Chào mọi người, mình là Kaida. Mình xin được phép bỏ qua phần giới thiệu về bản thân vì tất cả sẽ được thể hiện trong tác phẩm NƠI TÔI HIỆN DIỆN CHỈ MỘT MÌNH TÔI - kể về cuộc đời của mình, lý do vì sao mình luôn cảm thấy cô đơn. Tác phẩm gồm 4 phần:



Phần 1: Kí ức tuổi thơ


Phần 2: Nữ sinh trung học cơ sở lạnh lùng nhất


Phần 3: Bứt phát không thành


Phần 4: Đôi cánh không được trọn vẹn


Phần 5: Nơi tôi hiện diện chỉ một mình tôi



(có thể thay đổi tùy cảm hứng của mình). Mỗi phần sẽ có loạt chương khác nhau nữa. Các bạn có thể đọc để biết thêm. Mình không có tiến độ rõ ràng cho việc viết truyện. Nhưng hy vọng mình đủ nhiệt huyết viết tiếp.


PHẦN 1: KÍ ỨC TUỔI THƠ



Chương 1: Mẹ ơi, con buồn lắm




Một đêm bình thường như bao đêm khác, tại một căn phòng cũng rất đỗi bình dị được tô điểm bởi những vật dụng dễ thương, đáng yêu, rất phù hợp với một cô bé mặt còn búng ra sữa như tôi. Thế nhưng có hai điều tôi không hề thích ở căn phòng này. Thứ nhất, căn phòng nóng bức một cách khó tả. Nhà tôi đối diện biển, tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ ầm ầm về đêm mang theo hơi nóng phả vào lục địa. Nghe có vẻ khoa học quá, thực tế là phả vào căn nhà tôi đang sống mà trước hết là phả vào căn phòng đầu tiên - cũng là phòng tôi. Thế đấy, cái ổ bé nhỏ của tôi nóng hừng hực như vậy nhưng lại không có một cái cửa sổ nào để thoát khí. Chỉ có cái cửa chính đi ra đi vào. Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ mở cửa chính cả. Lý do ư? Đời nào tôi để một ai biết tôi đang hí hoáy làm gì trong phòng, dù lúc đấy tôi chỉ mới là cô bé học sinh lớp 4 còn ngây ngô và khờ dại. Đó chỉ là những gì người ta hình dung về học sinh lớp 4, thực tế sẽ có những thành phần đặc biệt và tôi, tự hào xếp hạng mình nằm trong đám "dị nhân" đấy. Điều thứ hai tôi không thích ở căn phòng này đó là nó quá nhỏ bé và tù túng. Như tôi có nói, chẳng một cái cửa số nào, đơn thuần là 4 bức tường được sơn vàng đậm - cái màu mà tôi ghét nhất trên đời và mặc định tôi ghét nhà sơn màu vàng hay những thứ liên quan. Mà đúng hơn tôi chỉ ghét cái bức tường màu vàng hay những nơi tô điểm toàn màu vàng. Tôi cảm giác mệt mỏi khi nhìn cái màu sắc nổi bật sáng lóa ấy. Vì sao ư? Rồi các bạn sẽ sớm biết thôi. Tuy nhiên tôi vẫn mách nhỏ đó là lũ tự kỉ như tôi thường thích màu trầm. Bóng tối là bạn, nước mắt là vũ khí, ánh sáng là kẻ thù, tình cảm là ác mộng. Chưa gì tôi đã không thích căn phòng mình đang ở, và tôi cũng chẳng nhớ rõ lắm tôi ở căn phòng tù túng ấy bao lâu rồi nhưng đến giờ thì nó đã được chuyển nhượng sang cho mẹ tôi. Về cơ bản là căn phòng ấy cũng như cái phòng trọ để đồ, mẹ tôi chẳng xuất hiện nhiều trong phòng. Và vì nó trông giống kho chứa đồ của phụ nữ nên mẹ tôi luôn đóng cửa phòng. Có thể nói đây là căn phòng "bí mật" nhất trong căn nhà. Chắc căn phòng này cũng gây ra một áp lực vô hình góp phần vào sự biến đổi trong nhận thức của tôi đối với thế giới này, từ các sinh vật nhỏ bé tới động vật cấp cao - con người.



Đêm ấy, tôi đã khóc. Nhưng không phải nằm khóc thút thít như đứa trẻ bị mẹ mắng vì tội ăn không đúng bữa, ăn vặt hay tội không đánh răng trước khi đi ngủ. Nhắc đến lại nhớ, lúc nhỏ tôi ghét kem đánh răng, tôi bị ảo tưởng mỗi khi nhìn thấy nó rằng mình sẽ nuốt phải đống kem mùi bạc hà ấy và tắt thở. Thật là một ảo tưởng đáng yêu cho đến khi lớn hơn một chút, tôi cảm giác hối hận vì ảo tưởng này. Đây cũng được coi là một minh chứng cho bệnh ảo tưởng của tôi ở phía sau - nếu tôi quên nhắc tới căn bệnh này, hãy nhắc lại tôi nhé. Tôi đã khóc. Tôi đứng trước gương, tự nhìn chính mình nhạt nhòa trong nước mắt. Mắt tôi đẫm lệ, mũi tôi sụt sịt và lưỡi đã cảm nhận được vị mằn mặn ở đầu môi. Nếu phải tự nhận xét thì tôi đánh giá cao ánh mắt của mình lúc đó, tự mình nhìn mình với ánh mắt đầy sát khí, một cách thật dễ sợ. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt mình khi ấy, đầy hận thù và căm ghét. Tôi đang hận gì và ghét gì? Một đứa trẻ được nuông chiều và sống trong nhung lụa như tôi thì có gì để ghét để hận? Chính tôi bây giờ vẫn hay tự hỏi mình câu hỏi này. Thỉnh thoảng tôi lại tìm ra đáp án, thỉnh thoảng tôi lại quên đi kí ức mờ nhạt đấy. Về cơ bản, tôi chẳng muốn nhớ nữa, nhưng nó cứ hiện hữu trong đầu như một thói quen khi tôi buồn và cô đơn. Lúc đó tôi đã suy nghĩ :"Mình ghét mọi thứ, ghét cả người mẹ hiện tại. Ước gì cô Doanh là mẹ mình". Cô Doanh là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của tôi, một người đàn bà có vẻ mặt phúc hậu với nước da trắng hồng và mái tóc dài được cột gọn gàng rất đặc trưng. Chỉ cần bạn hỏi giáo viên tiểu học có mái tóc dài đen huyền với chiều cao đáng ngưỡng mộ thì tôi nghĩ mọi người sẽ liên tưởng tới cô Doanh ngay. Thật ra suốt 3 năm tiểu học tôi chẳng có ấn tượng gì với bất kì giáo viên nào, tôi chỉ biết họ một năm và năm sau tôi sẽ lãng quên họ ngay thôi. Lúc đấy tôi không biết là đời rất vô tình, con người ta có nhau chỉ trong gang tấc rồi lại chia xa chỉ trong khoảnh khắc. Mọi người tựa hồ mơ ảo, chẳng có gì rõ ràng. Nhưng cô Doanh lại khác, cô cho tôi một ấn tượng tốt đẹp ngay từ những ngày đầu tiên dạy dỗ cả lớp. Cô hiền hậu, bao dung. Tôi mến cô và cứ mến đến gần hết năm học lớp 4 để rồi tôi sẽ chia tay cô, lãng quên cô như những giáo viên khác. Nhưng, tôi đã không thể quên. Tôi cảm thấy ghét lớp 4! Học sinh lớp 4 được tham gia cắm trại 2 năm 1 lần cùng với học sinh lớp 5. Các bạn học sinh lớp 1, 2, 3 còn nhỏ nên ở nhà chơi với hàng xóm thôi. Vô lý thật! Lớp 3 cách lớp 4 chỉ 1 năm vậy mà lại có sự phân biệt đối xử này. Thật ra đây là suy nghĩ của tôi khi lớn, chứ lúc ấy, tôi chỉ thấy thật hạnh phúc vì lần đầu được tham gia cắm trại. Tôi đã chuẩn bị nhiều thứ dù tôi cũng không biết cái gì là cần thiết cho mình nữa. Lúc ấy, mỗi học sinh có 2 lựa chọn. Một là ở qua đêm, ngủ tại phòng học, hai là gọi bố mẹ chở về nhà. Không cần nói thì tôi hiển nhiên không hề mảy may nghĩ tới phương án 2. Tôi sẽ được ngủ ở một nơi mát mẻ hơn cái căn phòng nóng hừng hực ấy của mình. Tôi chọn phương án 1 và bố mẹ tôi đều đồng ý một cách nhanh chóng. Tôi thật cảm kích điều này. Buổi cắm trại hôm ấy, trời nắng dịu pha chút gió nhẹ thổi mát bầu không khí oi ả của mùa hè. Chắc đến ông trời cũng mong chuyến cắm trại này thuận buồm xui gió. Nhắc đến cắm trại ai chả nghĩ đến "trò chơi giải trí". Tôi không nhớ rõ mình có tham gia trò gì nhưng chắc chắn là có và không đạt được giải gì cả. Hẳn rồi, nếu đạt giải thì tôi sẽ có giấy khen và bố mẹ tôi sẽ cất giữ chúng kĩ càng như giấu vàng ở đảo hoang không ai muốn đến. Tôi chỉ đi tăm tia một ít trò và gồng sức cổ vũ khi thấy bạn học lớp mình tham gia. Nhưng mà, tôi muốn về lớp nằm nghỉ hơn và đi reo hò ngoài nắng. Sức khỏe tôi không tốt, thực ra đến lớn tôi mới biết ông trời không cho người ta quá nhiều nhưng cho tôi quá ít, trong đó có sức khỏe. Lúc đấy tôi chỉ đơn thuần thấy mệt mỏi và muốn về lớp thôi. Khi đó là giữa trưa, mọi người tập trung vào nấu nướng. Trước đó có người hỏi tôi muốn ăn gì, tôi trả lời không ngần ngại :"Canh chua ạ!". May sao cả lớp đều đồng tình món canh chua nên tôi có thứ để nuốt mà sống, không thì tôi chẳng biết mình sẽ ăn gì trong hôm cắm trại nữa. Tôi kén ăn. Và dường như tôi tự hào về điều đó vì nó làm tôi trông giống đứa nổi bật, lập dị. Tôi thích nổi bật khi còn nhỏ. Làm đủ chuyện kì quái để được nổi bật và gây sự chú ý. Thế là tôi nổi bật thật. Tên tôi không ai không biết, chí ít tôi hưởng một chút sự nổi tiếng từ mẹ tôi - con người của công chúng. Một cách gọi mỹ miều tôi thường gọi mẹ tôi khi lớn, vì với tôi, bà nổi tiếng và bận rộn như một idol thực thụ. Tôi ăn trưa với món canh chua yêu thích. Tôi nằm lăn ra ngủ một cách ngon lành đến tận chiều. Mọi người đang nấu chè đậu đen, tôi lại tiếp tục ngồi nhìn mà chẳng giúp được gì. Cơ bản là tôi thấy chẳng có chỗ nào cho mình chen vào mà thôi, tôi vào làm gì khi có một lũ lóc nhóc bằng tôi đang hí ha hí hửng thể hiện sự dịu dàng nữ tính của mình. Tôi chẳng quan tâm, dù sao tôi cũng không thích chè đậu đen, không ăn thì khỏi làm. Suy nghĩ của tôi thật lạnh lùng và tàn nhẫn so với một đứa trẻ lớp 4 lúc đấy. Nguyên do thì có lẽ nhiều thứ gây ra, rồi các bạn sẽ cảm nhận dần dần dần dần thứ tạo nên tôi của ngày hôm nay. Đang mơ màng, bỗng cô Doanh gọi:


- Dung, qua đây với cô


Tôi lật đật chạy qua chỗ cô như bé cún ngoan nghe lời chủ. Tôi thích cô nên cô nói gì tôi cũng nghe. Cô lấy ra từ túi áo 1 hộp sữa chua với 1 cái muỗng nhựa màu trắng. Cô nói:


- Con ăn đi, đừng cho các bạn biết nhen, ngồi trong phòng ăn một mình thôi


Cô xoa đầu tôi rồi lại ra ngoài phụ mọi người nấu chè. Tôi đứng ngơ ngác, nhìn một vòng xung quanh phòng, quả thật là chỉ có mình tôi trong phòng học, ngồi một mình giữ cặp cho các bạn. Thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài ngắm nghía cảnh mọi người bận rộn với nồi chè. Tôi cầm sữa chua ăn một mình tự kỉ, vừa ăn vừa thấy có vị mặn ở đầu lưỡi. Tôi đang chảy nước mắt sao? Vì cảm động ư? Có lẽ cô Doanh biết tôi rất kén ăn nên đã thủ sẵn một hộp sữa chua. Tôi không dám mong là cô ra tiệm và mua cho tôi một hộp, hẳn cô mang từ nhà lên, tôi đang ăn thứ đồ ăn mà cô đã mua cho đứa con của mình. Dù vậy tôi vẫn ăn một cách ngon lành với sự biết ơn nhẹ nhàng. Đương nhiên tôi đã thủ tiêu cái hộp một cách chuyên nghiệp, quăng vào sọt rác và lại tiếp tục ngắm nhìn mọi người. Khói nghi ngút bốc lên từ nồi chè. Tôi ngửi thấy vị ngọt sộc vào mũi. Cô Doanh bưng một chén chè còn nóng vào cho tôi. Tôi cũng ăn nhưng với một sự cam chịu tột cùng. Tôi ghét đồ ngọt, và ly chén này thì ngọt quá sức tưởng tượng của tôi rồi. Thật không thể chịu nổi nhưng cô Doanh đang ngồi cạnh tôi, tôi vẫn nuốt cho đến hết chén và thở phì phèo một cách khó nhọc. Chợt cô thông báo:


