Giờ thì mọi chuyện đã ''ngã ngũ'' rồi. Nhưng ngồi đọc lại cuốn nhật ký tự dưng mình muốn viết lại lên máy tính. Mà đọc các tâm sự trên các trang mạng thì không thấy ai kể khổ vể má chồng Tây cả nên thử đăng đàn xem có ai vào đây kể khổ cùng mình không hay mình là một trường hợp đặc biệt. Mình cũng biết có một số má chồng Việt rất thoải mái, ví dụ như ba mẹ mình nhưng cũng có nhiều má chồng Việt khi sống chung còn ''kinh dị'' hơn nhiều nhưng mình muốn đề cập trong đây là má chồng Tây. Mong mọi người thông cảm.



Mình thuộc hàng đầu 8X lấy chồng sang Pháp theo dạng kết hôn ở Việt Nam rồi sang định cư cùng chồng. Chồng mình tuy là Pháp gốc nhưng lại thuộc dạng người sống tình cảm, nhất là trong gia đình, họ hàng. Hầu như chồng hay kể tuồn tuột cho mẹ ảnh nghe tất cả mọi chuyện trong gia đình nhỏ. Anh có 3 ba con với người vợ trước, sau khi ly dị chúng sống với mẹ. Lúc anh cưới mình thì hai con gái lớn đã gần trưởng thành. Anh có một em gái và một chị gái đều đã lập gia đình nhưng chị gái thì ở rất xa còn em chồng thì ở cũng xa nhưng chỉ cách 2 tiếng chạy xe thôi. Mẹ chồng và ba chồng đã ly dị mười mấy năm nay, hiện ai cũng có bạn trai và bạn gái. Sau khi ly dị vợ cũ thì anh sống trong căn nhà của mẹ ảnh để trống, thỉnh thoảng bà ghé chơi 4, 5 lần/ tháng mỗi lần ở lại một đêm vì bà sống ở nhà của bạn trai cách nhà của bà 1,5 tiếng lái xe.



Trước khi sang Pháp thì mình xác định là bắt đầu từ con số không vì Pháp là một trong những nước không sử dụng tiêng Anh mà, dù cho họ dạy tiếng Anh ở trường cho bọn trẻ từ lúc đi học tiểu học. Nhưng vì ngoài đời chẳng ai dùng đến nên họ quên hết. Số người Pháp giao tiếng tốt bằng tiếng Anh chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi. Riêng mình thì chỉ tiếp xúc với hai người nói tiếng Anh tốt bằng mình (Tự ti thấy ớn). Đó là người con của bạn đồng nghiệp của chồng, anh này học tiếng Anh 4 năm ở trường Đại học và ra trường giảng dạy tiếng Anh cho các doanh nghiệp hoặc trường nào có nhu cầu. Mình ngưỡng mộ anh này vì cũng hơi giống mình hồi ở VN cũng học chuyên Anh của trường ĐH KHXH&NV, ra trường thì làm thư ký cho các cty nước ngoài nên ko có bị quên. Còn người kia là bác sĩ già (ko phải BS sản khoa). Khi mình đi sinh con, bệnh viện họ có việc cần trao đổi trực tiếp với sản phụ nên hỏi mình nghe nói tiếng Pháp tốt không? Mình nói ''Không, nhưng nghe nói đọc viết tiếng Anh thì tốt''. Thế là BS già làm nhiệm vụ thông dịch dùm mình. Dĩ nhiên nếu ai ở vùng có nhiều người Việt thì có thông dịch viên bằng tiếng Việt rồi. Bệnh viện này cách nhà vợ chồng mình (hiện giờ) là 2 km, cách nhà má chồng 8 km.



Má chồng mình thì luôn nói kháy, mỉa, móc, ... đủ cả nhưng tuyệt nhiên toàn là canh lúc chồng mình đi công tác là nói (công việc chồng mình hay đi công tác). Hễ chồng mình về là má luôn có câu cửa miệng ''Tất cả đều khỏe, tất cả đều tốt đẹp, không có vấn đề gì cả'' khi chồng mình cố tình hỏi ở nhà có chuyện gì không? Cái dở của mình (Theo như một người bạn sống lâu năm ở nước ngoài mà mình mới quen biêt gần một năm nay nói) đó là mình làm dâu Tây mà cứ chịu đựng, chịu đựng tới gần ba năm mới tức nước vỡ bờ. Đáng lẽ ngay từ năm đầu chịu đựng phải bắt buộc chồng và má chồng ba mặt một lời với nhau thì đỡ khổ tâm hơn vì dù gì cũng chịu đựng có một năm.



