chồng của mình mà chỉ mong nhận được những lời khuyên để em có thể làm mẹ đúng nghĩa. Em rất sợ cảnh lấy chồng xa quê mà đến đứa con mình dứt ruột đẻ ra nó cũng không cần mình. Tôi mới sinh cháu được 5 tháng, đây là bé đầu lòng của vợ chồng tôi cũng là cháu đích tôn của ông bà. Chồng tôi là con trưởng trong một gia đình có 2 anh em trai. Trong 1 tuần đầu tiên khi tôi sinh cháu bà chăm sóc mẹ con tôi rất chu đáo, cơm bưng nước rót. Nhưng chỉ được thời gian đầu, còn về sau thì thậm chí hơn 12h trưa vẫn chưa có cơm. Nhưng tôi cũng chẳng trách gì vì lúc đó bà bận chăn nuôi khá nhiều lợn gà, còn chồng và em trai tôi thì đi làm về muộn, mà đàn ông cũng đoảng chứ không chu đáo như phụ nữ. Thời gian đầu mới sinh tôi bị stress kinh khủng vì bà nội cháu thường xuyên ở trong phòng vợ chồng tôi tới khuya, thường 11h đêm có khi hơn, trong khi cả hai vợ chồng đều mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài vì tôi bận chăm con còn chồng thì đi làm cả ngày rồi. Bên cạnh đó vợ chồng chúng tôi cũng không có lấy 1 chút thời gian riêng tư để nói chuyện, tâm sự. Nhà có trẻ con nhưng bà lại không muốn để mọi người nghe thấy một tiếng khóc nào của bé. Cứ chỉ cần nghe thấy con tôi khóc 1 tiếng là hết ông lại đến bà chạy lên hỏi: "Cháu làm sao thế?". Không đợi tôi kịp dỗ con bà lại vào đòi bế cháu. Tôi không hề dám nói quá chút nào. Mặc dù bé nhà tôi rất ngoan nhưng làm sao nhà có trẻ con lại không có tiếng khóc nào được. Rồi mới 9h tối nếu cháu ê a mà tôi ru cháu ngủ bà cũng cấm không cho ru kêu đêm hôm khuya khoắt nghe ghê lắm (mà tôi từng tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của trường từ khi còn đi học). Nói chung lúc đó tôi đã mệt mỏi kinh khủng. Rồi tới khi vết rạch tầng sinh môn của tôi lành nhưng cháu còn nhỏ lại vào mùa đông sợ mình còn lóng ngóng nên tôi vẫn nhờ bà tắm, thay quần áo cho cháu. Những tưởng khi con lớn sẽ bớt mệt hơn nhưng ai ngờ tình hình vẫn chẳng thay đổi. Bà giành hết quyền chăm cháu với tôi. Ngoài tháng tôi hết thời gian ở cữ, lúc này gần như việc cơm nước khoán trắng cho tôi. Vì dù có về mà thấy chị đang cơm nước thì em chồng tôi cũng coi như không. Nếu cần thì ôm cháu vì con tôi khá ngoan, tôi tranh thủ nấu rồi lại lên bế con. Thời gian trôi đi, bé lớn hơn rồi, lúc này tôi đã có thể tự tin chăm sóc con mà không cần ai giúp đỡ. Việc tắm cho cháu bà nội không dạy tôi làm nhưng tôi nhìn bà làm và thời gian về nhà đẻ mẹ tôi có chỉ cho tôi. Nhưng bà nội cháu vẫn cứ tranh làm hết, bà giao lợn gà cho ông rồi suốt ngày vào bế cháu và bảo tôi đi làm việc này, việc kia. Từ khi bé ngoài tháng bà đã kêu "khéo mày ít sữa" nên bé đói (mặc dù con tôi không khóc