Với một số mẹ, vì cho rằng mình có thai kỳ khỏe mạnh, đã vô tình lặp đi lặp lại những hành động gây hại cho con mà không hề hay biết.

Lúc bầu con thứ hai, chủ quan ta đây cũng có chút kinh nghiệm bầu bì rồi nên em lăn xả làm việc không kể ngày đêm. Nói đúng ra, em bầu hai nhóc dày quá nên nặng gánh kinh tế, khi đó chỉ còn biết vắt sức ra làm đặng còn lo cho con chứ không nghĩ được gì nhiều. Thời gian đó deadline liên tục dí, công ty lại đổi chủ đầu tư, sức ép KPI lớn khủng khiếp nên cứ vậy mà bị cuốn theo guồng công việc các mẹ ạ. Đến khoảng cuối tháng 8 thai kỳ, khi đang ở công ty như mọi ngày thì đùng cái em thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, rồi ngã đùng ra giữa sàn. Lúc tỉnh lại đã thấy mình nằm viện. Thời điểm đó bác sĩ nói em bị suy nhược, dọa sinh non nên không cho làm việc nặng, áp lực nữa. Thế là đành gác lại hết mọi việc, lo dưỡng sức chờ đến ngày sinh.

Vậy đó các mẹ ạ, đôi khi, cứ nghĩ mình khỏe mà ỷ y. Phải chi khi đó, đừng tham công tiếc việc thì em đã không phải gặp cảnh như vậy rồi.

Kể lại đây để các mẹ chú ý hơn chuyện chăm sóc cơ thể mình trong thai kỳ. Có những việc hàng ngày các mẹ bầu tưởng chừng vô hại, lặp đi lặp lại sẽ gây hại cho chính mình và cho con. Nếu thường xuyên có một trong 5 việc làm dưới đây, mẹ bầu cần dừng ngay trước khi quá muộn nha.

1. Lao động nặng

hình ảnh

Ảnh minh họa: healthline

Việc lao động nặng, hoạt động mạnh trong thai kỳ có thể khiến mẹ mệt mỏi, căng cơ, gây áp lực lên thắt lưng. Chưa kể, hành động này của mẹ có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ thai nhi. Trong thai kỳ, mẹ chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng, nếu có tập thể dục cũng nên chọn những bài tập vừa sức và phù hợp với thể trạng người đang mang thai. Ngoài ra, mẹ nên tránh mang vác, lao động nặng vì điều này có thể gây hại cho con, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, ảnh hưởng đến bào thai. Với những việc không phù hợp với bà bầu, mẹ nên nhờ bố giúp, như vậy vừa khiến bố có trách nhiệm hơn với con, với gia đình nhỏ mà còn giúp cho thai kỳ của mẹ an toàn.

2. Nằm ngửa

Một số mẹ bầu ít khi để ý tư thế nằm. Họ cho rằng chỉ cần nằm thế nào thấy thoải mái là được. Thực ra, tư thế nằm ngửa có thể khiến một số mẹ bầu cảm thấy thoải mái nhưng nó lại hoàn toàn không phải là tư thế tốt cho mẹ mang thai. Khi thai nhi còn nhỏ mẹ có thể nằm ngửa, nhưng từ tuần thứ 20 trở đi, cùng với sự lớn lên của em bé trong tử cung, bụng mẹ sẽ to dần và mẹ tăng cân, lúc này, tư thế nằm ngửa sẽ tạo cảm giác nặng nề và có thể ngăn cản oxy truyền đến thai nhi. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mẹ không nên nằm ngửa mà nên đổi tư thế nằm nghiêng về bên trái, vì đây là tư thế cho lợi nhất cho cả mẹ và em bé.

3. Luôn tay xoa bụng

hình ảnh

Ảnh minh họa: healthline

Khi mang thai, cảm nhận từng hơi thở, từng cái quẫy đạp của con trong bụng, mẹ rất hạnh phúc. Đây là lý do nhiều mẹ luôn thích âu yếm, nựng nịu con. Việc mẹ âu yếm trò chuyện cùng con rất tốt, có thể khiến trẻ có tâm trạng vui vẻ và phát triển tốt hơn, tuy nhiên, đây lại là hành động của mẹ bầu gây hại cho thai nhi. Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ không nên xoa bụng liên tục vì có thể khiến bé bị kích thích, con sẽ vận động mạnh, quẫy đạp nhiều hơn dẫn đến xoắn dây rốn, dây rốn quấn cổ… 

4. Nóng giận

Trong thai kỳ, do nội tiết tố thay đổi, mẹ sẽ nhạy cảm hơn, có người dễ buồn dễ khóc, dễ tức giận. Việc mẹ nóng nảy tức giận, căng thẳng, stress hay có hành vi la hét có thể làm ảnh hưởng thai nhi. Con có thể khó chịu, sợ hãi và bất an, ngoài ra còn có nguy cơ thiếu oxy. Con ra đời sau thời gian chịu đựng sự nóng giận của mẹ cũng dễ gặp vấn đề về tâm lý, hành vi và được dự báo có cuộc sống không hạnh phúc. Do đó, khi đang mang con yêu, mẹ nên giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Hãy nhớ, mẹ có vui thì con trong bụng mới vui.

5. Thức khuya

hình ảnh

Ảnh minh họa: healthline

Nhiều mẹ bầu có thói quen thức khuya ngay từ thời con gái, cộng thêm việc bầu bì khiến mẹ khó ngủ, ngủ không ngon giấc nên thường xuyên thức khuya. Việc mẹ bầu thức khuya tưởng vô hại nhưng lại gây nguy hiểm khôn lường. Cụ thể, mẹ đi ngủ trễ sẽ làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của bé, khiến con bất an, bồn chồn, hoạt động quẫy đạp nhiều hơn. Chính điều này có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút. Ngoài ra, mẹ bầu thức khuya còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất cũng như tâm trạng của bé.