Xin lỗi, vì mình phải kể sơ bộ như vậy mới vào chủ đề chính được vì chúng có liên quan với nhau.



Những đoạn đối thoại mình xin được chia thành từng phần, theo thứ tự từ quá khứ đến hiện tại. Nếu kể từng câu, từng chữ, từng sự việc mà má chồng móc mỉa trong gần ba năm trời chắc mất cả cuốn tập hai trăm trang quá nên mình xin chỉ kể những sự việc điển hình thôi.



Thuở chân ướt chân ráo và sống ở nhà má:



Mới qua Pháp, cái gì cũng phải học. Học tiếng, học lối sống trong nhà với chồng và cả lối sống ngoài xã hội, học thích nghi với thời tiết (Mình xưa ở TP.HCM nên chịu lạnh kém hơn chịu nóng), ngay cả đến đổ rác cũng phải học vì bên này họ đổ rác theo ngày, chỗ mình hai ngày/ tuần, mà rác phải chia ra các loại như rác thải thì hai ngày/ tuần, rác có thể tái chế như nhựa, thiếc, nhôm, carton, ... thì một ngày/ tuần, còn các rác khác như pin, các vật bằng thủy tinh, quần áo, v..v.. thì đi ra thùng rác bự bự, to to ở ngoài đường mà đổ (Chỗ mình thì cách khoảng 800 mét mới có). Mà muốn đổ cũng phải đúng thùng theo dấu hiệu màu, mà họ cũng có dán đề-can ghi chú trên thùng.


Vừa qua được một tháng theo đề xuất của chồng mình đăng rao vặt dạy kèm tiếng Anh tại nhà theo giờ. Mới dạy được hai tháng, má chồng hỏi thăm riêng khi sang thăm nhà (Nhà má, má muốn qua lúc nào, bao lâu là việc của má)


- Con dạy tiếng Anh suôn sẻ không?


- Dạ cũng được.


- Dạy vậy một tháng được khá không con?


- Dạ không vì chỉ dạy amateur, với lại người ta chỉ yêu cầu theo giờ, theo nhu cầu, có khi một tháng hoặc vài cua xong là họ hết nhu cầu, vì tiếng Anh đâu có quan trọng với người Pháp đâu má (và mình cũng nói số tiền cụ thể ra).


(Má chuyển đề tài đột ngột)


- Ba má con ở VN còn đi làm không?


(Chồng mình chúa tỉ tê với má mà. Sau này mình hiểu má chồng mình luôn làm bộ hỏi lại, giả ngây, giả ngơ như thế, dù hỏi bất cứ chuyện gì)


- (???) Dạ họ nghỉ hưu rồi ạ.


- Con dạy vậy, con nên gửi tiền về cho ba mẹ, có khi họ cần.


- Dạ không, khi nào đi làm ổn định có hợp đồng con tính sau. Chứ giờ lương chồng con một nửa đã phải trả cho vợ cũ và cho 3 con riêng rồi. Có tháng bọn con còn không đủ ăn nữa ạ!


(Lúc này chồng ít đi công tác, lương thấp, sau này vì mâu thuẫn giữa mình và má chồng mà ảnh xin đi công tác nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập trả tiền thuê nhà, sau đó nữa mới mượn tiền ngân hàng mua nhà. Mà bên này khó thiệt, ngân hàng phải xét thu nhập hai vc bao nhiêu mới cho mượn, đi mướn nhà chủ nhà cũng xem thu nhập bao nhiêu, ổn định không, mới cho mướn).


Sau khi mình trả lời thế thì má chồng im lặng.



Thuở mang thai:


*Mang thai 2 tháng:


- Con còn đi dạy tiếng Anh không?


(Biết rồi cứ hỏi)


- Dạ không, con nghỉ từ cả tuần nay rồi. Con mang thai gần hai tháng thì trong lúc đó hay buồn nôn mỗi ngày và người mệt lả nên con nghỉ rồi không chạy xe đi dạy được.


(Sang Pháp mình đã xin đổi bằng lái xe máy A1 ở VN đem sang nên chạy được các xe đến một trăm mấy mươi phân khối đó, xe máy chồng mình bỏ ở gara là 125 phân khối)


- Tiền khó kiếm lắm con!


