http://www.phapluatplus.vn/sai-pham-cua-hieu-pho-dai-hoc-ngoai-thuong-lieu-co-bi-chim-xuong-d1996.html


10:37 - 08/12/2015


Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Kết luận kiểm tra 109-KL/UBKTTU ngày 10/6/2015 Ủy ban kiểm tra của Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ những sai phạm cũng như kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với bà Đào Thị Thu Giang nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc nói không bị xử lý kỷ luật là chưa đúng. Hàng loạt sai phạm nhưng chưa bị xử lýTrao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy – Hiện là giảng viên trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội, người trực tiếp đứng đơn tố cáo về những sai phạm của bà Đào Thị Thu Giang cho biết: Kết luận kiểm tra số 109-KL/UBKTTU đã nêu hàng loạt sai phạm của Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang. Cụ thể, với cương vị là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Ủy từ năm 2010 đến năm 2012 nhưng Ủy ban Đảng ủy không tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề theo kế hoạch đã đề ra là thực hiện không đúng điều 32 Điều lệ Đảng. Năm 2013 Ủy ban Đảng ủy tổ chức kiểm tra một cuộc đối với 24/24 chi bộ nhưng thực hiện không đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương…









Đơn tố cáo của bà Thúy gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những sai phạm của bà Đào Thị Thu Giang- Hiệu phó Đại học ngoại thương


Là Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, dự án, kế toán – tài vụ (từ tháng 5/2010) nhưng ký phê duyệt mua một máy phô tô và một máy in với tổng số tiền hơn 96 triệu đồng trang bị cho phòng Quản lý Đào tạo bằng nguồn kinh phí Chương trình tiên tiến là không đúng đối tượng được trang bị.


Lấy nguồn kinh phí Chương trình tiên tiến để chi tiếp khách nhưng thực tế là không tiếp khách với số tiền hơn 10 triệu đồng. Ký duyệt chi 24 phiếu chi tiếp khách và quà tặng cho giảng viên nước ngoài chương trình tiên tiến vượt định mức số tiền hơn 71 triệu đồng so với quy định của Bộ Tài chính về tiếp khách nước ngoài.

















Kết luận của Cục CSĐTTP về TN đề nghị Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ


Ký duyệt chi mua trang thiết bị năm 2010 với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng theo phương thức chào hàng cạnh tranh nhưng không thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Đấu thầu.


Trong thời gian làm trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (trước tháng 5/2010) đã ký 2 phiếu chi với số tiền hơn 21 triệu đồng (bằng nguồn kinh phí Chương trình tiên tiến) để Văn phòng Chương trình tiên tiến tiếp khách nước ngoài nhưng không có tên khách, số lượng người tham dự, người chủ trì tiếp, không rõ ngày tháng tiếp, khách không phải là đối tác của CTTT là không đúng nguyên tắc của Tài chính Kế toán.


Ký 08 phiếu chi tiếp khách và quà tặng giảng viên nước ngoài của CTTT vượt định mức với số tiền hơn 10 triệu đồng so với quy định của Bộ Tài chính; Ký chi tiền để tổ chức Hội thảo nhưng lại không tổ chức Hội thảo; Ký chi mua phần mềm quản lý CTTT tổng số tiền 395 triệu đồng theo phương thức chào hàng cạnh tranh nhưng không thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu.


Ký giấy chuyển tiền mua hai máy phô tô với tổng số tiền 109 triệu đồng (đã được Hiệu trưởng ký duyệt đồng ý) cho khoa Kinh tế Quốc tế và Khoa Lý luận Chính trị là không đúng đối tượng được trang bị.


Khi là trưởng phòng Kế hoạch Tài chính chủ trì cuộc họp ngày 19/1/2010 và ký biên bản ghi ý kiến của kế toán về việc đóng góp tiền lương của các thành viên tham gia dự án Mutrap III cho nhà trường, đã thống nhất để phòng Quản lý Dự án làm tờ trình xin chủ trường Ban giám hiệu. Tuy nhiên sau đó lại gửi tin nhắn chỉ đạo thu hồi lương Mutrap.


