Hạnh phúc của mỗi thời


TTCT - Cháu tôi năm nay vào lớp 1. Chỉ sau tuần lễ đầu tiên đầy hăm hở, háo hức với thế giới mới lạ, bỗng dưng nó không chịu đi học. Cả nhà gặng hỏi vẫn không tìm ra nguyên nhân.


Bâng quơ, tôi buột miệng hỏi giữa cô và các bạn con thích chơi với ai? Cháu òa khóc và thổn thức: "Có phải nếu mình không có tiền thì cô đánh đòn nhiều hơn?".


Lần theo tình tiết của câu chuyện, điều làm cháu hoảng sợ là trận đòn cô dành cho bạn cháu. Bạn chưa biết đọc, lại viết chữ quá xấu nên cô bực. Hôm đó cứ mỗi câu hỏi của cô là đi kèm hai, ba cây thước quất vào lòng bàn tay.


- Tại sao không biết đọc?


- Dạ chẳng có ai dạy cho con hết.


- Tại sao không đi học thêm?


- Dạ bà nội con không có tiền.


Lúc này cơn giận của cô đã tăng lên nhiều hơn:


- Ba má đâu mà phải chờ tiền của bà nội?


- Dạ bị đụng xe chết hết rồi cô ơi.


Đến đây thì cây thước trong tay cô đã gãy làm đôi và tâm hồn trong trẻo của cháu tôi vỡ thành nhiều mảnh trong tiếng nấc nghẹn vì thương bạn và lo sợ cho chính mình. Vết thương này quá lớn cho cuộc đời học trò của cháu. Gia đình tôi đã gợi ý cho cháu mời bạn về nhà học chung, chơi chung...


Miên man cùng nỗi niềm của cháu, tôi trôi dần về vùng ký ức hai mươi mấy năm trước. Ngày đó, theo bối cảnh chung của xã hội, hầu hết bạn bè tôi đều có những hoàn cảnh khốn khó, nghèo túng riêng. Thầy cô của tôi cũng vậy.


Tôi không quên được một buổi chiều cuối năm, lớp tôi đến thăm nhà thầy chủ nhiệm. Cả đám học trò lao nhao gọi cửa và mải mê nhìn vào khoảng sân bừa bộn. Thầy bước đến từ đằng sau và tay chân bê bết bùn. À, người đàn ông đứng giữa đám rau trước nhà là thầy mình. Các bạn vô tư đùa giỡn, còn tôi phải lau vội dòng nước mắt. Một người thầy uy nghi vừa bước ra từ đám rau "tăng gia sản xuất" giữa lòng thành phố! Ở cái tuổi non nớt, tôi không lý giải được điều gì nhưng sao cứ muốn khóc cho thầy và cả cho tôi.


Hồi đó, lớp tôi có bạn C. luôn đi học trễ làm điểm thi đua của lớp lúc nào cũng thấp và bị nêu tên dưới cờ. Sự bực bội dần tăng, tôi nhờ thầy góp ý với bạn thì nhận được câu hỏi nếu C. nghỉ học luôn để khỏi ảnh hưởng đến lớp và C. đi học nhưng lúc nào cũng trễ, em chọn bên nào? Tôi đâm hoang mang vì mình làm cán bộ lớp mà chưa hiểu hết hoàn cảnh của bạn.


Bỗng nhiên sau đó có ba ngày liền C. đi học sớm làm cả lớp hân hoan. Vào cái ngày thứ ba đó, giờ chơi thầy bảo tôi nhắn C. cuối giờ ở lại gặp thầy.


Cái máu tò mò, nghịch ngợm của lứa tuổi học trò không cho phép chúng tôi đi về. Bọn tôi núp vào lớp bên cạnh, thập thò thu nhặt thông tin cuộc trò chuyện của thầy và bạn C.. Mỗi sáng C. phải gánh hàng ra chợ và phụ mẹ dọn hàng. Xong xuôi mọi việc mới hớt hải chạy đến trường. Ba ngày nay, mẹ bị gãy chân phải nghỉ bán nên C. đi học sớm. Vì mẹ phải nghỉ bán lâu dài nên thầy sợ bạn bỏ học. Ngoài số tiền được chia sẻ từ đồng lương hạn hẹp, thầy còn giới thiệu cho bạn phụ việc buổi tối để đỡ đần cho gia đình. Cuộc trò chuyện thầm lặng giữa hai thầy trò đã theo chúng tôi vào đời, là hành trang thiêng liêng về lòng yêu thương, về sự thấu hiểu để sẻ chia.


Chuyện đã xảy ra thật lâu mà lòng tôi vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ lại. Vẫn biết thời thế luôn đổi thay, nhưng sao hình ảnh thầy tôi vẫn không phai nhòa.


HOÀNG UYÊN KHÁNH


http://m.tuoitre.vn/chuyen-trang/Tuoi-Tre-Cuoi-tuan/195101,Hanh-phuc-cua-moi-thoi.ttm