Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình chống Trung Quốc
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ khoảng 500 người biểu tình ủng hộ dân chủ đang tập trung tại các khu kinh doanh của thành phố.
Những người biểu tình đã bị bắt giữ vì tụ tập trái phép và cản trở nhân viên cảnh sát, BBC đưa tin cho biết.
Lệnh bắt giữ được đưa ra sau khi hàng chục ngàn người biểu tình đã tuần hành trên khắp các phố ở Hồng Kông hôm thứ Ba (1/7). Đây được cho là cuộc biểu tình dân chủ lớn nhất của thành phố trong một thập kỷ qua.
Cảnh sát Hồng Kông di chuyển những người biểu tình ra khỏi địa điểm cố thủ.
Các cuộc biểu tình được tổ chức hàng năm thường được ấn định vào ngày Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Mục đích của biểu tình là yêu cầu quyền tự do và bầu cử đầy đủ.
Các nhà tổ chức cho biết đã có khoảng 510.000 người tham gia cuộc biểu tình. Trong khi đó, con số mà cảnh sát cho biết chỉ là 98.600 người. Sau khi các cuộc diễu hành kết thúc, hàng trăm người biểu tình đã ngồi lại tại một trung tâm của thành phố.
Cảnh sát cho biết việc tụ tập cố định tại một địa điểm là trái phép và bắt đầu bắt giữ những người tham gia biểu tình hôm thứ Tư (2/7). Nhiều người đã nắm chặt tay nhau, nỗ lực ngăn chặn cảnh sát chia cắt và đưa họ đi.
Theo cảnh sát Hồng Kông, 511 người đã bị bắt, trong đó có 351 đàn ông và 160 phụ nữ trong một nỗ lực giải phóng khu vực.
Theo các nhà tổ chức, đã có khoảng 510.000 người tham gia biểu tình yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông ngày 1/7/2014.
Phát biểu hôm thứ Ba (1/7), lãnh đạo Hồng Kông CY Leung cho biết chính quyền đang cố gắng để tạo sự đồng thuận về cải cách chính trị. "Chỉ có cách duy trì sự ổn định của Hồng Kông, chúng ta mới có thể duy trì sự thịnh vượng kinh tế. Chỉ bằng cách duy trì sự thịnh vượng của Hồng Kông, chúng tôi mới có thể cải thiện sinh kế của người dân", ông Leung nói.
Các nhà phân tích nói rằng Hồng Kông đang phải đối mặt với các quan điểm trái chiều về phát triển dân chủ. Căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa các nhà hoạt động và chính phủ Hàn Quốc.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ muốn người dân Hồng Kông có quyền bầu lãnh đạo của thành phố, hay còn gọi là Trưởng đặc khu.
Theo BBC, phía Trung Quốc muốn thông qua bầu cử bằng phổ thông đầu phiếu cho thành phố vào năm 2017, nhưng lại muốn thành lập ủy ban phê duyệt các ứng cử viên.
Trong tháng Sáu, một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cách bầu ra trưởng đặc khu đã thu hút gần 800.000 người tham gia.
Chính quyền Hồng Kông cho biết cuộc trưng cầu kéo dài 10 ngày không đúng luật. Chính phủ Trung Quốc đã mô tả cuộc trưng cầu như là một "trò hề bất hợp pháp".
Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997 sau thỏa thuận năm 1984 giữa Trung Quốc và Anh.
Trung Quốc đồng ý để Hồng Kông hoạt động theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Thành phố sẽ có quyền tự chủ cao hơn, “ngoại trừ vấn đề đối ngoại và quốc phòng" trong 50 năm. Vì thế, hiện nay, Hồng Kông về cơ bản vẫn hoạt động bằng một hệ thống pháp luật riêng.