Đối với gói thầy xây lắp dự án nhà 12 tầng, từ 11/1/2008 đến ngày 15/7/2009 đã thanh toán 6/14 lần cho bên B vượt tỷ lệ hơn 3 tỷ đồng là vi phạm nguyên tắc thanh toán ở trong hợp đồng xây dựng ký ngày 11/5/2007; Có trách nhiệm cùng các thành viên Ban Quản lý Dự án trong việc nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng xây lắp so với bản vẽ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và bản vẽ hoàn công gây thất thoát tài sản nhà nước và tập thể với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng; Thiếu kiểm tra hồ sơ thanh quyết toán, đã ký thanh toán vượt khối lượng so với dự toán gần 80 triệu đồng gồm thép móng, thép sàn, bê tông sàn tầng hầm, bê tông cốt thép trụ tường…


Đối với các gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy là gần 4 tỷ đồng thì trong khi Bộ GD-ĐT chưa phê duyệt quyết toán dự án nhưng đã thanh toán toàn bộ hợp đồng của các gói thầu cho đơn vị thi công là không đúng nguyên tắc thanh toán trong hợp đồng đã ký với các nhà thầu.


“Với những sai phạm trên, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội phối hợp với Ban cán sự Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào thẩm quyền được quy định tại Điều lệ Đảng, Luật công chức, viên chức, kiểm điểm trách nhiệm đối với bà Đào Thị Thu Giang. Tuy nhiên cho đến nay lời đề nghị này lại chưa được thực hiện” – Bà Thúy bức xúc cho biết.


Cũng theo bà Thúy, việc có nhiều sai phạm như vậy nhưng Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, ngành và sau này là Nhà nước đều cho rằng không bị kỷ luật nên vẫn xem xét công nhận Phó giáo sư cho bà Giang là điều rất khó hiểu.

















Kết luận của Cục Thuế Hà Nội giải quyết đơn tố cáo của bà Thúy


Cần làm rõ vấn đề liên kết đào tạo với Trung Quốc


Bà Nguyễn Thị Thúy cho biết thêm, năm 2006 đến năm 2013, với 13 khóa học, khoảng hơn 1.200 sinh viên với mức thu từ 1.000USD-1.200USD/sinh viên/ 1 năm, tổng thu hơn 25 tỷ VNĐ nhưng mãi đến năm 2014, sau nhiều ý kiến thắc mắc và đơn thư khiếu nại của cán bộ, giảng viên nhà trường, Phòng Kế hoạch – Tài chính theo chỉ đạo của bà Đào Thị Thu Giang mới chỉ nộp vào nhà trường được khoảng 2 tỷ VNĐ.


“Tôi đã làm đơn tố cáo vấn đề này và những sai phạm khác liên quan đến thu chi tài chính lên Cục thuế Thành phố Hà Nội để làm rõ nhưng sau đó đơn vị này kiểm tra và phản hồi rất mập mờ” – bà Thúy nói.


Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 11/3/2014, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã có văn bản 6275 thông báo xác minh đơn tố cáo của bà Thúy. Trong văn bản này cho biết: Chương trình liên kết với Trung Quốc trong năm 2011 và 2012 trường ĐH Ngoại thương đã kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.


Sau đó Cục thuế Thành Phố Hà Nội đưa ra kết luận: Chưa có đủ cơ sở xác định Trường ĐH Ngoại Thương trốn thuế đối với chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc.


Điều đáng nói ở đây, mặc dù người tố cáo đề nghị làm rõ việc đóng thuế chương trình liên kết với Trung Quốc từ năm 2006 đến năm 2013 nhưng Cục thuế Thành phố Hà Nội lại bất ngờ chỉ xác mình năm 2011 và năm 2012. Chính điều này khiến người tố cáo cho rằng ở đây có sự “mập mờ”.


PhapluatPlus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.


Nhóm PVĐT



https://sites.google.com/site/thamnhunglangphi