Chó hoang Dingo là một trong những truyện thiếu nhi mà tớ thích nhất :rolleyes:. Thân tặng tất cả các bạn :Rose:
Chương I
Sợi dây câu mỏng mảnh buông xuống dưới chùm rễ cây mập mạp chốc chốc lại lay động vì sóng nước.
Một cô bé đang ngồi câu cá hồi.
Em ngồi bất động trên một tảng đá, dòng sông dội lên tiếng nước ào ạt. Mắt em hướng nhìn xuống dưới. Những ánh sáng lấp loáng trên mặt nước làm cho cái nhìn của em trở nên mệt mỏi và lơ đãng. Chốc chốc em lại đưa mắt nhìn về phía xa, nơi có dãy núi hình vòng cung được rừng cây phủ kín đứng sừng sững ngay trên bờ sông.
Không gian hãy còn tràn đầy ánh sáng, và bầu trời bị đóng khung trong những dãy núi thì giống như một bình nguyên được chiếu rọi bằng ánh sáng mờ mờ của buổi hoàng hôn.
Nhưng giờ đây không phải bầu không gian quen thuộc với em từ những ngày mới chào đời này, cũng không phải bầu trời tuyệt đẹp này đã cuốn hút em.
Mắt mở to, em theo dõi theo dòng nước chảy cuồn cuộn, cố gắng hình dung trong trí tưởng tượng của mình những miền đất chưa được biết, nơi dòng sông bắt nguồn và nơi dòng sông chảy đến. Em muốn được nhìn thấy những miền đất khác, những loài vật khác, như con chó Úc Đin-gô chẳng hạn. Rồi em còn muốn trở thành phi công và muốn hát đôi lời về điều đó.
Thế là em bắt đầu hát. Mới đầu hát khe khẽ, sau đó to dần lên.
Em có một giọng hát êm tai. Nhưng xung quanh thì vắng lặng. Chỉ có một con chuột nước hoảng sợ vì tiếng hát của em nên đã khuấy động dòng nước bên rễ cây rồi bơi đến gần cây sậy nhỏ, kéo theo một cành sậy xanh vào hang.
Cành sậy rất dài và con chuột đã mất công vô ích: nó không đủ sức kéo cành cây qua đám cỏ nước rậm rạp.
Cô bé thương hại nhìn con chuột và ngừng hát. Sau đó em đứng dậy, nhấc cần câu lên.
Sợ hãi vì cử động của em, con chuột lẩn vào trong đám sậy, còn con cá hồi lốm đốm đen đang nằm bất động trong luồng nước trong veo bỗng nhảy vọt lên và rơi tõm xuống nước sâu.
Cô bé còn lại một mình. Em đưa mắt nhìn mặt trời đang ngả dần về phía đỉnh núi thông.
Mặc dù đã muộn, em vẫn không vội ra về. Em chậm rãi quay lại và thong thả bước lên con đường mòn, nơi cánh rừng cao đổ dốc xuống đón em theo sườn núi thoai thoải.
Em can đảm đi vào rừng.
Tiếng nước chảy giữa những tảng đá đã ở lại sau lưng cô bé, và phía trước em mở ra một không gian yên tĩnh.
Trong sự yên tĩnh hàng thế kỷ này, đột nhiên em nghe thấy tiếng kèn đồng. Tiếng kèn len lỏi trên con đường rừng có những cây linh sam già đứng lặng yên, cành cây không động đậy, và réo vào tận tai cô bé, nhắc em cần phải về ngay.
Tuy nhiên cô bé không rảo bước thêm. Đi vòng để tránh một bãi lầy mọc dày những cây Xa-ran-ca màu vàng, em cúi xuống và dùng một cành cây nhọn bẩy lên khỏi mặt đất mấy cây hoa nhợt nhạt còn nguyên rễ. Khi tay em đã đầy những hoa, thì ở phía sau có tiếng bước chân nhẹ nhàng và một giọng gọi to tên em:
- Ta-nhi-a!
Em quay lại. Trên con đường rừng, bên cạnh tổ kiến cao là cậu bé Phin-ca người dân tộc Na-nai đang vẫy gọi em. Cô bé bước lại gần, nhìn cậu ta một cách thân thiện.
Bên cạnh Phin-ca, cô bé nhìn thấy chiếc mũ nồi đựng đầy quả việt quất để trên một gốc cây to đã bị đốn. Phin-ca đang dùng con dao hẹp bản của thợ săn làm bằng thép I-a-cút cạo sạch vỏ một cành bạch dương tươi.
- Chẳng lẽ cậu không nghe thấy tiếng kèn hay sao? - cậu bé hỏi - Sao cậu không vội về?
