Trời nắng nóng bất thường rất dễ làm ta bị say nắng, say nóng… Mọi người cần biết một vài cách chữa bệnh đơn giản và an toàn để bảo vệ mình cùng người thân trong những ngày nắng đổ lửa này nhé!



Các mẹ cần lưu ý các dấu hiệu của hiện tượng say nắng để trị đúng người, đúng bệnh. Ở giai đoạn đầu, sẽ có biểu hiện của sự kiệt sức với các dấu hiệu sau: da khô, nóng, hoa mắt, ù tai, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, lả người. Nếu không được xử trí kịp thời sẽ khiến tình trạng nặng hơn: nhịp thở nhanh, mạch tăng, tình trạng lú lẫn, không kiểm soát được hành vi và ngất xỉu. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, khiến tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong.



(Ảnh: Getty Images)



Phải làm sao khi gặp tình trạng này?



Ta cần nhanh chóng làm giảm nhiệt độ của cơ thể bệnh nhân xuống:


Đưa người bệnh vào nơi có bóng mát;


Cởi bớt áo, quần, làm thoáng khí cho bệnh nhân;


Lau mát cho bệnh nhân bằng cách dùng khăn mát lau, hoặc vẩy nước lên người, mặt bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá này, nếu thấy bệnh nhân bị lạnh run thì giảm bớt biện pháp này, vì tình trạng run lạnh của bệnh nhân sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể (lưu ý không được hạ quá thấp nhiệt độ của bệnh nhân vì có thể gây ra tình trạng giảm thân nhiệt cũng nguy hiểm không kém gì tình trạng tăng thân nhiệt);


Nếu bệnh nhân còn tỉnh hoặc hồi tỉnh lại, cho bệnh nhân uống từng ngụm nước và uống nhiều lần. Ăn thêm nhiều trái cây như dưa hấu, dứa, cam để bù phần nước đã bị mất;


Có thể áp dụng bài thuốc dân gian từ lá hương nhu (50g): Rửa sạch lá, giã nát cùng ít muối, cho vào 150ml nước đun sôi để nguội, nghiền kỹ, dùng vải thưa sạch lọc vắt lấy nước uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà uống ít đi. Sau đó 2-3 giờ, nếu bệnh nhân còn mệt, còn khát nước, cho uống thêm một lần nữa.


Phòng tránh say nắng thế nào?



(Getty Images)



Để phòng tránh say nắng, chúng ta cần lưu ý một số điều sau đây:


Không phơi nắng quá lâu. Nếu công việc cần phải làm ngoài nắng thì phải uống nước đầy đủ. (Lưu ý khát nước là biểu hiện của thiếu nước, do đó cần bổ sung nước đều đặn không đợi đến lúc khát mới uống);


Khi làm việc hoặc đi ngoài đường trong điều kiện nhiệt độ quá cao, cần đội mũ, mặc quần áo kín để giữ thân nhiệt không bị tăng lên, tránh phơi trần (vì sự thoát mồ hôi sẽ nhiều hơn khiền cơ thể nhanh chóng bị kiệt nước);


Không để trẻ em ngồi lâu trong xe ô tô dưới ánh nắng mà không có chạy máy điều hòa không khí;


Uống nước và ăn nhiều trái cây để bù vào sự mất nước của cơ thể.