http://soha.vn/xa-hoi/chu-tich-son-la-chua-co-tuong-dai-la-thiet-thoi-cho-chung-toi-20150806095903434.htm


Chủ tịch Sơn La: "Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi"


Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, quy hoạch chi tiết quần thể tượng đài sẽ công bố ngày 10/10, đồng thời khẳng định 1.400 tỷ chỉ là con số dự kiến


Trả lời PV báo Trí thức trẻ trong sáng nay, ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, quy hoạch chi tiết quần thể tượng đài Bác Hồ sẽ được công bố vào ngày 10/10/2015, nhân dịp kỉ niệm 120 thành lập tỉnh Sơn La.


Đây cũng là thời điểm được chọn để làm lễ động thổ quần thể khu tượng đài giá trị nghìn tỷ, vốn đang được sự quan tâm rất cao của dư luận.



Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh (phải) trả lời PV sáng nay, 6/8.




Tại buổi phỏng vấn, vị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng tái khẳng định quan điểm của tỉnh, là sẽ cân đối trên tinh thần tiết kiệm nhất về quy mô cũng như kinh phí cho đề án này.


"Trong cả nước đã có rất nhiều tỉnh có quảng trường, tượng đài, Sơn La là chưa có cũng là thiệt thòi cho chúng tôi. Con số 1.400 tỷ mới chỉ là con số khái toán, chưa phải là con số cuối cùng của đề án này.


Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi chắc chắn sẽ còn phải đi tham khảo mô hình tượng đài và quảng trường từ các tỉnh khác để sao cho có phương án xây dựng tiết kiệm nhất nhưng cũng không bỏ qua các hạng mục quan trọng".



Tượng đài Bác Hồ với nhân dân tỉnh Hà Giang được xây dựng ở Hà Giang




Trước đó, cũng trong buổi phỏng vấn với PV báo Trí thức trẻ, ông Minh đã lý giải về con số 1.400 tỷ đồng trong đề án nhắc tới, là bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với diện tích khoảng 20 ha bao gồm:


Quảng trường, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, mặt bằng Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ và bảo tàng (sau năm 2020)...


"Trước mắt sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hai công trình quảng trường, tượng đài Bác vào dịp 7/5/2019 để kỷ niệm sự kiện 60 năm Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc", ông Minh thông tin.


Ông Minh cũng cho biết thêm, việc xây tượng đài sẽ phân kỳ đầu tư, trong đó có cả hình thức xã hội hóa, chứ không thể dùng toàn bộ ngân sách. Tuy nhiên, chủ trương vẫn trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.



Yêu cầu Sơn La báo cáo về đề án 1.400 tỉ đồng


Ngày 5-8, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về thông tin báo chí nêu liên quan đến đề án xây dựng quần thể tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc.



Xây khu tượng đài 1.400 tỷ: “Không nên đặt vấn đề đắt rẻ”


http://soha.vn/xa-hoi/xay-khu-tuong-dai-1-400-ty-khong-nen-dat-van-de-dat-re-20150805232738255.htm


Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước”, ông Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.
Dư luận đang quan tâm việc tỉnh Sơn La chi 1.400 tỷ đồng xây dựng khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).


Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã lên tiếng, không có chuyện xây dựng tượng đài trị giá 1.400 tỷ đồng, tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ, với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn gây nhiều tranh cãi trong dư luận.


“Đôi khi văn hóa phải đi trước”


Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên xây tượng đài để cộng đồng được hưởng thụ các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là để Sơn La quảng bá được hình ảnh của tỉnh.


Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, địa phương phải cân nhắc nguồn lực, tính toán quy mô, nguồn vốn… sao cho phù hợp.


“Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa.


Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước”, ông Nghiêm cho biết.


Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh Sơn La nên nghiên cứu, cân nhắc xem nên làm ở thời điểm nào và có quy hoạch trước.


Nhắc lại kinh nghiệm quy hoạch tượng đài tại Hà Nội trước đây, riêng việc xây tượng đài Bác Hồ, Hà Nội cũng phải mất ít nhất 6 – 7 năm mới quyết định được vị trí.


Tương tự, TP. HCM, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… đều làm tượng đài theo quy hoạch chung cho cả tỉnh.


“Hiện nay, tôi chưa thấy Sơn La đề cập tới vấn đề quy hoạch, trong khi có quy hoạch mới có tầm nhìn dài hạn và mới xác định được các dự án ưu tiên của từng thời kỳ”, ông Nghiêm nhấn mạnh.


Nên để tiền làm việc khác


Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hùng, thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đầu tư 1.400 tỷ xây dựng khu tượng đài là “lãng phí, không cần thiết”. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.


“Đồng ý rằng tỉnh nào cũng cần có một quảng trường và ta nên lấy chính nơi đó để đặt tượng Bác Hồ. Nhưng cũng không cần phải tiêu xài phung phí, xây tượng hoành tráng như thế, vì Bác Hồ luôn ở trong trái tim mỗi người dân Việt Nam”, ông Hùng nói.


Cũng theo ông, không ai có thể định giá chính xác xây một bức tượng mất bao nhiêu, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiết kế, mặt bằng xây dựng, nền đất…, nhưng trên thế giới, chi phí để xây tượng cũng không lớn đến thế dù rằng quy mô, quy hoạch của họ khác ta.


“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, tại các vùng sâu vùng xa, nhiều người còn chưa có cơm ăn, áo mặc, giữa Thủ đô hoa lệ còn có học sinh phải lội sông tới trường…


Vậy thì với số tiền đó, nếu Sơn La để xây đường sá cho dân, xóa đói giảm nghèo có phải tốt hơn không?”, vị này băn khoăn.


Kiến trúc sư Hùng cũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Sơn La nên lắng nghe nguyện vọng của dân, nếu có xây tượng cũng chỉ nên làm vừa phải thôi và “đừng bao giờ bắt dân đóng góp để xây”.


Nếu có xin được tiền từ nguồn khác, kể cả nước ngoài có cho thì cũng nên chi cho những việc khác thiết thực hơn thay vì xây tượng đài.