(Má chồng phán câu cuối làm mình giật mình)



*Mang thai ba tháng:


- Mang thai thế này rồi chừng nào đi làm. Đã nói thằng con má rồi mà nó không nghe. Ở bên này cái gì cũng tiền, tiền, tiền. sinh con ra lấy gì nuôi


- Chồng con nói có một ít trợ cấp cho bé mà má.


- Trợ cấp không đáng là bao đâu.


- Dạ nhưng trước khi mang bầu con cũng thử xin việc nhưng nói tiếng Pháp cỡ như vậy thì không chỗ nào nhận nên con và chồng bàn nhau sinh con trước, học tiếng cho tốt rồi đi học nghề, sau đó đi làm sau. Con thì là lần đầu lấy chồng và lần đầu mang thai. Má có thích thêm cháu không vậy má?


- Má có đầy cháu rồi, hai đứa của con gái lớn, hai đứa của con gái út và 3 đứa của chồng con với con C. (vợ cũ của chồng mình). Má chẳng thích thêm cháu nào nữa.


- Đứa con này là thứ tư của chồng con nhưng là đứa đầu của con ạ.


- Tiền đâu mà nuôi?


Mình im.


(Nói thêm là từ lúc đầu mới qua sống cùng chồng mỗi lần má qua mà có giấy báo trả tiền gaz và nước là má đều trình giấy và càm ràm với mình chuyện ''tiền, tiền'' và ''đi làm, đi làm'' suốt. Chồng mình trả tiền điện, internet, điện thoại bàn và thuế cho ủy ban. Bên này ngộ, già trên 65t miễn đóng thuế cho Ủy ban thành phố mình ở, nhưng hễ đứa con nào trong độ tuổi lao động về ở cùng là Ủy ban gửi giấy đòi đóng thuế. Ngộ thì ngộ nhưng ''nhập gia thì tùy tục'' mà).



*Mang thai 4 tháng:


Má hát lại điệp khúc mang thai và thêm phần phụ


...


- Con nghĩ coi, chồng con làm lương chẳng bao nhiêu, còn phải chia 5, sẻ 7, sinh con ra tiền đâu nuôi?


Mình thiệt tình trấn an má, không ngờ tác dụng ngược, có lẽ vì trong lòng má đã ác cảm rồi.


- Chồng con có giải thích là tiền trợ cấp để mua sữa, thức ăn và tả cho bé, quần áo thì chờ soldes mua, còn các dụng cụ khác thì mua hàng cũ xài lại. Má đừng lo ạ.


- Sao không chờ đi có hợp đồng cố định rồi sinh


- Dạ lúc đó con 40t sinh đứa đầu không tốt ạ.


- Hồi xưa má sinh con gái út lúc 38t có sao


Mình im.


(Mẹ mình sinh thằng em út cũng lúc 36t, nhưng đó là hồi xưa. Hơn nữa ở Pháp này chờ học tiếng cho tốt, đi học nghề, đi làm được cái hợp đồng cố định không phải đùa. Mà có cái hđ cố định rồi cũng phải làm khoảng hai năm trở lên mới nghỉ sinh vài năm vẫn được hưởng nửa phần lương. Chồng mình bảo vợ cũ ảnh làm như vậy. Ảnh nói ảnh cũng giải thích với má rồi mà không hiểu sao má cứ cố chấp và hạnh họe mình hoài).



*Mang thai cuối tháng thứ 4, 5 và sáu má cứ đến chơi mấy lần/ tháng rồi lặp lại y chang chủ đề cũ xong bồi thêm phần phụ. Lần này mình không im nữa mà hỏi tiếp:


- Hồi trước, mỗi lần chị C. sinh má có lặp đi lặp lại với chị ấy như vậy không?


- Không. Con nên nhớ con C. luôn luôn được hưởng nửa lương khi sau khi sinh ở nhà nuôi con.


Mình im.


Mấy lần sau má nói thêm:


- Sau đứa này có muốn sinh đứa nữa không vậy con?


- Má cứ hỏi chồng con đi ạ.


Rồi má bla...bla...bla... đại loại là sinh một đứa tiền ko có, hai đứa tiền càng ko có. Mình cũng im nốt.


