Ở quanh các khu công nghiệp, mỗi khi đến giờ tan tầm là hàng nghìn người lại hối hả trở về các dãy nhà trọ nhỏ bé, loay hoay chăm lo cho cuộc sống của mình hoặc gia đình nhỏ. Mỗi người tuy xuất thân khác nhau, công việc khác nhau nhưng đã đi làm công nhân thì hầu hết đều có điểm chung là thu nhập không cao, phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Vì thế khi nói đến ước mơ, đa số đều thở dài, mong mỏi làm sao không chỉ được tăng lương mà còn có căn nhà để an cư, con cái được học hành tử tế, có nơi để vui chơi, giải trí lành mạnh.

Thế nhưng theo báo Người lao động, chưa nói đến những điều xa xôi, ngay cả cuộc sống hằng ngày của người công nhân cũng đã rất đơn điệu, nhàm chán nhưng không ai bứt ra được. Ngày qua ngày, mọi người sẽ thức dậy và đi làm từ sáng đến tối. Tan ca về lo cơm nước, giặt giũ, con cái, loay hoay cũng đến 21-22 giờ mới xong. Được mỗi ngày nghỉ là chủ nhật, nếu không tăng ca, họ cũng ở nhà vừa đỡ tốn tiền vừa có thời gian nghỉ lấy sức để hôm sau đi làm tiếp. Ngay cả việc xem tivi, nghe nhạc, đọc báo cũng là điều xa xỉ vì không có thời gian.

hình ảnh

Hết giờ làm, nhiều công nhân chọn cách ở trong nhà trọ nghỉ ngơi để tiết kiệm tiền - Ảnh: VNE

Câu chuyện của chị Lê Thị Yến, công nhân ở TP.HCM là một ví dụ. Rời quê nhà cùng bạn bè lên thành phố làm việc từ năm 19 tuổi, chị lao vào cuộc sống ‘nhà trọ - nhà xưởng - nhà trọ’ như một điệp khúc không có hồi kết. Sống như vậy từ năm này qua năm khác, đến khi giật mình nhìn lại, chị thấy mình đã ngấp nghé tuổi 30, bạn bè năm xưa cũng lần lượt bỏ về quê từ lâu.

"Cuộc sống công nhân thấy vậy chứ ngắn ngủi lắm, chớp mắt thấy mình đã già. Thu nhập chỉ đủ chi tiêu và gửi về quê giúp ba mẹ nên gần như tụi em không có tích lũy. Ước mơ an cư lạc nghiệp ở thành phố càng trở nên xa vời" - chị Yến bộc bạch.

Trong khi đó chị Đặng Ngọc Ánh (quê Hà Tĩnh) đã làm công nhân hơn chục năm ròng ở Đồng Nai mà cuộc sống vẫn vô cùng chật vật, phải dành dụm từng chút một mới có tiền gửi về quê cho con ăn học. Đã vậy nhiều tháng qua, công ty gặp khó khăn nên 1 tuần 2 vợ chồng chị chỉ làm việc 4 ngày, thay vì 6-7 ngày như trước đây. Thu nhập cũng vì thế mà sụt giảm đáng kể.

Nữ công nhân này tâm sự: "Nếu tình hình này kéo dài, có khả năng vợ chồng tôi sẽ tính đến chuyện về quê để tìm việc. Ở quê sẽ không phải mất tiền thuê nhà trọ, chi phí ăn uống cũng không quá đắt đỏ như ở thành phố".

hình ảnh

Cuộc sống công nhân hầu như quanh quẩn với điệp khúc 'nhà trọ - nhà xưởng - nhà trọ' - Ảnh: VNE

Trường hợp như chị Ánh là rất nhiều bởi theo thông kê, hơn 1 nửa số công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống. Nhiều người còn phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và thậm chí có người không đủ sống ở mức tối thiểu. Thu nhập thấp, nay lại đối diện với nỗi lo mất việc khiến công nhân thêm lo lắng.

Riêng chuyện nhà cửa, hầu như công nhân chỉ có cách sống tạm bợ trong các khu trọ chứ nói đến việc an cư là điều gì đó rất xa xôi. Như vợ chồng anh Huỳnh Thanh Cương (35 tuổi, quê Sóc Trăng) làm công nhân ở TP.HCM đã 15 năm rồi nhưng vẫn đang ở trọ trong căn phòng 12 m2 cùng con gái. Thu nhập của hai vợ chồng từ 14-16 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Với quan niệm ‘an cư mới lạc nghiệp’, anh Nguyễn Văn Thân (công nhân tại Đà Nẵng) vẫn chưa dám lập gia đình vì còn đang ở trọ, công việc thì vất vả mà thu nhập thấp. Mỗi ngày sau tan ca, anh chạy xe ôm đến 24 giờ để kiếm thêm chút tiền, ước mơ sao mua được 1 căn nhà ở xã hội gần công ty. "Tôi đã nộp đơn, chờ được xét duyệt mua 1 căn nhà ở xã hội Trước mắt, chỉ mong thoát khỏi kiếp ở trọ. Có nhà rồi mới mong có vợ con" - anh Thân tâm sự.

hình ảnh

Cuộc sống đã lắm khó khăn mà thời gian qua nhiều người còn phải đối diện với làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty, khiến không ít công nhân rơi vào bế tắc. Thành phố lớn giống như một miền đất hứa với những người nghèo ở quê mong muốn thoát khỏi cảnh ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, thế nhưng hóa ra ở đâu cũng khổ cực như nhau. Có công việc ổn định đã khó, bám trụ với công việc để có tiền mua nhà, mua xe còn khó khăn hơn. Đời sống người công nhân đúng là bấp bênh quá các mẹ ạ.