Sài Gòn đang lún


TTCT - Mưa bão bất thường ngày càng nhiều, mực nước trên các sông ngày càng dâng cao, mặt đất ở TP.HCM đang lún trông thấy.


Biến đổi khí hậu không còn là một nguy cơ nữa, bởi chúng ta đã phải tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng và cần kiếm ra hàng nghìn tỉ đồng nữa cho những công trình chống ngập.


Mặt đường số 17 khu dân cư Bình Hưng, Bình Chánh bị lún sâu nên nhà của ông Huỳnh Tiến Cường phải hai lần nâng nền - Ảnh: Q.Khải


Lún ở nhiều nơi


Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm địa tin học (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho thấy tình trạng lún mặt đất tại TP.HCM đang diễn ra nhanh ở nhiều khu vực.


Vừa nâng đường đã lún


5 cấp độ lún


Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm địa tin học (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện tượng lún tại TP được chia ở năm cấp độ. Cấp độ 1 khu vực lún ổn định 0,1cm/năm, cấp độ 2 khu vực lún chậm từ 0,1-0,3cm/năm, cấp độ 3 là lún trung bình 0,4-0,6cm/năm, cấp độ 4 là những khu vực lún 0,7-1cm/năm. Riêng cấp độ 5 là những nơi có độ lún hơn 1cm/năm.


Theo người dân ở khu dân cư Sông Đà (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), do khu vực này trước đây thường xuyên bị ngập nước nên trong năm 2010, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần xây dựng Sông Đà đã cho nâng hàng loạt tuyến đường nội bộ từ 30-60cm. Tuy nhiên, sau hơn một năm, mặt đất xung quanh khu dân cư này vẫn có biểu hiện tiếp tục lún.


Chỉ tay về vệt hồ khô (ximăng) bám trên tường nhà, ông Hoàng Kim Trọng, chủ nhà số 74 đường số 9, giải thích: “Trước đây đường, vỉa hè được nâng cấp ở mức đó nhưng trong khoảng một năm qua giờ bị lún xuống một đoạn như vậy”.


Khoảng cách vỉa hè bị lún xung quanh nhà ông Trọng đo được 8-10cm. Bằng mắt thường cũng có thể thấy nền vỉa hè ở hàng loạt tuyến đường khác cũng có hiện tượng lún tương tự. Một người dân gần đó cho biết không chỉ mặt đường, vỉa hè mà nền sân trước nhà ông cũng có dấu hiệu lún, tường bị nứt, xé nghiêng về phía trước. “Khi xây nhà, tôi làm móng rất kỹ lưỡng, nhưng phần sân trước do không làm móng cọc nên nhìn thấy lún rõ như vậy”. Ông Trọng cho biết tình trạng lún đã xảy ra từ lúc gia đình ông chuyển về đây ở (năm 2005).


“Khi tôi mua đất, xây dựng nhà thì chủ đầu tư khống chế cao độ, nền nhà chỉ được cao hơn lề đường 10-15cm, cao hơn mặt đường 40-50cm nên cứ nghĩ cốt san nền đã được tính toán kỹ lưỡng để đề phòng chuyện ngập nước. Ai dè về ở một thời gian thì nước bắt đầu ngập, càng về sau nước ngập càng nhiều hơn” - ông Trọng nói.


Theo TS Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM, các khu dân cư hình thành dọc đường Kha Vạn Cân (phía bên phải hướng từ cầu Gò Dưa về Bình Triệu) trước đây vốn được hình thành trên nền đất yếu. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy khu vực này là một trong những vùng lún nặng trên địa bàn TP với khoảng 2-2,5cm/năm. Mặt đất khu vực này được bao phủ bởi một lớp dày trầm tích Holocene có khả năng chịu tải kém, vì vậy khi xây dựng các công trình trên nền đất này sẽ có hiện tượng lún, mật độ xây dựng càng nhiều thì tình trạng lún càng nhanh.


“Các số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 1997 đến nay ghi nhận tình trạng lún ở phường Hiệp Bình Chánh ngày càng mở rộng và trầm trọng thêm. Điều đó cũng giải thích vì sao đây là một trong những phường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi triều cường thời gian qua” - ông Phi nói.


Vỉa hè trước nhà 74 đường số 9, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức mới nâng hơn một năm, nay có đoạn bị lún đến 10cm - Ảnh: Q.Khải


“Chạy đua” giữa mực nước và nền nhà


Khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh vốn là vùng đất ao, đầm ngập nước và được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh - chủ đầu tư - xây dựng cơ sở hạ tầng từ trước năm 2000, với quy mô khoảng 6.000-7.000 dân. Về sinh sống ở đây một thời gian, nhiều người dân phát hiện nền đất bắt đầu lún. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết mặt đất xung quanh các căn hộ ở khu dân cư này đều có dấu hiệu lún, để lộ những khe nứt nơi tiếp giáp giữa nền nhà và căn hộ. Nơi lún nhẹ thì chỉ vài centimet nhưng cũng có nơi lún gần một gang tay.


