Con cái dù lớn bao nhiêu thì trước cha mẹ vẫn là những đứa nhỏ cần được bao bọc, yêu thương và chở che. Ngày bé cứ ước mình lớn thật nhanh để thoát khỏi sự kìm kẹp của cha mẹ. Nhưng tới khi lớn rồi lại ước gì mình được bé lại, để được bố mẹ chở che. Và bởi, khi mình còn bé thì bố mẹ cũng còn trẻ còn khỏe. Khi mình lớn lên, bố mẹ cũng dần già đi, dấu vết của năm tháng in hằn trên những gương mặt hao gầy. Nhìn mà xót.
Càng lớn chúng ta càng sợ nhìn bố mẹ già đi. Bởi vì, chúng ta biết, rồi một ngày người yêu thương mình vô điều kiện ấy cũng sẽ bỏ chúng ta mà đi mãi mãi.
Vừa nãy, mình đọc được câu chuyện hết sức đau lòng trên báo. Ngẫm lại, rồi mình cũng có thể rơi vào hoàn cảnh đó mà nước mắt tự nhiên rơi không ngừng.
Hãy chăm sóc cha mẹ thật chu đáo khi còn có thể. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
‘Tôi mồ côi rồi’ – con người mồ côi ở tuổi nào cũng đều rất đáng thương
Câu chuyện kể về một người đàn ông tên là Lý Kiện Nhân, 52 tuổi, sống tại Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 2016, anh được bác sĩ thông báo tin mẹ mình mắc bệnh Alzheimer. Do đó, anh lập tức xin nghỉ việc tại TP. Thâm Quyến để về quê chăm sóc người mẹ già.
Vì căn bệnh Alzheimer khiến tâm trí của người mẹ không được tốt. Đôi khi, bà cụ không thể nhớ ra chính cậu con trai của mình và còn thường xuyên hỏi anh là ai. Khi khác, bà lại liên tục nói xin lỗi vì đã khiến anh phải vất vả.
Thế nhưng, anh chưa bao giờ nề hà vẫn ngày ngày chăm sóc mẹ tận tình. Ai bảo con gái mới có thể là ‘áo bông tri kỷ’ của cha mẹ, con trai cũng hoàn toàn có thể chăm sóc cha mẹ mình tốt mà.
Người đàn ông khóc nức nở khi mẹ trút hơi thở cuối. Ảnh: ĐSPL
Câu chuyện của người đàn ông 52 tuổi này, khi biết mẹ bị bệnh, anh đã bỏ công việc về quê chăm sóc mẹ già suốt 6 năm mà không một lời oán thán, kêu than cũng chẳng nhờ vả ai. Mẹ mình thì mình chăm.
Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đi đến hồi kết, nhân sinh tựa như sương khói, chẳng ai biết trước được điều gì. Đến cuối cùng, người mẹ của anh cũng qua đời ở tuổi 101.
Ngồi trước giường, nhìn mẹ già trút hơi thở cuối cùng, trái tim của người đàn ông vốn kiên cường bao lâu nay thắt lại. Anh chẳng thể bình tĩnh được nữa mà gục xuống bên tay mẹ gào khóc: ‘Mẹ ơi, con là Hạo Minh đây, mẹ ơi. Mẹ không quan tâm đến con nữa rồi à. Mẹ quên con rồi sao’. Từng câu từng chữ như muốn trút hết nỗi tâm tình kìm nén của anh trong suốt thời gian qua. Nghe sao mà xót xa, đau lòng quá.
Ai bảo đàn ông không biết khóc, chỉ là nước mắt của họ không dễ dàng rơi. Một khi rơi nước mắt tức là phải chịu nỗi đau, mất mát khôn cùng.
Sau đó, có lẽ phát tiết đã đủ, người đàn ông cố gắng trấn tĩnh và bắt đầu gọi điện thoại cho người thân để báo tin. ‘Tôi không có mẹ nữa rồi, tôi đã mồ cô mẹ rồi’, câu nói mà người đàn ông 52 tuổi thốt lên khiến ai nấy đều thấy xót lòng. Thế là từ nay, anh trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mồ côi ở tuổi nào cũng thật sự rất đau…
Còn mẹ thì còn tất cả, mất mẹ rồi con biết bấu víu vào đâu. Với người lớn, sự hiện hữu của mẹ như một động lực về tinh thần giúp chúng ta bước tiếp. Mất đi rồi, chúng ta trở thành những kẻ bơ vơ.
