

Nhìn các cháu học thêm mà xót ruột
Tôi nhớ cách đầy gần 60 năm, vào quãng những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 việc học phổ thông của lứa tuổi chúng tôi đúng là thời gian đáng nhớ nhất của cuộc đời một con người, nhất là những trò giỏi, ham học. Suốt trong 10 năm phổ thông ngày chỉ có nửa buổi học. Nửa buổi còn lại tha hồ vui chơi.
Một tuần thì có thêm một buổi lao động. Hồi cấp 1, 2 thì đi lấy lá cây giúp bà con nông dân ủ làm phân xanh. Lên cấp 3 thì nửa ngày lao động làm vườn thực vật cho nhà trường, hay tham gia gặt khi vào vụ thu hoạch lúa. Hồi ấy việc học thêm (lúc đó gọi là học phụ đạo) chỉ dành cho những học sinh quá kém trong lớp.
Học sinh nào thuộc diện này đều lấy làm xấu hổ nên nhiều người cố học thật giỏi để thoát khỏi diện phụ đạo. Học trò ở thành phố độ ấy tôi không tường lắm, còn đám học trò nông thôn chúng tôi thì khỏi nói.
Đủ mọi trò chơi tạo ra hứng thú cho những ngày hè. Câu cá, mót lúa, mót khoai, đi bơi, đá bóng, chơi bi, đánh đáo, đánh khăng… Cùng bố mẹ, anh chị lên mạn ngược, xuống miền biển thăm bà con, họ hàng nghỉ mát… Tóm lại, mỗi kỳ nghỉ hè là thời gian vui chơi thỏa thích, không vướng bận một chút gì về việc học hành, để khi từ giã những ngày hè học sinh chúng tôi náo nức, thanh thản bước vào năm học mới…
Nhớ lại những năm tháng đang tuổi học trò phổ thông của mình khi đã vào tuổi 70, nhìn lại việc học hành của các cháu tôi và của học trò hiện nay tôi thấy việc học của các cháu giống như những hình phạt bắt buộc làm mất đi mọi hứng thú về việc học tập. Tôi có 4 cháu nội.
Cháu học cao nhất lớp 7, cháu học thấp nhất là lớp 1. Sức học của các cháu nếu xét như thời của tôi thì đều không thuộc diện phải học phụ đạo. Nhưng tất cả 4 đứa đều không thoát được sự học thêm đáng sợ vì học thêm bây giờ trở thành một hình thức bắt buộc đối với tất cả các học sinh trong lớp không kể học giỏi hay học kém.
Lịch học thêm của cháu nội tôi, một học sinh lớp 7: Buổi sáng học ở lớp. 12h về, ăn cơm nghỉ qua loa đến 13h30. Hôm nào không học thêm ở trườngthì đến nhà cô giáo học thêm môn Văn đến 15h30. Không kịp về nhà lại lao đến nhà thầy giáo Tóan học thêm hai tiếng đến 18h. Về ăn vội vàng đến 19h lại tới nhà cô giáo Tiếng Anh học đến 21h. Ngày nào cũng như nhau khiến đến tôi cũng xót ruột, thương cháu. Đó là chưa kể cũng vì sự học thêm gần như chiếm hết thời gian của các cháu trong dịp hè, đánh mất những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất mà đáng ra các cháu được hưởng.