Chỉ tay về bancông tầng 1 đã bị lệch khoảng 40cm so với bancông nhà kế bên, ông Huỳnh Tiến Cường - nhà số 53 đường số 17, khu dân cư Bình Hưng - cho biết: “Trước đây bancông hai nhà bằng nhau nhưng vài năm gần đây thì toàn bộ căn nhà của tôi bị lún nên cứ kéo bancông xuống thấp dần so với nhà kế bên”.


Ở một số tuyến đường của khu dân cư Bình Hưng mặt đường bị võng xuống khá sâu, luôn bị ngập nước mỗi khi mưa hay triều cường. Một hộ dân sống trên đoạn đường này nói anh đã nâng nền nhà hai lần, với mức nền cao hơn 60cm so với ban đầu nhưng khi mưa hay triều cường nước vẫn mấp mé thềm nhà. “Sắp tới mùa mưa rồi, chắc phải nâng nền thêm một lần nữa. Cuộc chạy đua giữa mực nước và nền nhà chưa biết khi nào sẽ dừng lại” - một người dân nói.


Người dân ngụ đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8 cũng đang đối mặt với tình trạng lún ngày càng diễn biến nhanh. Theo một người dân ở đây, khoảng mười năm trước hai bên đường Phạm Thế Hiển chỉ bị ngập nhẹ mỗi khi triều cường. Nhưng khoảng năm năm trở lại đây, tình hình ngập ngày càng trầm trọng. Đến năm 2008, đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ cầu Bà Tàng hướng về đường Trịnh Quang Nghị) được nâng lên khoảng 60cm, rất nhiều nhà dân hai bên đường tiếp tục nâng nền theo nhưng hiện chịu cảnh ngập mỗi khi triều cường cao.


Vỉa hè trước nhà 52 đường số 9, P.Hiệp Bình Chánh cũng bị lún khá sâu so với nền nhà - Ảnh: Q.Khải


Trong vòng 10-20 năm tới, TP.HCM nên chú ý phát triển đô thị ở những vùng đất cao, cụ thể là phát triển về hướng Biên Hòa (Đồng Nai) do ở đây đang có các dự án giao thông, kết nối hạ tầng khá tốt. Lâu hơn nữa là phát triển về hướng Củ Chi. Cách làm này vừa giúp TP giãn dân ở khu nội thành vừa giúp giảm thiệt hại hơn khi ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao.


Đối với những vùng đất thấp như Thủ Thiêm, khu Nam Sài Gòn, TP cần tăng chiều cao xây dựng và giảm mật độ xây dựng, nên ưu tiên diện tích mặt nước, cây xanh ở khu vực này gấp đôi những nơi khác. Ngoài các hồ điều tiết nước, phần đất trồng cây xanh sẽ có tác dụng để ngấm nước mưa, vừa làm giảm ngập cho khu vực vừa bổ sung nguồn nước ngầm. Hiện nay không ít khu vực (các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận...) thiếu mảng xanh, trong khi “bêtông hóa” cao (khoảng 70% diện tích mặt đất) nên nước mưa khó ngấm, dẫn đến ngập.


Để hạn chế tình trạng lún đang diễn ra nhanh chóng cần ngưng ngay việc khai thác nước ngầm. Theo tôi, khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây lún nền đất ở TP.HCM.


Tiến sĩ - kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN


Những khu vực lún nhanh


Những khu vực lún cấp độ năm gồm: một phần các phường Nguyễn Cư Trinh, Cô Giang, Cầu Kho (quận 1); một phần phường Thủ Thiêm, An Khánh, Bình Khánh, Bình An (quận 2); phần lớn phường 9 và một phần các phường 1, 12 (quận 5); phần lớn các phường 1, 14 (quận 6); phần lớn phường Bình Thuận và một phần các phường Tân Quy, Tân Kiểng, Tân Phong (quận 7).


Các khu vực thuộc diện lún nhanh khác: một phần các phường 2, 3, 6, 7 (quận 8); một phần phường 5, 6 (quận 10); phần lớn phường 14 và một phần các phường 1, 3, 11 (quận 11); một phần các phường Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Hưng Thuận, Tân Thới Nhất (quận 12). Phần lớn phường Tân Quý và một phần các phường Tân Sơn Nhì, Phú Thành, Sơn Kỳ (quận Tân Phú); một phần phường Tân Tạo A, Bình Trị Đông A (quận Bình Tân); một phần các phường 6, 11, 12, 17 (quận Gò Vấp). Tại quận Bình Thạnh, khu vực bị lún nhanh là một phần các phường 5, 21, 24, 25...


Từ năm 1996-2002 là giai đoạn các vùng lún bắt đầu hình thành và lan rộng nhưng mức độ lún chưa lớn. Giai đoạn sau năm 2002 đến năm 2010 vùng lún ít mở rộng nhưng mức độ lún tăng rất nhiều. Nguyên nhân ngoài việc khai thác nước ngầm còn do sự phát triển đô thị trên nền đất yếu, địa chất chưa ổn định.


(Kết quả nghiên cứu của Trung tâm địa tin học, ĐH Quốc gia TP.HCM)


http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/485785/Sai-Gon-dang-lun.html