Mì Gấu Đỏ, có Gắn kết yêu thương?


Không biết từ lúc nào mì gói trở thành một loại thức ăn nhanh phổ biến cho mọi nhà. Vì tính tiện lợi và nhanh chóng trong cách chế biến, mì gói dễ dàng trở thành món ăn thay thế cho bữa sáng, bữa trưa và kể cả bữa tối của mỗi người. Cuộc sống hiện đại cứ cuốn con người theo khiến họ lúc nào cũng bận bịu nhiều việc nên bữa ăn hàng ngày của họ có phần đơn giản hơn, đôi khi họ chỉ ăn uống qua loa rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc, học tập. Theo như khảo sát, đối tượng sử dụng mì gói nhiều nhất là sinh viên, giới văn phòng, người độc thân,… và hầu như trên kệ bếp của mỗi gia đình đều có vài gói mì để sẵn.


Người tiêu dùng chọn mua mì gói
Hiện nay, thị trường thực phẩm đóng gói của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó mì ăn liền chiếm một phần lớn. Theo nhìn nhận của người tiêu dùng thì hầu như siêu thị nào cũng đều dành hẳn một kệ để trưng bày mặt hàng mì gói với nhiều chủng loại khác nhau của các công ty: Vina Acecook, Asia Foods, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket... Trong số đó có thể kể đến một vài nhãn hiệu nổi tiếng như: Hảo Hảo, Đệ Nhất, Aone, Omachi, Gấu Đỏ, Vifon, Miliket,…




Dẫn lời khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor trên trang Doanh nhân Sài Gòn online thì mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Năm 2012, khả năng tăng trưởng của mì gói có thể tăng đến trên 7 tỷ gói so với con số 5 tỷ gói của năm 2011, dự báo này không chỉ cho thấy nhu cầu gia tăng mà mức độ cạnh tranh để giành thị phần của các doanh nghiệp cũng sẽ khốc liệt hơn. Theo ông Phan Sông Lam, chuyên viên tư vấn thương hiệu, cho rằng, với mì gói, công nghệ sản xuất của các công ty gần như giống nhau và sự khác biệt được tạo ra chủ yếu bởi chủng loại, giá cả và các chiêu thức quảng cáo chứ không phải ở chính sản phẩm.


Nói về chiêu thức quảng cáo, mỗi công ty luôn có một chiến lược riêng và hầu hết đều muốn đánh vào tâm lý khách hàng, thu hút một cách tối đa thị hiếu của họ để tăng thị phần và nâng cao lợi nhuận. Chính vì lẽ đó clip quảng cáo trở thành một thứ phương tiện truyền thông hữu hiệu và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng thông qua các kênh truyền hình. Mỗi clip quảng cáo trước khi tung ra đều được các nhà sản xuất chăm chút kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, hình ảnh, âm thanh, slogan, cho đến lời thoại quảng cáo,…




Do muốn thu hút số đông người tiêu dùng và gây ấn tượng mạnh, một số clip quảng cáo cố ý nâng giá trị sản phẩm lên mức hoàn hảo hoặc đưa vào chương trình siêu khuyến mãi với mức giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng nhưng thực tế thì tỷ lệ trúng giải rất mong manh. Có clip quảng cáo còn đưa cả một câu chuyện thật đáng thương lên màn ảnh nhỏ với lời dẫn hết sức xúc động nhằm tìm kiếm sự chia sẻ từ hàng triệu người tiêu dùng. Đi theo xu hướng quảng cáo này, trong thời gian gần đây có thể thấy nổi bật nhất là chương trình từ thiện “Gắn kết yêu thương” của Công ty thực phẩm Á Châu trên nhãn hàng mì Gấu Đỏ. Đoạn clip quảng cáo trắng đen chỉ dài khoảng 40 giây nhưng vẫn đủ thời gian để truyền tải một câu chuyện cảm động: ”Hôm nay Tuấn sẽ rời bệnh viện với những ký ức thật ngọt ngào. Ký ức về những câu chuyện vui của bác Long; ký về nụ cười ấm áp của cô y tá Mai; sự ân cần, hóm hỉnh của bác sĩ Quang. Nhưng với bố mẹ Tuấn, ngày ra viện lại có thể là ký ức buồn bởi họ không còn đủ kinh phí để tiếp tục điều trị cho Tuấn”.


Hình ảnh bé Tuấn trong clip quảng cáo mì Gấu Đỏ
Xem xong clip quảng cáo, có lẽ mọi người ai cũng thấy xúc động trước hoàn cảnh của cậu bé Tuấn và đánh giá cao chương trình từ thiện của nhãn hàng mì Gấu Đỏ. Ý tưởng này rất hay và rất có ý nghĩa. Câu slogan: “Thêm 01 gói mì Gấu Đỏ là thêm 01 hy vọng cho những trẻ em nghèo như Tuấn được chữa bệnh. Hãy cùng đóng góp! Gấu Đỏ - Gắn kết yêu thương!” sớm trở thành một thông điệp, một lời kêu gọi mọi người cùng chung tay đóng góp một phần kinh phí nhỏ để giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh giống như Tuấn. Từ lúc chương trình khởi động đến nay, đã có nhiều nhà hảo tâm nhiệt tình hưởng ứng và ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm chọn mua mì Gấu Đỏ hơn vì nghĩ rằng mình vừa được ăn mì vừa được làm từ thiện. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng và xem ra chương trình “Gắn kết yêu thương” của nhãn hàng mì Gấu Đỏ đã có những thành công bước đầu.