Cô bé trả lời:
- Hôm nay là ngày bố mẹ đến thăm. Mẹ mình không thể đến được. Mẹ mình làm việc ở bệnh viện. Còn ở trại thì chẳng có ai đợi mình cả. Thế tại sao cậu cũng không vội về? – em mỉm cười hỏi lại.
- Hôm nay là ngày bố mẹ đến thăm - cậu bé cũng trả lời như vậy, - Bố mình từ làng đã đến thăm mình, mình đã đi tiễn bố đến đồi thông.
- Cậu đã tiễn bố về rồi ư? Xa lắm cơ mà.
- Không – Phin-ca trả lời với vẻ trang nghiêm – Mình đi tiễn bố làm gì nữa nếu bố ở lại trọ bên bờ sông, cạnh trại chúng mình! Mình tắm ở đằng sau tảng đá Lớn rồi đi tìm cậu. Mình đã nghe thấy cậu hát.
Cô bé nhìn Phin-ca và bật cười.
Nước da trên khuôn mặt Phin-ca vốn đã ngăm ngăm càng sẫm lại.
- Nhưng nếu cậu không vội đi đâu - cậu ta nói – thì chúng mình đứng lại đây một lúc. Mình sẽ thết cậu “mật” kiến.
- Lúc sáng cậu đã thết mình cá sống rồi.
- Ừ, nhưng đó là cá, còn đây là một món hoàn toàn khác. Cậu nếm thử xem!
Cậu bé chọc cành bạch dương vào chính giữa tổ kiến. Hai đứa cùng cúi xuống tổ kiến đợi một lúc cho đến khi cành cây mỏng mảnh đã róc vỏ được phủ đầy kiến. Sau đó cậu bé giũ kiến đi, nhẹ nhàng đập cành vào cây tuyết tùng rồi chìa ra cho Ta-nhi-a. Trên mảnh gỗ lấp loáng có thể thấy những giọt “mật” kiến. Cậu bé liếm và đưa cho Ta-nhi-a nếm thử. Cô bé cũng liếm và nói:
- Ngon quá. Mình rất thích “mật” kiến.
Cô bé lại tiếp tục đi. Phin-ca đi cạnh em, không chịu tụt lại sau một bước nào.
Cả hai đều im lặng. Ta-nhi-a thì thích suy nghĩ một chút và thích im lặng mỗi lần đi vào khu rừng yên tĩnh này. Còn Phin-ca thì cũng không muốn nói về những chuyện nhỏ mọn như chuyện “mật” kiến. Đó chẳng qua chỉ là một loại dịch mà chính Ta-nhi-a cũng có thể tự kiếm lấy được thôi.
Không nói với nhau một câu, đôi bạn đã đi như thế suốt quãng đường, rồi đi sang sườn núi bên kia.
Ở đây, ngay gần bờ dốc đá dựng đứng bên dòng sông chảy vội vã ra biển, hai em nhìn thấy trại của mình - những chiếc lều to rộng dựng thành hàng trên bãi cỏ trong rừng. Tiếng ồn ào từ trại vẳng đến. Người lớn có lẽ đã về nhà, chỉ có một số trẻ con đang reo hò ầm ĩ. Giọng các em khoẻ đến nỗi ở ngay giữa sự im lặng của những tảng đá xám nhăn nheo này, Ta-nhi-a cảm thấy hình như rừng già rú lên và nghiêng ngả.
- Này, hình như mọi người đã xếp hàng rồi – cô bé nói - Đáng lẽ cậu nên đi về trại trước mình thì hơn, bởi vì thế này bọn nó sẽ cười chúng ta hay đi cùng nhau mất.
“Lẽ ra bạn ấy không nên nói như vậy” – Phin-ca giận dỗi nghĩ.
Rồi bám lấy một tảng đá nhô ra trên bờ dốc đứng. Phin-ca nhảy xuống con đường mòn, xa đến nỗi Ta-nhi-a thấy sợ.
Nhưng cậu bé không sao cả. Và Ta-nhi-a cũng lao người chạy theo một con đường mòn khác giữa những hàng thông thấp mọc nghiêng ngả trên đá.
Con đường mòn dẫn em ra đường cái hệt như một dòng sông chảy từ rừng ra, dòng sông ấy sáng loá mắt em bởi những vụn đá dăm và ồn ào lên bởi một chiếc ô tô buýt dài chật ních người.
Đó là những người lớn rời trại về thành phố.
Ô tô lướt qua bên cạnh. Nhưng cô bé không nhìn vào cửa sổ ô tô, không đưa mắt dõi theo bánh xe lăn. Ta-nhi-a không đợi ai đến cả.
