Các loại đồ chơi làm từ hạt nở (loại gây ngộ độc cho các thày cô, học sinh ở Thanh Hoá) được đựng trong các bao bì có ghi nguồn gốc từ nước ngoài, có rất ít thông tin chi tiết về sản phẩm ngoại trừ dòng chữ nở từ 300-600%. Chỉ có một số ít bao bì ghi dòng cảnh báo: “Cấm sử dụng cho trẻ em dưới 3 tuổi”.
Ngày 17/12/2007, 22 học sinh và 1 giáo viên của trường trung học cơ sở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phải nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, một số ca buồn nôn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các học sinh chơi túi hạt nở ngâm nước.
Đây là một loại đồ chơi mới, có thể nhập lậu từ nước ngoài. Đó là hạt nhựa nở trong nước. Lúc đầu hạt nhựa này chỉ bé tí nhưng khi cho vào nước và “nuôi” sẽ nở ra rất to, thậm chí còn nở ra cả bướm, hoa, chim... Sản phẩm này bán rất chạy bởi vì giá rẻ chỉ 20.000đ/vỉ (24 gói nhỏ), bán lẻ 1.000đ/ túi.
Tại Hà Nội, loại hạt nở này được bán với số lượng lớn tại phố đồ chơi Lương Văn Can, Hàng Mã… Theo quan sát của PV CAND Online, ngoài loại hạt nhựa hình viên bi gây ngộ độc cho các em học sinh ở Thanh Hóa, còn có nhiều hình thù chim, thú khác nhau với màu sắc lòe loẹt rất bắt mắt.
Theo người bán hàng, khi mua về chỉ cần thả vào nước ấm, tùy theo thời gian sẽ có các “hiệu ứng như mong muốn”. Một vỉ hạt nhựa hình viên bi gồm 24 túi nhỏ được bán với giá 18 nghìn đồng, vỉ hình các con thú giá 20.000 đồng. Nếu mua trên 1000 vỉ sẽ được giảm xuống còn 15 nghìn đồng.
Vì là loại đồ chơi này chủ yếu hướng đến đối tượng nhỏ tuổi nên loại hàng này được bày bán nhiều ở các cửa hàng văn phòng phẩm, quà lưu niệm, hàng tạp hoá... đặc biệt là các cửa hàng cạnh cổng trường học. Nếu mua lẻ thì giá từ 100- 2000 đồng/ gói, mua theo “mớ” thì chỉ có giá 500-1000 đồng/ gói, tuỳ loại.
Vào một cửa hàng bên cạnh trường Trung cấp sư phạm mẫu giáo- Nhà trẻ Hà Nội (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ cần quan sát đã thấy loại đồ chơi này được treo lủng lẳng ngay trước cửa ra vào như một mặt hàng đang rất được ưa chuộng.
Mua một số loại đồ chơi nói trên, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, các loại hạt nhựa đã tăng thể tích lên hàng chục lần, đối với loại nhựa hình viên bi, từ bé như hạt đỗ đã nở phồng bằng đầu ngón tay.
Đối với các loại con thú, ban đầu chỉ bé như chiếc đũa nhưng sau 72 giờ đã “lớn” bằng nằm tay. Trên mặt chiếc xô dùng để ngâm các loại nhựa nổi lên một lớp váng như váng dầu tràn, còn các con thú và hạt nhựa sờ vào nhơn nhớt, rất ghê tay. Ngồi gần cũng ngửi thấy mùi hăng hắc khó chịu.
Cách đây không lâu, trên một số phương tiên thông tin đại chúng đã cảnh báo về sự nguy hại của loại hạt nhựa này. Viện Hóa Hóa học công nghiệp Việt Nam cho biết, các hạt nhựa màu nói trên là hạt trương nở, khi hút nước, thể tích của nó có thể tăng lên tới 300 - 400 lần.
Các hạt nở thực chất là polyme ghép tinh bột, nếu trong quá trình sản xuất, nhà sản xuất không loại hết chất phụ gia, chất xúc tác thì sản phẩm này sẽ rất độc hại đối với cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Chưa kể đến, một số chất tạo tạo màu còn có khả năng gây ưng thư.
Cũng theo quan sát của PV CAND Online, hầu hết các loại hạt nở nói trên đều được đựng trong các bao bì có ghi nguồn gốc từ nước ngoài, có rất ít thông tin chi tiết về sản phẩm ngoại trừ dòng chữ nở từ 300-600%. Chỉ có một số ít trong đó có ghi dòng cảnh báo: “Cấm sử dụng cho trẻ em dưới 3 tuổi”.
Theo ông Nguyễn Công Huấn - Đội trưởng Đội 2, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ khá nhiều loại hạt nhựa này vì các chủ hàng không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ. Hiện Đội đã gửi một số mẫu về Chi cục để giám định.
Tuy nhiên khi trao đổi với ông Vương Trí Dũng - Chi cục Phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội thì được biết, việc giám định độc hại là do cơ quan y tế, còn quản lý thị trường phát hiện hàng lậu thì tịch thu không cho lưu hành trên thị trường.
Ông Dũng cũng cho rằng, các loại hạt nhựa này không phải là đồ chơi trẻ em mà chỉ là vật dụng trang trí và người lớn tuổi thường mua để trong phòng khách, phòng ngủ.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của các cửa hàng bán đồ chơi tại phố Hàng Mã, khách mua loại này chủ yếu là về bán cho trẻ con tại các trường tiểu học. Rõ ràng, dù đã được cảnh báo nhưng khi chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc thì nguy cơ về các vụ ngộ độc sẽ còn tiếp diễn và không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa