Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, nhưng tại một khu chợ ở Hà Nội, hầu hết người dân nói đời sống của họ mỗi tháng lại một khó khăn hơn, AFP nhận xét.


> Reuters viết về 'bão giá' ở Việt Nam / Đua nhau 'chặt chém' sau Tết


Nguyên do của tâm trạng ủ rũ kia là tốc độ tăng giá chóng mặt, đặc biệt là thực phẩm. Nhóm hàng này tăng giá 22% so với cách đây một năm.


Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, giá các loại hàng hóa trong vòng một năm qua đã tăng 14%, tốc độ tăng lớn nhất kể từ năm 1995 và vượt xa tốc độ tăng lương. Những người nghèo chịu ảnh hưởng mạnh nhất.


"Tôi phải cố gắng xoay xỏa với khoản lương còm", cô giáo Nguyễn Thị Liên, 40 tuổi, vừa nói vừa chỉ vào chiếc bàn bán thịt cạnh đó. Giá mỗi kg thịt lợn đã lên đến 80 nghìn đồng. Cách đó hai tháng là 50 nghìn.


"Giá cả tăng chóng mặt thế này ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình tôi nhiều lắm. Giờ mỗi khi đi chợ là tôi lại đau đầu suy tính xem nên mua gì", chị Liên cho biết.


Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đánh giá tình hình nghiêm trọng bởi đối với đa số người nghèo, tiền thực phẩm chiếm phần lớn trong ngân sách gia đình. "Rất có thể một bộ phận người dân lại trở lại mức nghèo", ông nói.


Việc giá cả thực phẩm, xăng dầu và một số nhu yếu phẩm khác tăng lên theo hình xoắn ốc đã gây cảm giác bất an cho những công nhân trong các nhà máy dệt may và da giày ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng 20 ngày đầu tiên của năm 2008, hơn 25 nghìn công nhân đã đình công tại 40 nhà máy để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.


Một phần nguyên nhân của tình trạng giá cả leo cao là nguồn cung tiền mạnh mẽ. Sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5% năm ngoái đã kéo các nhà đầu tư nước ngoài tới đây và đổ vào hơn 20 tỷ USD


Các công ty nhà nước cổ phần hóa một phần và thị trường chứng khoán bung ra đã khiến một bộ phận giàu lên nhanh chóng. Khi thị trường chứng khoán hạ nhiệt, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang dự trữ vàng và bất động sản và khiến cho giá nhà đất vọt lên.


Giá cả hàng hóa ở Việt Nam tăng lên còn một phần vì xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới. "Việt Nam đã giải phóng thị trường gạo, vì thế giá trong nước sẽ phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới", Pincus nhận định. "Chính phủ Việt Nam nhận ra rằng điều này tiềm ẩn rủi ro".


Chuyên gia kinh tế này cho rằng một nguyên nhân nữa khiến giá thực phẩm ở Việt Nam vọt lên là bệnh dịch liên quan đến gia súc và gia cầm, như bệnh lợn tai xanh và cúm gia cầm.


Chị Lê Thị Mẫn, một nhân viên kế toán 31 tuổi, cho biết 5 người nhà chị đã cắt suất phở sáng, món ăn quen thuộc từ lâu của gia đình.


"Cách đây vài tháng, mỗi bát phở chỉ 10 nghìn, giờ thì lên 15 nghìn rồi. Có những hàng còn bán 20 nghìn, thậm chí 40 nghìn. Bây giờ nhà tôi ăn sáng ở nhà thôi. Tôi vừa mua một thùng mì tôm rồi", chị Mẫn nói.


Nguồn: news.7sac.com