Hôm qua em vừa đọc được cái tin rằng gia đình cháu bé tử vong vì bị tôn cứa vào cổ đã xin miễn truy tố bác xích lô chở tôn. Công an quận Hoàng Mai ( Hà Nội) đã xác nhận rằng lúc 18 giờ 30 phút ngày 6.10, ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam), người lái chiếc xe xích lô chở tôn dẫn đến cái chết cho bé trai Trần Minh Hoàng (học sinh lớp 4, ngụ ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã được trả tự do. Ông đã được trở về với gia đình và người thân.



Ông Thạch được tại ngoại là vì trước đó, ngày 5.10, gia đình cháu Trần Minh Hoàng đã có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai đề nghị miễn xử lý hình sự đối với ông Thạch. Cũng trong cùng ngày, bà Lê Thị Phương - vợ ông Thạch đã đến Công an quận Hoàng Mai để làm thủ tục xin bảo lãnh cho chồng mình được tại ngoại.


webtretho


Bác xích lô chở tôn gây tử vong cho bé trai đã được tại ngoại. Nguồn: Internet


Tuy nhiên, gia đình cháu Trần Minh Hoàng đã lên tiếng đính chính rằng họ chỉ viết đơn xin giảm án chứ không viết đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì đó là việc của các cơ quan chức năng. Chị Đỗ Thanh Phương, mẹ của bé Hoàng cho hay: “Hôm qua gia đình hai bên xuống làm việc ở quận Hoàng Mai. Gia đình tôi không làm đơn khởi tố mà viết đơn xin giảm án. Trong đơn có đoạn là giảm nhẹ tội cho anh Bình chứ không phải là đơn không truy cứu trách nhiệm hình sự, hai cái này là hoàn toàn khác nhau. Việc khởi tố trách nhiệm hình sự thuộc phạm vi của cơ quan công an và cơ quan thực hiện quyền xét xử và công tố, gia đình chúng tôi không có trách nhiệm để can thiệp”.


webtretho


Gia đình cháu Hoàng khẳng định viết đơn xin giảm án cho ông Thạch. Nguồn: Internet


Dù có thế nào đi chăng nữa thì một mạng người cũng dã mất, chúng ta không thể xem như không có việc gì xảy ra cả. Nhưng hành động xin giảm án cho người có trách nhiệm trực tiếp trong cái chết của con mình và kiên quyết không nhận một đồng tiền bồi thường nào đã cho thấy lòng bao dung và trắc ẩn vẫn tồn tại trong xã hội của chúng ta.



Về ông Thạch, sau khi được tại ngoại, ông đã xúc động đến không thể nói nên lời. Ông cảm thấy biết ơn gia đình cháu bé đã tử vong vì sự vô tâm của ông, biết ơn lòng khoan dung của họ. Và ông thành khẩn thề rằng từ nay về sau ông sẽ bỏ luôn cái nghề chở xe 3 bánh vì công việc này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người khác. Qua điều này, ông muốn bày tỏ sự ăn năn và hối hận của mình.



Trong những ngày qua, vụ án này đã gây xôn xao dư luận và làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều về cái nghèo, về lương tri của con người trong cuộc sống. Sau rốt, ta có thể thấy rằng dù đứng về phía nào, dù đứng ở góc độ pháp luật hay đời sống, cái lý và cái tình đều cần phải được đề cao. Nhưng điều khiến người ta cảm thấy ấm áp là bên trong cái lý vẫn còn có cái tình bởi cuộc sống vốn luôn có nhiều điều éo le, những bất trắc không lường trước được.



Lòng nhân đạo là ở chỗ chúng ta chỉ đánh những kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Tình người thể hiện qua việc chúng ta không dồn ép một con người vào đường cùng dù họ phạm vào một lỗi lầm lớn. Phải biết rằng mất con là đau đớn như ai xẻo da thịt mình thì mới thấy hành động của gia đình bé Hoàng là cao thượng như thế nào. Và trong một sự việc bi ai như thế này, người ta mới thấy một chút hi vọng và ánh sáng của nhân tính. Ở tận cùng của nỗi đau và bất hạnh, con người mới bộc lộ nhân tính, tình người cao đẹp của mình!