- Các em gọi điện về cho gia đình mang chăn qua đắp nhé, các bạn nào ở lại đây qua đêm ấy. Còn các bạn đi về thì tập trung lại rồi cô dắt ra khỏi cổng


Tôi gọi ngay lập tức:


- Má ơi, mang chăn qua cho con nha, ở đây muỗi và lạnh lắm


- Lát má mang qua ngay


- Dạ


Tôi cúp máy và thấy các bạn khác cũng hí hửng gọi cho bố mẹ mình. Hai giờ đồng hồ sau, ai cũng có chăn, trừ một người vẫn hướng mắt về phía cổng trường chờ đợi bố mẹ mình mang chăn tới. Cô Doanh cũng đứng cạnh tôi, cũng chờ cũng đợi. Mọi người đã đắp chăn và nói chuyện ríu rít với nhau. Tôi vẫn chờ. Nhà tôi cách trường tầm 2km, có thể nói là cũng gần trường nhất nhì trong lớp. Nhưng tôi là người đang chờ đợi chứ không phải ai khác. Tôi có chút xấu hổ khi không có thứ mà bạn bè đều có. Tôi tuyệt vọng vào lớp, cô Doanh đã mang cho tôi chăn của cô:


- Con đắp tạm đi, chắc bố mẹ con bận quá


Tôi cảm ơn cô và mang chăn đắp kín người, nằm nghiêng một bên và khóc nhẹ đủ chỉ để một mình tôi biết.


- Con ra mang chăn vào - mẹ tôi gọi với giọng hối hả


Tôi không nói gì, giở chăn ra và đi ra ngoài cổng trường để nhận đồ. Trời đã khá tối, chắc cũng 9h. Ở quê tôi lúc ấy còn là thị xã chưa phát triển. Lũ trẻ như tôi 8h hơn đã đi ngủ cả rồi. Vậy mà, 9h mẹ tôi mới mang chăn tới. Có lẽ lúc đó thái độ của tôi rất hà khắc, tôi mắng mẹ tôi. Là mắng, có lẽ tôi đã mắng bà thật, đại loại giống như sao má mang trễ quá vậy, ai cũng có chăn hết rồi, còn mỗi con không có, phải đắp tạm cái của cô. Tôi không đợi mẹ tôi phản ứng gì và cứ thế quay đi.


Tôi có chút hối lỗi, thực tâm tôi chẳng hề muốn nói vậy. Nhưng tôi đã lỡ nói và không rút lại lời nói đó được nữa. Tôi nằm ngủ, vẫn với một ít nước mắt lăn dài trên mi, nhưng không ai biết gì cả. Đêm đó, tôi đã khó ngủ.



Sáng hôm sau vẫn là một ngày đẹp trời, các bạn hôm qua về nhà ngủ đã quay trở lại tiếp tục tham gia các trò chơi. Tôi tỉnh dậy trong tình trạng mệt mỏi. Cũng phải, một đứa trẻ giận dỗi vì không có đầy đủ đồ đạc giống bạn mình và đêm qua còn kình mẹ nó nữa thì làm sao nó không mệt kia chứ. Tôi chẳng nhớ rõ buổi sáng hôm ấy tôi đã làm gì. Chắc lại đi dạo dạo quanh trường, nhìn các bạn chơi trò chơi và công việc duy nhất của tôi là cổ vũ, vỗ tay. Không biết lúc ấy tôi có thành tâm muốn cổ vũ cho mọi người không nhỉ? Có thể có, hoặc không. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được câu trả lời nữa vì không có cơ hội nào cho tôi quay về quá khứ để chuộc lại lỗi lầm. Tôi nhớ mọi thứ, để nó vào đầu và cứ thế suy nghĩ về nó. Có lẽ buổi sáng hôm ấy tôi đã ngẩng mặt lên nhìn ông mặt trời chói lóa. Thành thật tôi ghét ổng và ghét cái cách ổng tỏa sáng như vậy. Cái màu vàng trắng khó chịu đó đâm xuyên qua mắt tôi làm tôi cảm giác trống rỗng vô cùng. Tôi lại trở về phòng học. Cũng chẳng biết ở căn phòng ấy làm gì, có lẽ tôi chờ đợi, chờ đợi đến gần trưa để làm lễ tổng kết buổi cắm trại, ăn bữa trưa và đi về lại căn phòng nóng nực của tôi. Tôi không được quyền lựa chọn kéo dài thêm thời gian cắm trại, hiệu trưởng muốn buổi trưa mọi người đều về nhà thì tôi cũng cứ thế mà về thôi. May là bố mẹ tôi đã đón tôi đúng giờ, nếu không tôi lại nổi quạu lên và không biết mình sẽ có thêm những suy nghĩ và hành động dại dột gì nữa.