Được biết bệnh nhân này có tên là N.T.K (53 tuổi, ngụ tại Quận Bình Tân, TP.HCM) đi khám chữ bệnh với số lần cao bất thường.



Vụ việc này được Giám đốc Bệnh viện Quận 11, TP.HCM gửi Công văn đến Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM báo cáo.


Theo Giám đốc Bệnh viện này, chỉ trong khoảng 01 tháng từ ngày 02/04/2019 đến 04/05/2019, Bệnh viện phát hiện ông K. đã khám ở rất nhiều bệnh viện tại TP.HCM gồm Bệnh viện Quận 4, Quận 9, Quận 12, Quân dân y Miền Đông... sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với mã GD4797934404... để khám chữa bệnh lấy thuốc. Ông đi khám ở nhiều bệnh viện với cùng một chẩn đoán là:


- Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insunline.


- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


- Rối loạn chuyển hóa axit béo.


- Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát).


Tổng số tiền khám chữa bệnh mà Quỹ BHYT chi trả là 16,7 triệu đồng.


webtretho


Ảnh minh họa



Còn trong năm 2018, ông K. cũng đã đi khám chữa bệnh ở rất nhiều bệnh viện với tổng cộng 149 lượt khám, tổng số tiền khám chữa bệnh mà Quỹ BHYT chi trả là hơn 102 triệu đồng.


Ngay sau khi nhận được tin, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã có Công văn gửi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để làm rõ tình hình khám chữa bệnh bất thường này của ông K., đồng thời gửi thông báo cho các cơ sở y tế kịp thời nhận dạng và ngăn chặn hành vi lạm dụng BHYT của ông K. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng cho biết đang gửi hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an TP.HCM để điều tra về hành vi có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT.


Không chỉ ông K. mà qua kiểm tra sơ bộ, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết cũng trong năm 2018, có 157 người khác cũng đi khám chữa bệnh BHYT với số lần cao bất thường, mỗi người đi khám chữa bệnh khoảng 150 lần/năm.


Hành vi trục lợi Quỹ BHYT có thể bị xử lý hình sự


Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không có đề cập cụ thể về hành vi trục lợi quỹ BHYT bị xử phạt hành chính. Chỉ quy định xử lý hình sự đối với hành vi này tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.


Tại Bộ luật hình sự này, đối với hành vi trục lợi Quỹ BHYT cần xem xét cụ thể hành vi đó có làm giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT hay mượn thẻ BHYT của người khác hay không?


Nếu có thì hành vi này có thể bị quy kết vào tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật hình sự hiện hành với mức án là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, còn phải nộp thêm tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và bị cấm làm công việc nhất định trong vòng từ 01 năm đến 05 năm.


Nếu không làm giả, sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT lẫn mượn của người khác mà thực hiện hành vi khám chữa bệnh Quỹ BHYT nhằm mục đích trục lợi thì có thể bị quy kết vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật hình sự hiện hành với mức án là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phải ngồi tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và bị cấm làm công việc nhất định trong vòng từ 01 năm đến 05 năm.


Bởi vậy mới nói, đóng tiền BHYT mỗi năm không bao nhiêu, chỉ vài trăm ngàn đồng mà việc sử dụng chúng không đúng với mục đích để đề phòng rủi ro bệnh tật, lợi dụng quyền lợi này để trục lợi thì chắc chắn hậu quả nhận lại phải bị xử phạt mà thôi.