Trái tim của chúng ta vốn chỉ bé bằng một nắm tay nhưng nó lại phải chịu biết bao đau đớn, thử thách. Dẫu biết rằng sự mất mát này là một phần của cuộc sống mà chúng ta chẳng thể né tránh nhưng làm sao không cảm thấy chênh chao cho được.
Người già, họ thường thấy rất cô đơn. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Nếu trong nhà có người bị bệnh, hãy sống với họ bằng sự bao dung và tình yêu thương
Alzheimer – một căn bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ khiến chức năng nhận thức của người bệnh bị suy giảm. Những người già bị bệnh Alzheimer thường nhớ nhớ quên quê. Nếu một ngày, bạn thấy ông bà, cha mẹ bỗng nhiên trở nên khó tính, hay nổi cáu, hờn dỗi… mà trước giờ không hề thế, hãy dành tình yêu thương cho họ nhiều hơn. Bởi, bệnh Alzheimer đang âm thầm đến.
Mặc dù là một căn bệnh có tên nhưng đến nay, người ta vẫn chưa thể tìm ra thuốc chữa. Đến việc nó từ đâu xuất hiện cũng vẫn là một bí ẩn của nhân loại.
Những người già mắc bệnh này thực sự rất đáng thương. Họ loay hoay trong chính trí nhớ và cuộc đời của chính mình mà chẳng thể tìm được lối ra. Họ bí bách và cũng mệt mỏi với chính bản thân. Làm gì có ai muốn mình không thể nhớ được ký ức của bản thân, quên đi những người thân yêu. Điều đó đau đớn và khổ sở biết chừng nào. Vì thế, hãy dùng sự bao dung và tình yêu như chính cách mà cha mẹ đã dùng với chúng ta thuở thơ bé chứ đừng cáu gắt. Bản thân họ đã đủ khổ rồi.
Bệnh không có thuốc chữa nhưng nếu được sống trong sự cảm thông và tình yêu thương thì diễn tiến của bệnh sẽ chậm hơn. Hoặc ít nhất, người bệnh sẽ không phải chịu nỗi tủi hờn vì sự lãnh cảm của người xung quanh.
Ai cũng sợ nỗi cô đơn nhưng với người mắc bệnh này thì còn sợ hơn nhiều. Bởi, họ dần mất đi ký ức, đôi khi còn chẳng nhớ nổi mình là ai. Họ trở nên cáu gắt, hay hờn dỗi, trách móc con cháu. Nhiều khi chỉ cần con cháu nói một câu phật ý hoặc thiếu quan tâm là khiến họ rưng rưng tủi thân.
Với người cao tuổi, họ chỉ mong được ở bên con cháu. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Cuộc sống này ai cũng bận rộn, bộn bề nhiều việc. Nhưng việc chăm sóc người già nói chung và những người bị Alzheimer là vô cùng cần thiết. Đừng bao giờ dùng mấy đồng bạc rồi giao phó họ cho giúp việc. Bởi vì, thứ họ cần là tình cảm, sự yêu thương của con cái chứ không phải là thứ khác.
Nói thì dễ chứ làm thì khó lắm. Vậy nên, nếu ai trong nhà có người bị bệnh thì hãy kiên nhẫn với họ hơn nhé. Bao nhiêu yêu thương đều chưa đủ, một chút cáu gắt đã là thừa.
Tôi từng chứng kiến cảnh bà hàng xóm cạnh nhà bị bệnh Alzheimer. Ở nhà bà, thường xuyên có những trận cãi vã của con dâu và con gái vì chuyện bà ăn xong mà bà quên nên nói với con gái là con dâu không cho bà ăn. Thế là, cô con gái về chửi mắng anh trai với chị dâu vì đối xử tệ với mẹ. Người chồng cũng mắng vợ là tệ bạc với mẹ mình, rồi thì chỉ biết tiêu tiền mà không lo cho mẹ.
Ở quê nhà tôi, khái niệm về bệnh Alzheimer vẫn còn mới mẻ. Người ta chỉ biết rằng người già là sẽ bị lẫn. Nhưng tới một ngày nọ, bà chẳng còn nhớ nhà mình ở đâu, ở với ai, tên gì. Bà chỉ ‘mang máng’ nhớ được rằng mình có mấy người con nhưng chẳng nhớ nổi mặt.
