Con mất hết nhiệt tình học tập, điểm rơi không lối thoát có thể nguyên nhân từ cha mẹ không biết cách dạy, “lợn lành chữa thành lợn què”.

Tình hình học tập của con luôn là tâm điểm chú ý của các bậc phụ huynh. Nhưng nếu sự quan tâm đến việc học của con biến thành lý do để gò bó con, khống chế tự do của con sẽ khiến trẻ có cảm giác ức chế. Dần dần từ chính những lầm tưởng của cha mẹ khiến con học giỏi thành dở, mất hết hứng thú học hành.

Trẻ con chơi nhiều không tốt, chi bằng cho đi học sớm

Hiệu trưởng trường mẫu giáo cho biết một số phụ huynh có quan niệm “đừng để con mình thua ngay từ điểm xuất phát”, nhưng thực tế đây là chuyện hoang đường và phải dẹp bỏ. Trẻ em mẫu giáo không nên bị ép học quá sớm, luyện chữ sớm, nhồi nhét kiến thức chỉ khiến sức khỏe và tâm lý của con gặp vấn đề.

hình ảnh

Ảnh: internet

Ở trường mẫu giáo, trẻ có nhiều nhiệm vụ học tập quan trọng hơn, bao gồm tự chăm sóc bản thân, học về cảm xúc, biểu hiện, tương tác giữa các cá nhân với nhau, học các kỹ năng xã hội.

Cho học các lớp năng khiếu là tốt cho con

Điều này chỉ đúng khi con thực sự thích và có năng khiếu, chứ nếu con học chỉ vì cha mẹ muốn thì sẽ khó thu được kết quả như ý. Nếu thời gian của trẻ tràn ngập các lớp học năng khiếu, trẻ sẽ dễ dàng kiệt quệ về thể chất và tinh thần, một số đứa trẻ còn bị ám ảnh và sợ đi học. Đến khi lớn hơn chút nữa, trẻ sẽ ghét đi học văn hóa, dẫn đến điểm số thấp kém.

Thay vì nghịch ngợm, con nên ngồi lại vẽ tranh, đọc sách

Bản chất của trẻ con là hiếu động, nhưng cha mẹ thì cứ thích bắt con ngồi yên. Một số cha mẹ cho rằng con chạy nhảy không tốt, nghịch phá là hư, trái lại con chịu ngồi yên vẽ tranh, đọc sách, đánh đàn mới là bé ngoan, giỏi.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Tuy nhiên, khám phá tự do cũng rất quan trọng đối với trẻ, có thể trải nghiệm sự tập trung và thậm chí giúp phát hiện ra tài năng. Tước đi quyền hiếu động, nghịch ngợm của con là cha mẹ đang tước mất sự sáng tạo, tưởng tượng phong phú của con.

Thích so sánh điểm số, kết quả học tập

Điều này dễ làm tổn thương ý thức về giá trị bản thân của trẻ, khiến trẻ thu mình và bi quan. Việc bị bố mẹ đem ra so sánh trong thời gian dài sẽ khiến tính cách trẻ có xu hướng rụt rè, dè dặt và sinh ra trầm cảm, thiếu tự tin.

Andrew Martin là một chuyên gia tâm lý học chuyên về động cơ học tập, ông nhắc nhở mọi người rằng khi trẻ tập trung vào điểm số hoặc những đánh giá bên ngoài khác, chúng sẽ trở nên lo lắng hơn, nhưng ít khi biết cách giải quyết vấn đề điểm số.

Cảnh cáo con khi bị điểm kém

Đừng phóng đại trải nghiệm tiêu cực của trẻ, điều này sẽ chỉ khiến con ghi nhớ quá lâu lỗi lầm của mình và tràn ngập trong đầu những điều tiêu cực. Ví dụ bố mẹ đừng vì một môn học con điểm kém hay 1 bài kiểm tra điểm thấp mà quy chụp con học dở, cho rằng con học kém tất cả các môn, đó là quy chụp không đúng.

Yêu cầu trẻ liên tục xem lại bài tập về nhà, học quá nhiều dù đã ra khỏi lớp

hình ảnh

Ảnh: sina

Không phải cứ cố làm nhiều thật nhiều bài tập là sẽ giỏi lên ngay. Trước tiên phải xem xem con có hiểu bài chưa đã, hiểu thì làm 3, 4 bài vẫn giỏi, không hiểu thì dù làm chục bài, đến lúc kiểm tra vẫn không biết làm như thường. Bên cạnh đó não con đã hoạt động quá nhiều ở trường, về nhà vẫn ép học tiếp thì sớm muộn con cũng đơ não, giảm sút trí nhớ và học không vào nổi.

Cần cù bù thông minh, ép con chăm chỉ quá mức

"Siêng năng có thể bù đắp điểm yếu" nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng nếu cứ liên tục bắt ép con sẽ chỉ khiến tinh thần con mệt mỏi. Một khi tinh thần và đầu óc mệt mỏi thì có chăm chỉ đến đâu cũng chẳng thể tiến bộ nổi.

Ép con đi học phụ đạo, học thêm

Vì các bạn trong lớp đều đi học thêm nên cha mẹ cũng cố mà lo cho con đi học thêm vì sợ con thua các bạn. Tuy nhiên việc bắt con cả ngày cắm đầu vào sách vở, học từ lớp ở trường đến lớp học thêm sẽ khiến đứa trẻ sợ hãi, chán ghét học hành, tinh thần kém, mệt mỏi dẫn đến điểm số kém đi.

Chỉ quan tâm điểm số, không quan tâm con

Chỉ chạy theo điểm số, thành tích, đôi khi cha mẹ quên mất quan tâm con, quên mất hỏi xem lần này thi xong con mệt không, có gặp khó khăn khi làm bài ở đâu không. Lúc thấy điểm thấp liền la mắng con mà không để ý đến cảm xúc của con, giúp con gỡ bỏ khó khăn. Vòng lẩn quẩn này chỉ khiến điểm số của con ngày càng tệ, thậm chí nghĩ đến chuyện giấu diếm cha mẹ nếu chẳng may bị điểm kém.

Người lớn cũng từng là trẻ con, chúng ta oán trách cha mẹ mình nhưng cách dạy con của chúng ta bây giờ cũng không khác gì cha mẹ chúng ta ngày xưa. Các mẹ nghĩ có đúng không?