và rất ngoan) và đòi cho cháu ăn thêm sữa ngoài. Tôi chứng minh được với bà rằng mình thừa sữa con ăn không hết thì bà lại bảo ăn bú mẹ cháu đái tè cái hết nên lại đòi cho cháu ăn sữa ngoài. Nhưng tôi không đồng ý thì bà lại sai tôi đi chợ mua đồ rồi lén cho cháu ăn. Cũng vì chuyện chăm con mà trước nay bà làm gì tôi cũng không ý kiến nhưng khi có con tôi không còn để bà thích làm gì thì làm nên 2 mẹ con hay mâu thuẫn hơn. Nhưng rất may con tôi không ăn sữa ngoài nên bà đành chịu. Thế rồi khi cháu được khoảng 3 tháng bà lại đòi cho cháu ăn bột dinh dưỡng nhưng tôi biết con còn nhỏ hệ tiêu hóa yếu nên không đồng ý. Đến bữa ăn cơm tôi bảo tôi bế con và ăn được thì bà bảo chỉ có bà mới ăn được thế nên giành bế cháu và thỉnh thoảng lại kêu cháu nó đói và thèm ăn rồi nhá thịt và thức ăn mớm cho cháu. Tôi có nhẹ nhàng bảo thì bà lại nói "nó thèm, hay cháu nó đói phải cho nó ăn trong khi sữa tôi rất nhiều con không ăn hết mà cháu cũng chẳng quấy khóc gì. Con tôi thuộc diện bình thường, 5tháng cháu được hơn 7kg một chút nhưng trộm mụ được cái cứng cáp hơn những bé cùng trang lứa đã được ăn bột từ sớm. Tôi muốn cho con bú tới khoảng 5,5 tháng thì cho cháu tập ăn vì tập ăn muộn sẽ khó hơn, nhưng bà cứ tạo áp lực rồi nói nhiều làm tôi rất mệt mỏi. Thế nên 5 tháng bà bắt vợ chồng tôi đi mua bột cho cháu ăn, thứ mà bà coi đó là siêu thực phẩm giúp bé tăng cân vậy. Bà tự quyết định cho cháu ăn gì, uống gì. Bà có một thói quen thích uống thuốc vô tổ chức nữa chứ, bà không cần biết thuốc đó tuổi cháu có dùng được hay không. Bé nhà tôi chỉ cần hơi ho hay thấy cháu đi ngoài ngày 3 lần là bà lại đòi dùng thuốc. May là tôi đã tìm ra bài thuốc lá an toàn mà cháu ưa nên cũng bớt lo 1 chút.Quần áo thì bà thích mặc thế nào là bà áp đặt. Ví dụ bà thích mặc quần áo bộ nào cho cháu thì bà mặc, nếu tôi lấy mà bà không ưng là bà bắt đổi theo ý bà. Nên khi bà bận có việc mà không tắm cho cháu được thì bà vẫn sắp quần áo để tôi mặc cho con. Bà thường xuyên bế cháu đi chơi, đáng ra giờ đó ở nhà có thể cháu sẽ ngủ nhưng vì bà bế đi chơi nên nhiều khi cháu ngủ dù bụng vẫn đói.Từ ngày con được hơn 3 tháng đến giờ hầu như rất hiếm khi tôi được bế con đi chơi, mặc dù ở nhà không có quá nhiều việc chỉ có quét dọn, cơm nước... trong khi bà ngày nào cũng đưa cháu đi chơi chẳng mấy khi chịu ngồi ở nhà. Thậm chí có hôm nhà làm 3 mâm cơm khách bà sai tôi đi chợ, về xong cho bé bú rồi bà bảo "mẹ mày muốn làm gì thì làm" còn bà bế cháu đi chơi để mình tôi xoay sở. Có hôm cháu đi ngoài tôi lấy nước định rửa cho cháu thì bà đã bế cháu từ trên tay tôi và dành làm.Ngay như việc ăn bột, bà bắt tôi 5 tháng phải cho cháu ăn, ừ thì theo