Em có anh bạn làm tổng giám đốc tại Việt Nam của một tập đoàn rất lớn ở Đức, suốt gần 10 năm tuổi trẻ học ở Tây, ăn đồ Tây, mê phô mai thối hơn mắm tôm, sau này lại chỉ toàn làm việc cho Tây và với Tây. Nghĩa là Tây hóa có khi còn quá cả Tây
zin
rồi. Vậy mà có lần trà dư tửu hậu, anh chép miệng: “Anh bảo thật, cô yêu ai lấy ai cũng được, nhưng đừng dại lấy Tây. Hôn nhân phải bình đẳng mới bền!”. Thấy mặt em đần ra chắc trông thảm quá, anh ấy thương hại nói thêm: “Thế giờ cô muốn yên lành làm trung lưu ở Việt Nam hay qua
bển
để làm công dân hạng bét???”.


Kể ra thì câu này cũng khó hơi nghe, nhất là khi cả nước (có vẻ) như đang sôi lên sình sịch chuyện lấy chồng Tây, nhiều báo mạng còn lập cả chuyên mục để chia sẻ/tư vấn cho các chị em có nhu cầu “săn chồng ngoại”, động viên cổ vũ nhau rất hăng. Nhưng chỉ với vốn tiếng Anh võ vẽ, em lê la mấy hội nhóm người nước ngoài ở Việt Nam, rồi cả mấy forum nước ngoài nữa mới choáng váng, hóa ra sự thực chẳng như báo mạng nhà ta tô vẽ tí nào.



Phân biệt chủng tộc là thứ nhất. Chị em nào lấy chồng ở nước có cộng đồng người Việt đông đúc thì còn đỡ, chí ít dân bản xứ nhìn mũi tẹt da vàng nhiều cũng quen mắt rồi. Chứ chẳng may lại rơi vào xứ nào “thuần chủng” quá, dân lại có niềm tự hào sâu sắc về giống nòi của họ, thì coi như tiêu.



Em đọc được trên một forum (tên gì quên rồi), đại khái thấy chửi bới ầm ĩ những dzai da trắng mà đi lấy da đen hay da vàng là làm suy yếu giống nòi, bởi vì các đường nét sẽ bị pha tạp, trong khi đường nét của dân da trắng thường đẹp hơn. Rồi chưa kể có mấy ông còn bảo bọn trai Tây lấy gái Á rặt một lũ ấu dâm, do phụ nữ Á nhỏ con ngực lép trông chẳng khác gì trẻ con chưa lớn hết.



Thứ nhì là sự nghiệp lao đao. Bạn bè rồi đồng nghiệp của em có vài người lấy chồng Tây. Lúc ở Việt Nam, các chị đều giỏi giang, độc lập cả. Người thì làm quản lý dự án, người làm báo, làm truyền hình.v.v… Nhưng khi theo chồng ra nước ngoài, hầu như tất cả đều phải ở nhà nội trợ. Không phải vì không muốn đi làm, mà vì cạnh tranh không nổi. Ngay cả những người có bằng thạc sĩ ở nước ngoài nhưng thuộc về các chuyên ngành như truyền thông, quảng cáo, nghệ thuật… cũng đành treo bằng cấp trong bếp để ngắm lúc đút cháo cho con thôi ạ.



Ở Việt Nam, mình có việc làm, có sự nghiệp, có vị thế xã hội nhất định, được tôn trọng, lại tự làm ra tiền thích tiêu gì thì tiêu. Qua bên đó tự dưng thành người phụ thuộc, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, chồng với gia đình chồng hiểu và thông cảm là một nhẽ, nhưng còn xung quanh? Không khéo còn bị mắng là mặt dày qua nước người ta để ăn bám trợ cấp xã hội ấy chứ.



Khác biệt về văn hóa cũng rất kinh khủng. Hãy thử tưởng tượng, chỉ trong Việt Nam thôi mà phong tục tập quán mỗi vùng miền đã khác biệt như thế nào, huống gì là ở hai đất nước, hai châu lục. Nó không đơn thuần chỉ là chuyện ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt đời thường (dù điều này cũng rất quan trọng - một trong ba lí do ly hôn hàng đầu là không hợp nhau trong nề nếp sống). Nó còn là vấn đề kì vọng/expectation về nhau như thế nào. Phụ nữ Việt dù hô hào bình đẳng giới đến đâu đi chăng nữa thì vẫn thích kiểu đàn ông bảo bọc, che chở, làm trụ cột cho gia đình. Kì vọng khác nhau, dẫn đến hiểu sai về nhau.