Em băng qua đường và chạy vào trong trại, nhẹ nhàng nhảy qua những rãnh nước và mô đất, bởi vì em vốn là một cô bé nhanh nhẹn.
Các bạn đón em bằng những tiếng reo hò. Lá cờ trên cây sào táp vào mặt em. Em đứng ngay vào hàng của mình, đặt những bông hoa xuống đất.
Anh phụ trách Cô-xchi-a đưa mắt doạ em và nói:
- Ta-nhi-a Xa-ba-nhê-ê-va, cần phải tập hợp đúng giờ! Nghiêm! Bên phải, thẳng! Chạm khuỷu tay người bên cạnh!
Ta-nhi-a khuỳnh khuỷu tay ra, nghĩ thầm: “Rất tốt, nếu ở phía tay phải là bè bạn. Rất tốt, nếu ở phía tay trái cũng là bè bạn. Và thật là tốt nếu bè bạn ở khắp mọi nơi”.
Khi quay đầu về bên phải, Ta-nhi-a nhận ra Phin-ca. Tắm xong, khuôn mặt ngăm đen của cậu ta ngời lên như đá, còn khăn đỏ thì sẫm lại vì ướt.
Anh phụ trách bảo cậu:
- Phin-ca, đội viên gì mà lần nào em cũng lấy khăn đỏ làm quần tắm. Đừng chối, thôi, đừng chối! Chính anh đã biết tất cả rồi! Đợi đấy, rồi anh sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh với bố em.
Cô bé luôn luôn nhìn về bên phải. Em không nhìn về bên trái. Thứ nhất, bởi vì nhìn về bên trái là vi phạm nội quy; thứ hai, bởi vì ở đó có cô bé Giê-nhi-a béo tròn, người mà Ta-nhi-a không ưa.
Đã năm năm liền Ta-nhi-a nghỉ hè ở trại này. Nhưng không hiểu sao hôm nay em cảm thấy nơi này không còn vui tươi như hồi trước nữa. Mà em thì bao giờ cũng thích thức dậy buổi sáng ở trong lều, khi những giọt sương long lanh đang từ quả mâm xôi rơi xuống đất, thích tiếng kèn đồng trong rừng sâu rúc lên như tiếng nai, tiếng trống gõ rộn ràng, thích cả món “mật” kiến, cả những bài hát bên đống lửa trại mà em biết nhóm nhanh hơn và giỏi hơn tất cả các bạn trong chi đội.
Cái gì đã xảy ra hôm nay? Phải chăng dòng sông chảy ra biển ấy đã đem đến cho Ta-nhi-a những ý nghĩ lạ kỳ? Với một linh cảm mơ hồ nào đó, em đã dõi theo dòng nước. Em muốn bơi đi đâu? Em cần con chó Úc Đin-gô để làm gì? Em cần làm gì cơ chứ? Hay đó chỉ là tuổi thơ đang rời bỏ em? Ai biết được bao giờ tuổi thơ sẽ bỏ đi!
Ta-nhi-a kinh ngạc nghĩ về điều đó khi đứng nghiêm trong hàng, và cả sau đó, khi đã ngồi trong lều ăn bữa tối, em vẫn còn suy nghĩ. Chỉ đến lúc ngồi bên đống lửa trại mà em được giao nhiệm vụ nhóm lên, em mới trấn tĩnh lại được.
Ta-nhi-a mang từ rừng về một cây bạch dương khẳng khiu đã bị khô quắt sau trận bão, dựng đứng vào giữa đống củi, rồi khéo léo nhen lửa.
Phin-ca chất củi xung quanh, rồi đợi cho cành cây bén lửa.
Và cây bạch dương cháy lách tách không thành tia lửa trong bóng tối lờ mờ bao quanh.
Bọn trẻ từ các phân đội khác đến ngắm nhìn đống lửa này. Cả anh phụ trách Cô-xchi-a cũng đến, cả bác sĩ của trại với cái đầu cạo trọc, thậm chí cả ông phụ trách trại cũng đến. Ông hỏi bọn trẻ tại sao các em không hát, không vui chơi khi có một đống lửa đẹp đến thế.
Các em liền hát một bài, sau đó hát bài khác.
Nhưng Ta-nhi-a không muốn hát.
Như lúc trước nhìn xuống nước, giờ đây Ta-nhi-a mở to đôi mắt nhìn ngọn lửa lung linh đang vươn lên cao. Và ngọn lửa ấy cũng khuấy động lên một điều gì đó khi thổi vào lòng em những linh cảm mơ hồ.
