Chị thông minh, xinh đẹp, ngoan ngoãn, cả làng, cả xã ai cũng khen. Chị là niềm tự hào của Mẹ, của cả Đại Gia Đình mình. Từ nhỏ chị luôn học dẫn đầu, nhưng không bao giờ chảnh, lúc nào cũng hiền khô. Ngoài giờ học chị tất tả việc nhà, đi cuốc đất, đi tưới rau ngoài đồng dù nắng, dù rét. Kể cả khi chị học xong Đại học với 2 tấm bằng một lúc, nhiều năm liền có học bổng, chị vẫn dành thời gian để đi dạy gia sư kiếm tiền phụ Bố Mẹ, rảnh ra là chị lại làm việc nhà, lại đồng áng. Ngày chị thông báo trúng tuyển vào một ngân hàng lớn bằng chính thực tài của mình, cả nhà vui như Tết. Không vui sao được, thời buổi con ông cháu cha, thời buổi đồng tiền ghi điểm, chị dấu cả nhà tự đi thi rồi đỗ. Gần 30 tuổi, chị có một vị trí tốt ở đó bằng chính sự cống hiến của mình. Nhưng dù lạ dù quen, ai mai mối là chị chối từ, chị không muốn lấy ai ngoài Người Ấy.
Người đó đi bên chị từ thủa làng mình toàn đường đất, trẻ con đi bộ trời mưa là lội bùn lép nhép. Bê tông hóa, ao làng lấp hết, người làng không còn bảo bọn chị là lũ trẻ con chơi với nhau nữa mà họ bắt đầu xì xào. Đã bao nhiêu năm trôi qua, chị đã vào tuổi yêu đương rồi mà.
Bố chết lặng khi ngồi giữa mâm cỗ giỗ họ "Sao anh em cùng họ, cùng chi mà lại yêu đương là sao? Bố mẹ đi đâu mà không dạy?". Bố Người ấy cũng không nói ra lời, chỉ lặng lẽ tủi hổ.
Rồi hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, hai gia đình ở gần nhau mà từ mặt từ ấy "Con ông bà dụ dỗ con tôi" "Con ông bà cứ đeo bám con tôi". Dù cái Họ của mình không thể từ bỏ, nhưng không ai nhìn mặt ai.
Sự đời cái gì càng cấm càng ham, từ công khai dần vào lén lút. Mỗi lần dân làng bàn tán, Bố lại thở dài, Mẹ lại khóc. Lại tâm sự, lại nặng, lại nhẹ. Nhiều năm rồi mà cứ thế, Mẹ dần héo hon không phải chỉ vì Mẹ vất vả mưu sinh. Bố bệnh nhiều hơn. Mẹ ốm nhiều hơn. Đại Gia đình có góp ý, chúng em có tâm sự thì chị dần lảng tránh, cỗ bàn chị ít tới, có tới thì lúc nhát là về. Dù Bà Nội thương chị nhất, Nội nhắc chị mãi. Chị tới mà cười chả bao giờ còn tiếng, chị nhìn mà mắt chỉ thấy buồn đâu đâu.
Mẹ đi cầu, đi lễ, đi cắt tiền duyên cho chị.
Rồi có một dạo chị nghỉ liền mấy ngày, cả nhà tưởng chị "thấu đáo", nào ai biết.
Đến một ngày khi chị nói "Chị và Người Ấy đã đi ĐĂNG KÝ KẾT HÔN". Mẹ khóc ngất, Bố thì như rơi xuống vực, chân tay phế hết mà kêu chẳng ai cứu.
Bố bảo chị là bố không đuổi, nhưng chị tự thu xếp rồi đi đâu thì đi...
Bố vào gặp Nội, rồi Bố òa khóc như đứa trẻ "Con mất con gái rồi Mẹ ơi!"
Nội chẳng còn nước mắt để mà khóc, Nội gạt tay lên đôi mắt đỏ hoe rồi kêu Trời sao để Nội gần trăm tuổi mà đau đớn, tủi hổ?
Chị à? Tình Yêu to lớn đến mức mà cứ phải có tờ hôn thú mới chứng thực được nó sao? Tờ giấy vô tri ấy vợ chồng em chỉ ký vào để làm đám cưới mà không bị hộ tịch họ trách, để khai sinh cho con thuận lợi, chứ nó có ý nghĩa gì nếu trong lòng những người yêu nhau?
Hay là phải ký vào đấy, sống chết ký vào để như viết GIẤY BÁO TỬ cho Bố Mẹ mình?
Mùa Vu Lan sắp về, chị cần phải chứng minh tình yêu theo cách đó, hay là muốn được cài hoa trắng khi bố mẹ chưa tắt thở?
Em nói nặng nề quá chăng?
Khi chị và người ấy còn mặn nồng, Người Yêu của chị đang tâm cầm dao đuổi Mẹ chạy đòi giết, nếu không có hàng xóm can ngăn, thì...
Nhát dao oan nghiệt của Người Yêu chị ngày ấy chưa làm mẹ đổ máu, chỉ xây xát, bầm tím. Nhưng nhát dao vô hình của chị hôm nay thực sự đã đâm vào tim Mẹ rồi, đã phế chân tay của Bố rồi.
Bố vẫn dầm nắng, dầm mưa.
Mẹ vẫn đầu tắp mặt tối.
Nhưng giờ chị đã lớn, chị đã thành tài, thành danh, chị báo đáp Bố Mẹ bằng Trời, bằng Bể như thế này hả chị ơi?
Giờ
Chúng em đứa nào cũng đau.
Mẹ ốm rồi.
Bố cũng ốm rồi.
Nội chỉ nấc nghẹn khi nghĩ đến chị thôi, mắt Nội giờ lông quặm nhiều, Nội không ra nổi nước mắt nữa.