Ba ngày sau khi nhận nhiều ý kiến không đồng tình từ người dân, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định điều chỉnh phương án đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Hôm 18/4, Tỉnh ủy Quảng Nam thông qua nghị quyết về phương án sắp xếp các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Dự kiến từ 233 xã phường, thị trấn, sau sắp xếp còn trên 88 (12 phường, 76 xã). Xã mới được lấy tên theo tên gọi huyện, số thứ tự và hướng nam, tây, bắc và đông.
Nhiều người dân cho rằng tên gọi mới cần mang dấu ấn lịch sử, truyền thống và văn hóa địa phương. Đơn cử như tại thị xã Điện Bàn, nơi 20 xã, phường dự kiến sáp nhập thành 7 đơn vị, nhiều ý kiến nêu việc đánh số thứ tự từ 1 đến 7 sẽ làm mất đi những tên gọi quen thuộc, gắn liền với bề dày lịch sử của vùng đất.
Có người đề xuất tên gọi "Gò Nổi" cho khu vực hợp nhất của ba xã Điện Phương, Điện Quang và Điện Phong, bởi nơi đây là vùng đất nổi tiếng sinh ra nhiều danh nhân của xứ Quảng như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Khôi... "Một vùng đất có lịch sử lâu đời nhưng lấy tên xã Điện Bàn 7 không hợp lý mà cần lấy tên Gò Nổi, nghe tên ai cũng biết đến", người này nói.
Trước những kiến nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo UBND tỉnh rà soát các địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống và đề xuất các tên gọi mới phù hợp.
Đến ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất không áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hay hướng địa lý như dự kiến ban đầu. Tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn những tên gọi gắn liền với di tích lịch sử, vùng đất, làng, sông, suối hoặc các di sản văn hóa nổi tiếng. Điển hình như Thanh Châu, Thanh Hà (TP Hội An); Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú (TP Tam Kỳ); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang); Tài Đa, Sơn Cẩm Hà (huyện Tiên Phước)...
Bên cạnh đó, những địa danh thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được cũng sẽ được cân nhắc đặt cho các xã mới. Tỉnh ủy Quảng Nam giao Đảng ủy UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đặt tên mới, sau đó trình HĐND tỉnh vào ngày 26/4 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.