Không thể ngồi nhìn Ta-nhi-a buồn được, Phin-ca mang đến bên đống lửa chiếc mũ nồi của mình trong đựng đầy quả việt quất, mong làm cho Ta-nhi-a vui lên bằng những thứ ít ỏi mà cậu có. Phin-ca mời tất cả mọi người ăn, nhưng lại chọn cho Ta-nhi-a những quả to nhất, chín mọng và mát lạnh. Ta-nhi-a ăn một cách ngon lành. Thấy Ta-nhi-a vui hơn, Phin-ca liền kể chuyện về những con gấu, bởi vì bố cậu ta là người đi săn. Còn ai khác có thể kể chuyện gấu hay như thế nữa?
Nhưng Ta-nhi-a ngắt lời Phin-ca:
- Mình sinh ra ở đây, trong vùng này, ở chính thành phố này và chưa hề ở nơi nào khác - cô bé nói – nhưng bao giờ mình cũng ngạc nhiên: sao ở đây người ta nói nhiều về gấu đến thế. Lúc nào cũng gấu.
- Vì xung quanh là rừng Tai-ga, mà trong rừng Tai-ga thì có nhiều gấu – Giê-nhi-a béo trả lời. Đó là một cô bé chẳng có một chút trí tưởng tượng nào nhưng biết tìm ra nguyên nhân chính xác của tất cả mọi việc.
Ta-nhi-a trầm ngâm nhìn Giê-nhi-a và hỏi Phin-ca là cậu có thể kể một cái gì đó về con chó Úc Đin-gô được không?
Nhưng hoá ra Phin-ca cũng chẳng biết gì về con chó hoang Đin-gô cả. Cậu có thể kể về lũ chó dữ kéo xe, về những con chó Lai-ca, nhưng chẳng thể nói gì về con chó Đin-gô cả. Các bạn khác cũng không ai biết con chó này.
Giê-nhi-a béo hỏi:
- Ta-nhi-a, cậu cần con chó Đin-gô để làm gì?
Nhưng Ta-nhi-a không trả lời, vì quả thực em cũng chẳng biết nói gì về điều ấy. Em chỉ thở dài.
Dường như vì tiếng thở dài khe khẽ này, cây bạch dương trước đó đang cháy rực bỗng đung đưa như sống và đổ sụp xuống, tan ra thành tro. Ở chỗ Ta-nhi-a ngồi tối sầm lại. Bóng tối tràn đến gần lũ trẻ. Cả bọn la hét ầm ĩ. Ngay lúc ấy có một giọng nói lạ vang lên. Đó không phải là giọng anh Cô-xchi-a.
Người ấy nói:
- A! Các cháu, có chuyện gì thế?
Rồi một cánh tay đen to đưa qua phía trên đầu Phin-ca cả một ôm củi và ném vào lửa. Đó là những cành thông cháy rất đượm, tàn lửa bốc lên vù vù, không tắt ngay ở trên cao mà sáng lấp lánh như những chòm sao.
Bọn trẻ đứng phắt dậy, còn người kia thì đến gần đống lửa. Ông ta nom bé nhỏ, chân đi ủng da, đầu đội mũ bê-rê.
- Bác thợ săn, bố của Phin-ca đấy! – Ta-nhi-a reo lên – Đêm nay bác ấy ngủ lại đây, gần trại bọn mình. Mình biết rõ bác ấy.
Bố Phin-ca ngồi dịch lại gần Ta-nhi-a, gật đầu với em và mỉm cười. Ông mỉm cười với cả những em khác, để lộ hàm răng to đã bị mài mòn bởi chiếc tẩu đồng dài mà ông đang cầm chắc trong tay. Chốc chốc ông lại bỏ một mẩu than vào chiếc tẩu rồi rít một hơi, không nói gì cả. Nhưng tiếng rít ấy, cái âm thanh nhè nhẹ và hiền lành ấy đã nói tất cả với những ai muốn nghe nó rằng trong đầu bác thợ săn lạ lùng này chỉ có toàn những ý nghĩ tốt đẹp. Vì vậy, khi anh phụ trách Cô-xchi-a đến và hỏi tại sao trong trại lại có người ngoài thì bọn trẻ đồng thanh kêu lên:
- Đừng động đến bác ấy, anh Cô-xchi-a, đó là bố của Phin-ca. Cứ để bác ấy ngồi bên đống lửa trại của chúng em. Có bác ấy chúng em vui hơn.
