(VietQ.vn) - Những đứa bé gầy yếu xanh xao, chân tay khẳng khiu như những cọng cây khô, mang trên vai một cái đầu trọc quá khổ, những đôi mắt lồi to là kết quả lần hóa trị, xạ trị. Với đa số các em, cánh cửa cuộc đời đang khép lại.


Một góc nhỏ của khoa U bướu – Bệnh viện Nhi T.Ư, được dành làm khu vui chơi cho các em. Gọi là khu vui chơi, nhưng thật khó để nghe được tiếng cười trong trẻo của các em ở nơi đây. Những khuôn mặt trắng bệch vì sự giam hãm trong bốn bức tường kín gió, những mái tóc thưa thớt màu trắng mỏng manh vì chiếu xạ, ánh mắt các em đã không còn trong trẻo, hồn nhiên được nữa vì những cơn đau triền miên, không dứt…


Trong phòng chơi của bé, người mẹ nghèo Nguyễn Thị Ái (Đông Triều, Quảng Ninh) nước mắt đầm đìa, chị cố cưng nựng “Yến ơi, cố ăn thêm đi con nhé..” nhưng đáp lại chỉ là cái ngước mắt lên nhìn rồi lại vội vàng cụp xuống lặng im. Những thìa cháo chị đút vào miệng cho con, bé cố nuốt vào rồi lại nôn ra hết. Đã 7 ngày ngày nay em không ăn uống được gì, chỉ cố uống những thìa sữa và chuyền nước liên tục ... nỗi đau và sự mệt mỏi khiến em không thể ăn nổi. Đôi chân tím bầm vì vỡ ven, dày đặc những vết thâm.


264601


Theo lời chị Ái, ngày bé Hoàng Hải Yến (sinh năm 2010) cất tiếng khóc chào đời cũng là giây phút vỡ òa trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng. Niềm vui tưởng chừng như đơn sơ đó cũng chẳng kéo dài, mọi thứ bỗng suy sụp vào cái ngày anh chị phát hiện cháu bị ung thư máu.


4 tháng nay chị chưa về nhà, chị phải nghỉ công việc công nhân cho 1 công ty giầy da tư nhân để ở bệnh viện chăm con. Mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai người chồng làm nghề phụ hồ . “Bố cháu làm việc quần quật ngày đêm để kiếm thêm chút tiền chữa bệnh cho cháu. Nhưng cô bảo, cố gắng lắm thì tháng cũng chỉ được 2-3 triệu, trong khi chi phí điều trị cho con mỗi tháng hết cả chục triệu, trong nhà có thứ gì chúng tôi cũng bán hết rồi. Căn nhà cũng thế chấp ngân hàng để lấy tiền lo cho con”.


5.000 đồng chẳng đủ cho một bữa sáng xoàng xĩnh. Ấy vậy, mà chồng chị Ái mỗi lần ra thăm con đều ngồi ghế đá cả đêm, mặc cho muỗi đốt, cho sương sa chỉ để tiết kiệm 5.000 đồng tiền thuê một chỗ ngủ tập trung gần bệnh viện. “Với chúng tôi, tiền dù chỉ là 500 đồng khi tiêu cũng phải đắn đo thì nói gì tới 5.000 đồng. Tiền còn phải tập trung chữa bệnh con…”


Nói đoạn, chị lại càng ôm chặt lấy con mà nức nở như muốn khóc cho hết để cuốn đi sự thật nghiệt ngã của cuộc đời. Khóc vì “bản án tử” sắp giáng xuống đầu con của anh chị, ngày càng gần.


Hải Yến cứ dụi đầu vào ngực chị mà thủ thỉ với giọng yếu ớt “Bao giờ bác sĩ cho con về hả mẹ? Con đau lắm..mà mẹ hết tiền rồi…”. Nghe con hỏi trái tim chị như bị xát muối khi cái nghèo khiến chị bất lực nhìn con đau đớn. Chị kể, Hải Yến phát triển ngôn ngữ sớm lắm, 20 tháng tuổi bé đã nói rất sõi, giờ mới 27 tháng tuổi nhưng nhiều khi bé làm chị ngạc nhiên vì những suy nghĩ và lời nói rất “người lớn” của con. Bé được mệnh danh là “bà cụ non” của khu bệnh.


Cuộc sống đôi khi thật nghiệt ngã, nghiệt ngã hơn nữa khi những người nghèo như chị Ái phải đứng nhìn những đứa con còn quá non nớt của mình ngày ngày chống chọi với bệnh tật. Muốn cướp lại sự sống cho con từ bàn tay của tử thần mà sao hi vọng quá mong manh.


Cúi xuống nhìn Hải Yến, tôi thấy lòng mình se sắt lại khi hai má bầu bĩnh đáng yêu và đôi môi hồng nhỏ xinh kia giờ chỉ toát lên sự mỏi mệt đến ủ rũ. Chốc chốc, cơn đau vì vừa truyền hóa chất lại lại đến, không thể nói được, em chỉ biết bặm thật sâu 10 đầu ngón tay vào mẹ rồi nước mắt nước mũi lại trào ra, thỉnh thoảng không thể kìm nén được, em lại kêu lên “Mẹ ơi..con đau lắm”. Con đau, mẹ đau cả hai chỉ còn biết ôm nhau ngồi khóc.


Mẹ ơi...con đau lắm


Có lẽ ở Bệnh viện Nhi T.Ư, không có khoa nào lại nhiều nước mắt như khoa U Bướu. Những ánh mắt thất thần, những giọt nước mắt âm thầm rơi...


Trời đã trưa, các gia đình trong viện bắt đầu chuẩn bị cho con ăn. Họ ngồi quanh chiếc bàn nhỏ bên ngoài hành lang, xúc từng thìa cơm, với ước ao con sẽ ăn hết. Em còn sức thì cố gắng nhai trệu trạo mấy thìa cơm, đuối quá có em chỉ húp vài thìa cháo loãng, mấy sợi bún. Có em nhất định không ăn, chỉ nằng nặc đòi mẹ bế.


Người mẹ thương con cứ bồng thằng bé đi hết dãy hành lang hun hút dài và buồn. Tay vỗ nhẹ vào lưng con, ánh mắt chị nhìn vô định, đôi lúc giật mình chị cúi xuống, đau đáu nhìn đứa con đứt ruột đẻ ra đang dần chạm tay tới lưỡi hái tử thần...


Theo Chất lượng Việt Nam