Mình có tâm sự với chồng nhưng vô ích, như bao ông chồng khác, ảnh đều kêu mình mặc kệ. Chuyện sinh hay không là do vc qđ. Thiệt, lần nào sang cũng nhồi sọ như vậy sao chịu nổi. Nhưng những lời này của má là còn lịch sự chán. Sau này lời lẽ má mới ngày càng đáng sợ. Có lẽ vì thấy mình hay im vào khúc cuối hội thoại.



*Mang thai 7 tháng trở đi:


Má chuyển ''bài hát'' khác:


- Nhà cửa gì trang trí bày biện, trên kệ cao đụng trần nhà thế bụi lắm, dơ lắm!


- Dạ. Con cũng có nói chồng nhưng anh ấy muốn giữ như vậy.


- Giữ thì phải lau thường xuyên chứ con.


(Sàn nhà cách trần nhà khoảng 4 mét)


- Dạ! Hồi từ khi mang bầu 6 tháng con không lau trên cao nữa. Mà khi không mang bầu con bắc ghế cũng chỉ lau tới được kệ kế cuối, cái cuối cùng con lau không tới nên chồng lau.


Má im.


(Tuần sau má lại lải nhải tiếp y chang lời thoại trên cho cái điệp khúc lau các vật bày biện trên cao, nhưng có thêm phần phụ)


...


- Nhưng con trai má trước giờ không có biết làm việc nhà đâu, nó biết làm cái gì đâu, sao để nó làm.


- Dạ. Để khi con sinh xong đúng hai tháng con làm tất cả như trước đây.


Má im.


(Lúc mang thai tháng thứ tám má tiếp tục hát điệp khúc cũ, nhưng không quên thêm phần phụ. Hi..hi.. sau này nghĩ má chồng phải là một nhà biên tập mới đúng vì má đã hay nói lặp đi lặp lại mà toàn là thêm phần phụ không à)


...


- Đã nói con trai má không biết làm việc nhà bao giờ, nhà này thỉnh thoảng má ghé qua lau chùi dọn dẹp đó chứ!


(Hỏi chồng thì chồng lại nó chồng làm, má chỉ sắp cái này, xếp cái kia lại theo ý của má thôi vì chồng mình thay đổi vị trí theo ý chồng)


- Nhưng giờ con bầu to vầy, tám tháng rồi con chịu thôi má.


- Dơ là dơ cho thằng bé sắp sinh chứ không phải cho con hay cho đâu! Mới sinh nó chưa có đề kháng đâu!


(Mình nhủ thầm sao tự nhiên má đổi tông thương cháu vậy trời. Nhưng không... hãy đợi má ''xuất chiêu'' ở những tập sau)


Lúc này mình bắt đầu cáu lên:


- Con đã giải thích nhiều lần với má rồi bầu con gần sinh rồi, con không leo trèo gì nữa, má muốn thì nói anh T. (chồng mình) làm.


Thiệt, trong khi mang bầu từ tháng thứ 4 đến hết tháng thứ 7, mình họ lớp định hướng nghề 3 tháng có thực tập, mình cũng đứng lên bục, xếp hàng, kéo xe đẩy hàng trong kho ra bày lên kệ chứ bộ. Lúc đó mình thực tập nhân viên xếp hàng hóa trong siêu thị, lúc đó mình mang thai cuối tháng thứ 4 đầu tháng thứ 5.


Lần này khi chồng mình công tác về má mách


- Con H. (là mình) nói nổi nóng với má chẳng lý do gì cả.


- Tại má cứ lặp đi lặp lại suốt chuyện lau mấy thứ trên kệ cao kìa.


- Tôi nói là nói để tôi và thằng T. cùng lau cho thằng nhỏ sắp sinh.


Mình im.



Người gì đâu lật lọng thấy sợ. Tối đó mình nói chồng tại mình không muốn đấu khẩu nữa chứ má chưa hề nói là má sẽ làm cùng anh đâu. Mấy ngày nằm viện về nghe chồng nói má cùng anh lau chùi dọn dẹp phòng cho bé. Mình không biết là má cố tình làm vậy có phải để chứng minh cho chồng mình thấy lời má nói là đúng còn mình bịa đặt cho má không nữa??



Sau này nhiều chuyện nặng nề hơn mà chồng chồng mình từ chối đối chất, ba mặt một lời. Cũng tội, chồng mình bảo:


"Thôi, em nhịn, kệ má lải nhải tới lui đi. Anh không đối chất đâu. Lỡ người nói có, kẻ nói không nói thì anh biết làm sao?"