ý bà cho yên ấm cửa nhà nhưng khi tôi mua về , bà sai tôi đi pha bột cho cháu rồi bà cho cháu ăn. Sớm ra cháu dậy chơi 1 lúc rồi đi ngủ, bà không cho tôi cho con bú để bé ngủ bà rung cho cháu ngủ kệ cháu có đói hay không, bà bảo "mẹ nó cứ cho ngậm ty quen, đến lúc không có nhà không ai dỗ được" . Nhưng đó chỉ là cái cớ để bà bế cháu, chứ từ lâu bà toàn bế cháu đi chơi rồi nó ngủ luôn chứ nào được bú để ngủ nên giờ bé không chịu ngủ 1 mình nữa cứ phải bế mới ngủ, đặt là dậy luôn.Tôi ở nhà nhưng suốt ngày bà bế cháu, ngoại trừ lúc nào cho cháu bú, khi ngủ trưa và ngủ đêm là cháu được ở với mẹ. Kể cả khi tôi đang ở nhà, chẳng làm gì bà cũng dành bế cháu suốt không để tôi bế bé, chỉ khi nào có việc đi đâu bà mới đưa cho tôi. Mà ở nhà làm nông thi mấy khi phải đi đâu trong thời gian nông nhàn. May là con tôi không ăn sữa ngoài chứ nếu không chắc cháu chẳng cần gì đến mẹ mất.Cái cách bà cho cháu ăn thì không khác gì tra tấn cháu. Khi cháu không ăn thì bà bế, rung và cứ đút bột rồi kèm thêm thìa nước nếu cháu ngậm không nuốt. Tôi bảo bà thử để tôi cho ăn thì bà gạt phắt đi và lườm tôi. Tôi thật không hiểu nổi bà nữa. Cháu lười ăn thì ngày bà bắt ăn 3, 4 bữa trong khi bé chưa tròn 6 tháng. Bà chỉ cần cháu ăn nhiều bột chứ không cần cháu bú mẹ nhiều. Cứ mỗi lần đến giờ bà bắt con ăn mà tôi lại thương, không muốn nhìn con mếu máo mà không thể làm gì, tôi đành đi kiếm việc làm hoặc lánh đi chỗ khác.Vì thương con nên tôi vẫn thi thoảng góp ý với bà về cách chăm cháu sai lầm của bà một cách khéo léo nhẹ nhàng xong mọi việc vẫn chẳng xoay chuyển, thậm chí vì thế mà bà bây giờ hay để ý bắt bẻ và càu nhàu tôi nhiều hơn.


Vì vợ chồng tôi chưa có điều kiện ở riêng, tôi chưa đi làm còn chồng lương ba cọc ba đồng nên vẫn phải ở chung với ông bà. Mà nợ nan phải cùng ông bà gánh vác nên không biết bao giờ mới trả hết nợ, bao giờ mới có điều kiện mà ra riêng đây.Các mẹ thử nghĩ xem khi con ăn, tắm tôi chỉ là người làm việc sai vặt theo ý bà, rồi bà bế bé đi chơi suốt ngày đến nỗi nhiều khi 1 ngày bé chỉ ngủ được khoảng 2h vào ban ngày. Thương con tôi biết làm gì chứ? Bà có yêu cháu thật nhưng cái cách yêu của bà dường như đã yêu mất cả phần của mẹ nó nên tôi chỉ như 1 vú em trong nhà khi cần thì bà sai, còn tối đến cháu không thể ngủ xa mẹ nên bà đành chịu. Nhiều khi bà bảo tôi, nó cần gì mẹ chỉ cần vắt sữa ra đây rồi thích đi đâu thì đi, bà thích sĩ diện nên lúc nào cũng muốn khoe mọi người rằng cháu bện bà và không cần mẹ.Ôi cuộc sống, thật mệt mỏi các mẹ ah. Sống vẫn phụ thuộc thế này mệt mỏi quá. Đúng là không có gì bằng độc lập tự do, khi đó mình mới có quyền quyết định cuộc sống theo cách của mình.