Mùa nắng nóng cũng là lúc các loại trái cây, nước uống giải khát ‘lên ngôi’ khi người người nhà nhà đều có nhu cầu sử dụng để hạ nhiệt cơ thể. Trong số đó không thể nhắc đến dừa, một loại trái cây bình dân có thể mua ở bất cứ đâu. Tuy nhiên dù nhu cầu của người dân là cao nhưng thời gian qua, giá dừa lại liên tục giảm khiến bà con nông dân lao đao vì thua lỗ. Có thời điểm thương lái thu mua tại nhà vườn chỉ 1.000 đồng/ quả, khiến tiền bán còn chẳng đủ để bù vào tiền phân bón.

Những năm trước đây, khi mùa nắng nóng đến, giá dừa tươi sẽ tăng cao theo nhu cầu giải nhiệt của người dân. Thế nhưng năm nay, giá dừa tươi lại batas ngờ rẻ bèo dù nắng nóng gay gắt, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, theo báo Người lao động. Tại TP.HCM, giá dừa tươi bán lẻ đang phổ biến ở mức 9.000 đồng/quả, nhiều nơi chỉ 7.000 đồng/quả, thấp hơn những năm trước đây đến 30%.

hình ảnh

Dù cao điểm nắng nóng nhưng giá dừa tươi vẫn rẻ - Ảnh: NLĐ

Không những dừa tươi nguyên trái, dừa trọc (gọt bỏ hoàn toàn phần xơ dừa) trước đây thường có giá không dưới 15.000 đồng/quả thì nay nhiều nơi rao bán chỉ 7.000 – 9.000 đồng/quả.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam, lý giải nguyên nhân dừa tươi rớt giá vì cung vượt cầu. Theo ông Khoa, vài năm trước, do dừa tươi hút hàng, giá cao, bà con các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định,…) ồ ạt trồng loại cây này. Các giống dừa mới năng suất cao nên đẩy sản lượng tăng nhanh, nhu cầu chưa theo kịp.

"Điều đáng nói là bà con trồng theo kiểu tự phát, manh mún, không hình thành được các vùng nguyên liệu bài bản nên chỉ tiêu thụ được ở kênh bình dân, chủ yếu quan tâm về giá. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi trên thế giới rất cao nhưng đòi hỏi cao về quy trình sản xuất, chất lượng, các chứng nhận về tiêu chuẩn, sự minh bạch" – ông Khoa dẫn chứng.

Giá dừa giảm sâu đang khiến nhà vườn ‘đứng ngồi không yên’ vì thua lỗ, đặc biệt là tại Bến Tre, nơi vốn được mệnh danh là xứ dừa, theo Vnexpress. Tại nhà vườn, thương lái thu mua ở mức chỉ 1.000 đồng/ quả. Gia đình chị Huỳnh Thị Trang (42 tuổi, xã Phú Vang, huyện Bình Đại, Bến Tre) là một trong rất nhiều hộ dân trồng dừa nơi đây đang phải trải qua những ngày khó khăn vì giá dừa giảm.

hình ảnh

Nông dân Bến Tre tập kết dừa dọc lộ chờ xe tải đến chở - Ảnh: VNE

Nhà chị Trang có nửa ha dừa 20 năm tuổi, bình quân mỗi tháng thu hoạch một lần hơn 600 quả. Thời điểm này những năm trước, dừa có giá khoảng hơn 6.000 đồng một quả, bình quân mỗi đợt thu hoạch, gia đình chị kiếm hơn 3 triệu đồng. Vậy mà mấy hôm nay, thương lái đến vườn chị thu mua với giá gần 3.000 đồng một quả. "Tuy nhiên, trừ chi phí thuê người hái, tính ra còn 2.300 đồng mỗi quả", chị Trang nói.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Xuyên (59 tuổi, xã Phú Long, huyện Bình Đại) đang cùng chồng tập kết dừa vào nhà kho, sau khi mua từ vườn người dân. Bà Xuyên là thương lái nhỏ thu mua dừa đã hơn 10 năm nay, mỗi ngày từ 800-1.200 quả dừa khô. "Thuê nhân công phải tốn thêm 300.000 đồng một người mỗi ngày, nên tôi cùng chồng tự đến vườn hái chở về để tiết kiệm chi phí", bà Xuyên nói.

hình ảnh

Thương lái vận chuyển dừa từ vườn nhà dân về vựa sau khi thu mua - Ảnh: VNE

Hơn một năm nay, dừa khô tiêu thụ khó khăn, giá thấp nên nhiều vườn bị bỏ phế không chăm sóc, bón phân. Chất lượng dừa vì thế giảm so với các năm trước. Được biết Bình Đại là một trong các huyện có diện tích dừa lớn của tỉnh Bến Tre, hơn 8.100 ha, chiếm 80% diện tích cây nông nghiệp. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này, người dân nơi đây chủ yếu trồng dừa công nghiệp (dừa khô) chiếm hơn 7.000 ha, nên khi giá rớt mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người.

Giá dừa khô đã liên tục giảm từ hơn một năm nay, có lúc xuống còn hơn 1.000 đồng mỗi quả. Trong khi đó bình quân một ha dừa bón phân 3-4 lần một năm, tổng chi phí gần 50 triệu đồng. Với giá dừa thấp như hiện tại, tiền bán chỉ bằng nửa tiền phân.

hình ảnh

Mới thời gian trước còn thấy cam sành Vĩnh Long rớt giá 1.000 đồng/ kg, nay lại thấy dừa Bến Tre còn 1.000 đồng/ quả, đúng là quá vất vả cho bà con nông dân. Công sức vun trồng, chăm bón suốt một thời gian dài, vậy mà đến ngày hái quả lại rớt giá. Ở thị trường có sức tiêu thụ mạnh như TP.HCM mà giá dừa bán lẻ cũng giảm thì người nông dân làm sao có lãi nổi. Hi vọng cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ người nông dân, nếu không mọi người lại phải chung tay ‘giải cứu’ dừa rồi các mẹ ạ.