- A, hoá ra là bố của Phin-ca – Cô-xchi-a nói – Hay quá! Anh cũng biết bác ấy. Nhưng đồng chí thợ săn ạ, bây giờ cháu cần phải báo cáo với bác là cậu con trai Phin-ca của bác thường xuyên ăn cá sống và còn mời các bạn khác cùng ăn, như mời Ta-nhi-a Xa-ba-nhê-ê-va chẳng hạn. Đó là một. Thứ hai, là em ấy cứ lấy khăn đỏ làm quần tắm và tắm bên cạnh tảng đá Lớn mà người ta đã nghiêm cấm em ấy.
Nói xong, Cô-xchi-a đi đến những đống lửa trại khác đang cháy rực trên bãi cỏ. Còn bác thợ săn do không hiểu biết tất cả những điều Cô-xchi-a nói với ông nên nhìn theo anh phụ trách với một vẻ kính trọng và lắc đầu.
- Phin-ca - ông nói - bố sống ở lều trại, đi săn thú và trả tiền để con sống ở thành phố, được học tập và luôn luôn no đủ. Nhưng con sẽ ra sao nếu chỉ trong một ngày con đã phạm nhiều tội như vậy và làm cho các thủ trưởng phải phiền lòng. Bố sẽ quật cho con một cái thắt lưng về tội này. Đi vào rừng dồn con hươu của bố đến đây! Nó ở gần thôi. Bố sẽ ngủ đêm ở đây.
Rồi ông quật cho Phin-ca một cái bằng chiếc thắt lưng da nai dài đến mức có thể vắt lên đến đỉnh cây bá hương.
Phin-ca đứng dậy nhìn các bạn: có ai chia sẻ với em sự trừng phạt này không?
Ta-nhi-a cảm thấy thương Phin-ca: chính cậu ấy sáng nay đã thết Ta-nhi-a cá sống, buổi chiều lại thết “mật” kiến, và có lẽ vì Ta-nhi-a mà cậu ấy tắm ở bên tảng đá Lớn.
Cô bé đứng bật dậy và nói:
- Phin-ca, đi thôi, chúng mình sẽ bắt con hươu mang về cho bố cậu.
Hai em cùng chạy vào rừng. Khu rừng trầm lặng đón các em như thường lệ. Giữa những hàng thông, bóng hai em giao nhau trên rêu. Những quả sao hoa trong bụi cây lấp lánh ánh sao. Ở phía dưới một cây linh sam gần đó có một chú hươu đang đứng gặm rêu bám vào cành. Con hươu hiền đến mức Phin-ca chẳng cần phải dở cuộn dây ra buộc vào sừng nó.
Ta-nhi-a quàng dây cương vào con hươu và dẫn nó đi trên vạt cỏ đẫm sương đến tận bìa rừng, từ đây Phin-ca dắt tiếp vào nơi đốt lửa trại.
Bác thợ săn bật cười khi nhìn thấy hai đứa trẻ xuất hiện cùng con hươu bên đống lửa. Ông đưa cho Ta-nhi-a cái tẩu của mình và mời cô bé hút: ông vốn là một người đôn hậu.
Nhưng bọn trẻ cười phá lên. Phin-ca nói với bố một cách nghiêm khắc:
- Bố, đội viên không hút thuốc đâu, đội viên không được hút.
Bác thợ săn rất ngạc nhiên. Nhưng đâu phải vô ích mà ông trả tiền nuôi con trai ăn học, đâu phải vô ích mà con trai ông sống ở thành phố, đi học, quàng khăn đỏ. Cậu bé cần phải biết những điều mà bố cậu không biết.
Đặt tay lên vai Ta-nhi-a, bác thợ săn hút thuốc một mình. Con hươu khẽ hà hơi vào mặt Ta-nhi-a và chạm nhẹ sừng vào cô bé – đôi sừng ấy, nếu muốn, vẫn có thể êm dịu tuy chúng đã rắn lại từ lâu và phẳng lì như đá.
Ta-nhi-a quì xuống đất bên con hươu, lòng đầy sung sướng.
Khắp nơi trên bãi cỏ là những đống lửa bập bùng; lũ trẻ ngồi hát xung quanh các đống lửa ấy.
Ta-nhi-a ngạc nhiên nghĩ:
“Thật ra, chẳng lẽ những cái này lại không thích hơn con chó Úc Đin-gô sao?”
Vậy mà tại sao em vẫn muốn bơi theo dòng sông, sao tiếng nước dội vào vách đá cứ vang mãi trong tai em, và sao em lại muốn có những đổi thay trong cuộc sống đến thế?
- Mùa hè đã qua rồi – Ta-nhi-a nói khẽ. - Mấy ngày nữa là lại đến trường.