Hôm đó, chẳng biết bà giận dỗi gì nên đã đi lạc. Ở quê, người trong làng xã thì hay biết nhau. Nhưng không biết bà lang thang thế nào mà đi lạc sang xã kế bên. Mọi người trong nhà vội đi tìm và còn báo công an nữa. Thật không ngờ, tới tối, một anh trong xóm chở bà về nói là thấy bà đang ngồi co ro bên vệ đường xã kế bên nên đưa bà về.
Bà về trong vòng tay con cái nhưng lại ngơ ngác hỏi anh chị là ai, cho tôi về với con. Nhưng hỏi tên con thì bà không nhớ, cứ đứng đó và nhìn thôi. Sau rồi con cái đưa đi khám, bác sĩ bảo bà bị Alzheimer.
Tôi cũng từng chứng kiến cảnh có những lúc bà ngồi ngoài hiên nhà ngẩn ngơ rồi khóc một mình. Có lần, tôi vào hỏi thăm thì bà nói không khóc, sao lại khóc. Có những hôm 12 giờ trưa, bà sang gọi cửa nhà tôi rồi trách ‘chúng mày không cho tao ăn cơm’. Tôi biết, bà nhận nhầm tôi thành con gái bà.
Rồi có những ngày 11 giờ đêm, con tôi hét toáng lên vì bà đứng ngoài cổng nhà tôi, chẳng nói năng gì, cứ nhìn vào như vậy. Nói thật, tôi cũng rất bực bội nhưng nghĩ bà đang bệnh như thế, đáng thương hơn là đáng trách.
Có hôm, bà lại lẩm bẩm bảo tìm thằng T về đây. Sao nó đi lâu quá không về. Anh T là con trai cả của bà, đã bỏ đi biệt xứ mấy năm nay.
Cuộc sống vẫn thế, thời gian cứ dần trôi. Con cháu của bà cũng dần biết thấu hiểu và cảm thông hơn. Tất nhiên là vẫn than thở với những người hàng xóm nhưng cũng dành nhiều tâm trí chăm sóc bà nhiều hơn.
Sau đó, gia đình tôi chuyển nhà đi nơi khác do chồng chuyển công tác. Mấy năm sau mới có dịp về thăm chốn cũ, tôi mới biết bà mất rồi. Bà ra đi trong vòng tay của con cháu. Trước khi ‘nhắm mắt xuôi tay’, bà mỉm cười đầy mãn nguyện.
Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng: mình chỉ cần bỏ ra một số tiền để phụng dưỡng bố mẹ là đủ. Nếu bận quá thì thuê giúp việc. Nhưng bạn ơi, chẳng phải cứ bỏ tiền ra là xong nhiệm vụ đâu. Alzheimer là một căn bệnh, nó có thể khiến cha mẹ quên đi con cái, quên đi chính bản thân họ. Thế nhưng, chẳng có loại bệnh nào trên đời này khiến chúng ta quên mất bổn phận của người làm con đâu.
Tình mẫu tử quả thực rất thiêng liêng, nó có thể phá bỏ mọi rào cản. Phận làm con cái, chẳng ai muốn nhìn thấy cha mẹ mang bệnh, sống vật vờ đầy khổ sở. Và có lẽ, chỉ khi có mẹ bên cạnh thì chúng ta mới thực sự cảm thấy hạnh phúc. Dù có lớn bao nhiêu, thành công thế nào thì với cha mẹ, chúng ta vẫn mãi mãi là những đứa trẻ cần được yêu thương, bao bọc.
Mẹ là người đã tần tảo, hy sinh cả cuộc đời vì con cái. Vì thế, chúng ta ai cũng cần trân trọng những gì mà mẹ hy sinh cho mình. Có nhiều người nói rằng, việc chăm sóc con cái là của con gái, con dâu. Nhưng ai bảo thế, đôi khi con trai chăm mẹ còn tuyệt vời hơn. Vả lại, chuyện con cái chăm sóc cha mẹ là chuyện đương nhiên, cũng như khi chúng ta còn thơ bé, cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta vậy.
Ấy vậy mà ở ngoài kia vẫn có những con người chẳng xem cha mẹ ra gì. Như mới đây, ở Việt Nam mình có vụ cô con gái lừa mẹ ký giấy sang nhượng căn nhà khiến bà uất ức mà dùng mồi lửa để thiêu. Bà bị công an đưa vào đồn và phải ra tòa xét xử còn cô con gái và chồng thì xây nhà cao cửa rộng để ở. Bà có tới 5 người còn mà chẳng ai thèm ngó tới. Câu chuyện này giờ nhắc lại vẫn khiến dân tình phẫn nộ.