Không ít anh giai Tây than vãn là bị bạn gái Việt “bẫy”, vì mới gặp nhau một hai lần đã đòi dắt về nhà giới thiệu với gia đình. Cũng không ít lời đồn thổi là gái Việt rất rẻ tiền, hay lợi dụng, bắt bạn trai phải “bánh bao” mọi chi phí hẹn hò. Còn phụ nữ Việt thì cực kì “dị ứng” việc bạn trai Tây đòi sống chung khi chưa kết hôn hay quá rạch ròi chuyện tiền nong. Nhưng chị em chắc cũng nên hiểu rằng người phương Tây, đặc biệt là dân châu Âu, rất sòng phẳng (chi phí buổi hẹn hò đầu tiên sẽ do nam trả, song từ đó về sau cứ 50/50 mà cưa đứt đục suốt nhé).



Ngoài ra, thông thường dân Tây sẽ chung sống một thời gian, có khi đến cả 5-7 năm với nhau, để xem có thực sự hợp nhau về mọi mặt không trước khi quyết định kết hôn. Phụ nữ Việt vốn quan niệm yêu là phải cưới, có khi mới cầm tay nhau đã bắt “thằng kia” phải chịu trách nhiệm về đời mình thì chuyện sống chung vài năm, sau đó lại đường ai nấy đi chắc là khủng khiếp quá sức tưởng tượng.



Mà có chuyện này hơi tế nhị. Chẳng hiểu tin đồn ở đâu ra mà chị em Việt cứ tin sái cổ là “khoai Tây” hơn “khoai lang” ở “chuyện ấy”, nào là sung hơn, rồi chiều chuộng nâng niu bạn tình hơn. Không ạ. Nói chung cũng hên xui tùy người thôi. Chuyện người thật việc thật luôn đây, thôi chị em cũng nên nghe để tham khảo thông tin nhiều chiều. Một chị quen anh giai Mỹ, U40, mà lần đầu sex không mang bao, nhắc mãi mới chịu mang vào nhưng mặt nặng mày nhẹ, đến lần thứ hai vẫn chứng nào tật nấy. Chưa kể, cả hai lần đó chị này đều đang trong kì đèn đỏ. Cuối cùng sau vài tháng cù cưa, chị gái phải vắt chân lên cổ bỏ chạy đấy ạ.



Nhưng có lẽ áp lực lớn nhất mà chị em sẽ phải đối mặt lại chính từ đồng bào của mình. Đứa bạn em yêu một anh “khoai Tây”, mùa hè vừa rồi chúng nó hí hửng dắt nhau đi xuyên Việt. Nhưng đến chỗ nào, nhân viên cũng chỉ xoắn xuýt cười nói với bạn trai nó, rồi quay sang nó mặt lạnh tanh. (Mặc dù nó là đứa cầm ví, quyết định chi tiêu và dĩ nhiên, quyết định cả tiền tip). Ở Hà Nội, lái xe taxi còn gào vào mặt nó là “Sao kiệt xỉ thế, tiền của thằng Tây kia chứ có phải của chị đâu mà phải lăn tăn?”



Có lẽ định kiến “me Tây”, “chài” Tây để đổi quốc tịch, để mõi tiền đã ăn sâu vào đầu nhiều người Việt. Nếu muốn có tình yêu trong sáng, bình đẳng với một người nước ngoài, có lẽ chị em nên có thần kinh thép và cũng nên chuẩn bị trước tinh thần để không cảm thấy tủi thân hay bị xúc phạm trên chính quê hương mình.



Nói tóm cái quần lại là thế này các chị ạ: lấy Tây không sung sướng hạnh phúc như thiên đường mà mọi người thường vẫn hay ca ngợi đâu nhé! Cũng hỉ nộ ái ố, đau thương, vật vã, thiệt thòi đủ đường! Cứ phân biệt chồng Tây với chồng Ta làm gì trong khi chồng nào cũng đều là hạng “phàm phu tục tử”, mà đã là con người thì có ai là hoàn hảo cả đâu???



Thú thật hiện tại là em đang say nắng một anh người Mỹ và anh ấy cũng đã ngỏ ý với em nhưng em chưa đồng ý. Và sau khi tìm hiểu hết những điều trên thì em đã quyết định từ chối anh và dẹp luôn cả ý định yêu hay lấy trai Tây. Đứa con gái có lòng tự trọng cao ngút ngùn như em thật sự không muốn bị coi thường các mẹ ạ :). Và hy vọng mọi người, nhất là các chị em đang có ý định quen trai Tây sẽ rút ra được ít nhiều vài điều hữu ích cho bản thân qua những chia sẻ trên của em :).