Gấu Đỏ - chung tay gắn kết yêu thương
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều báo chí đưa tin về clip quảng cáo cũng như xuất hiện ngày càng nhiều những ý kiến phản ánh trái chiều của người tiêu dùng trên khắp các diễn đàn khi phát hiện ra hình ảnh cậu bé Tuấn trong clip chỉ là nhân vật đóng thế. Có một số người cảm thấy thất vọng khi biết mình bị lợi dụng để cho nhà sản xuất có thêm cơ hội kích cầu tiêu thụ.


Nếu để ý thật kỹ khi xem clip quảng cáo thì ở góc phải màn hình có hiện lên dòng chữ nhỏ ghi “hình ảnh chỉ mang tính minh họa”. Như vậy nhà sản xuất cũng đã có lời trích dẫn nhưng do người tiêu dùng không nhìn thấy rõ nên cứ lầm tưởng clip quảng cáo đang kể về một câu chuyện với người thật việc thật. Ở đây chúng ta nên có một góc nhìn thoáng hơn cho nhà sản xuất. Họ chỉ muốn truyền tải một thông điệp quảng cáo thông qua một câu chuyện mà thông điệp đó chính là chương trình “Gắn kết yêu thương” của nhãn hàng Gấu Đỏ. Còn về phía người tiêu dùng, với tư cách là người tiếp nhận thông điệp, họ cảm động hay rơi nước mắt khi xem clip quảng cáo đó cũng là điều hết sức tự nhiên, giống như họ đang xem một bộ phim hay đọc một quyển truyện kể về những hoàn cảnh bất hạnh vậy. Mà thông thường, phim ảnh ít khi nào có thật còn truyện thì hay được hư cấu.


Xét ở một góc độ nào đó, nhà sản xuất đưa ra thông điệp quảng cáo với mục đích kích cầu cũng không có gì sai. Nhưng nếu song song với việc kích thích tiêu thụ và tăng thị phần, nhà sản xuất quan tâm đến những hoạt động từ thiện nhiều hơn thì sẽ càng được nhiều người ủng hộ.


Hiện nay, trên thị trường mì ăn liền, nhãn hàng Gấu Đỏ tuy chưa có thị phần cao nhưng cũng đang dần khẳng định được chỗ đứng nhờ có những chiến lược kinh doanh mới đánh vào tâm lý khách hàng và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Về phía Công ty thực phẩm Á Châu, ông Trần Bảo Minh, Phó giám đốc điều hành công ty đã từng chia sẻ: “Chương trình “Gấu Đỏ - Gắn kết yêu thương” được công ty triển khai từ cuối năm ngoái với mong muốn đem lại cái Tết no ấm cho trẻ em nghèo. Nếu không có chương trình này, chúng tôi chỉ có thể giúp vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng cho một số trường hợp. Trong khi, thông qua chương trình "Gấu Đỏ - Gắn kết yêu thương", với sự chung tay của hàng triệu người tiêu dùng và các nhà hảo tâm, số tiền đóng góp lên đến hơn 1,3 tỷ đồng và kịp thời hỗ trợ 19 trường hợp bệnh nhi cần chữa trị khẩn cấp. 6 em đã xuất viện, trở lại với gia đình”.


Người đại diện nhãn hàng Gấu Đỏ trao quà cho trẻ em nghèo
Thông qua lời khẳng định của vị lãnh đạo Công ty thực phẩm Á Châu, một phần nào xoa dịu được tâm lý của người tiêu dùng khi xem clip quảng cáo cho nhãn hàng mì Gấu Đỏ. Nhưng để chương trình “Gắn kết yêu thương” được duy trì một cách lâu dài thì cần phải chờ những phản ứng tích cực từ phía khách hàng và sự quyết tâm của nhà sản xuất. Cả hai phải có một tiếng nói chung và cùng đồng hành trong việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp là mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ kém may mắn.


Nói tóm lại, việc đưa một chương trình mang tính xã hội cao vào clip quảng cáo không phải là một kiểu tiếp thị mới mẻ, một số nhà sản xuất khác cũng đã từng áp dụng nhưng chưa gây được ấn tượng mạnh. Khách hàng thì có rất nhiều dạng và đâu phải ai cũng dễ tính. Để thuyết phục được những khách hàng “khó tính” tham gia chương trình từ thiện thông qua một clip quảng cáo thương mại thì quả là tương đối khó. Cho nên nhà sản xuất nào cũng phải chấp nhận điều đó. Cái chính là biết cách lắng nghe và hiểu khách hàng cần gì để đáp ứng tốt nhu cầu của họ. Còn việc có tham gia từ thiện hay không còn tùy thuộc vào lòng hảo tâm của mỗi người chứ không thể nào ép buộc họ được. Nhưng nếu ăn một gói mì mà có thể cứu sống nhiều đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo thì cũng đáng ăn đấy chứ. Phải chi các nhãn hàng khác cũng đều có suy nghĩ như Gấu Đỏ và việc tham gia từ thiện được thực hiện thường xuyên, đến nơi đến chốn hơn thì chắc có lẽ số lượng trẻ em có hoàn cảnh đáng thương sẽ giảm đi rất nhiều trong một tương lai không xa.


Nam Nguyen
Ảnh: Internet


http://yume.vn/news/thoi-su-kinh-te/tieu-dung/mi-gau-do-co-gan-ket-yeu-thuong.35A99B7B.html