Thời xưa, lẫn thời nay, hạnh phúc luôn là mục đích cao cả nhất để con người truy tìm. Vật chất đầy đủ, với bạc tỷ trong tay, có làm cho một người hạnh phúc miên viễn không? Có vợ đẹp, chồng tốt, con ngoan, có làm cho một người hạnh phúc miên viễn không?

Công thức hạnh phúc đã được đưa ra nhiều, thế nhưng nó vẫn chưa là lời giải cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, Hạnh phúc là Thực tế/Mong đợi. Mong đợi càng ít thì hạnh phúc càng nhiều. Một người cảm thấy hạnh phúc vì những gì mình nhận được hơn những gì mong đợi. Còn mong đợi nhiều mà không đạt được thì sẽ khó làm cho một người cảm thấy hạnh phúc. Công thức này có triết lý nhà Phật trong đây. Tham sân si gây ra bất hạnh, phiền não, khổ đau cho con người. Con người nên chấp nhận những gì mình có, nên “an nhiên, tự tại”, để dứt sạch mọi ưu tư phiền não.

Tuy triết lý thật hay, nó chỉ áp dụng, và hiệu nghiệm, cho một thiểu số người trên thế gian này. Bởi có mấy ai lĩnh hội được để rồi có thể thức tỉnh và giác ngộ, để tách mình ra khỏi giòng chảy của cuộc đời này? Họa may nếu tu thiền ở một nơi nào đó, tách rời hoàn toàn khỏi sự bon chen cuộc sống; hay như đóa hoa sen, sống ngay trong giòng đời mà có khả năng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; hay sống trong một cộng đồng lý tưởng nào đó lấy chân thiện mỹ, lấy nhân bản, làm nền tảng để đối xử với nhau. Trong thời đại toàn cầu hóa và kỹ nghệ tin học, cách ly về vật lý/thể chất thì còn có thể, nhưng cách ly hoàn toàn với những biến chuyển xã hội trong tầm quốc gia và quốc tế, thì khó thể nào.

Một hai thế kỷ trước, phần lớn nhân loại vẫn thiếu ăn thiếu mặc. Nạn trộm cắp vì những thứ căn bản nhất như miếng cơm manh áo xảy ra thường xuyên ở mọi nơi. Chỉ mấy thập niên về trước, vật chất còn khó khăn, đặc biệt là tại Việt Nam. Khi túng thiếu, những gì mình có được, bằng chính sức lao động, hay một chén cơm, một chiếc áo len, do người khác ban tặng, đều được trân quý. Tôi còn nhớ mỗi năm Tết đến được ba mẹ cho tiền mua giầy/dép, mua một bộ đồ mới, thì lòng hân hoan vui sướng khó tả. Khi mình không có gì hết thì cái gì mình cũng quý. Còn thời nay, nhìn con cái bây giờ cái gì chúng cũng có. Áo quần thì cả chục, hay vài chục bộ. Giầy dép cũng thế. IPad, iPhone, Surface Pro v.v… đều có. Thế hệ lớn lên hôm nay chắc chẳng bao giờ biết đói là gì. Rốt cuộc, chẳng có cái gì chúng quý cả. Tuy có gần như tất cả những gì cần thiết trong thời đại nay, và tuy chưa bao giờ biết đói là gì, nhất là so với mấy thập niên trước, tôi không rõ con người có hạnh phúc hơn không. Nhìn các con các cháu của tôi, chúng rất dễ bị tổn thương vì một lời nói, một cử chỉ. Phải chăng sự tổn thương của con người tỷ lệ thuận với nền văn minh?