Dù rất xót xa cho các nạn nhân về sự cố tai nạn hy hữu này, nhưng nói thật là được bảo hiểm bồi thường như phần nào an ủi, động viên những người thân của nạn nhân vượt qua nỗi đau tinh thần và tiếp tục sống.

Đến lúc này, có lẽ mọi người mới nhận ra giá trị và vai trò của bảo hiểm, nên rất nhiều bà con thắc mắc rằng với sự cố này, liệu phi công và 4 hành khách trên máy bay trực thăng được bảo hiểm bồi thường bao nhiêu?

hình ảnh


Ảnh: Chiếc trực thăng đang phục vụ khách du lịch trước khi gặp sự cố. Nguồn: VnExpress. 

Theo bài đăng trên trang VnExpress em đọc được, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đã mua 3 loại bảo hiểm gồm bảo hiểm thân tàu bay, bảo hiểm tai nạn dành cho phi công và bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của Công ty này với hành khách và bên thứ ba. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường không phải do một công ty bảo hiểm thực hiện, mà do liên doanh 3 công ty thực hiện gồm Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC); trong đó PVI được xác định là đơn vị cung cấp bảo hiểm gốc.

Về nguyên tắc, tùy theo giá trị bảo hiểm mà bên mua chọn, bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường tương ứng và trong giới hạn phạm vi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đối với vụ việc này, liên doanh 3 công ty bảo hiểm nói trên sẽ bồi thường như sau:

- Đối với thân tàu bay: Bảo hiểm sẽ chi trả với số tiền lên đến hơn 1,65 triệu USD, tương đương hơn 38,5 tỷ đồng.

- Đối với gia đình của phi công qua đời do tai nạn rơi trực thăng: Bảo hiểm sẽ chi trả 200.000 USD, tương đương gần 5 tỷ. Trước mắt, công ty bảo hiểm đã chi trả 1/4 khoản tiền bồi thường, tương đương hơn 1 tỷ, phần còn lại sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, sẽ chi trả sau. Hãng bảo hiểm này cũng cho biết do bảo hiểm của phi công là bảo hiểm tai nạn nên họ hoàn toàn có cơ sở tạm ứng trước một khoản rồi chi trả nhanh chóng sau đó khi hoàn tất thủ tục, song với loại bảo hiểm mà Công ty Trực thăng này mua cho hành khách lại là loại hình khác nên thủ tục chi trả chậm hơn do cần thêm thời gian đàm phán giữa các bên.

hình ảnh


Ảnh: Các nạn nhân được đưa về quê nhà sau thời trục vớt, tìm kiếm. Nguồn: Báo Công Thương. 

- Đối với gia đình của các nạn nhân xấu số: Vì Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đã mua bảo hiểm trách nhiệm pháp lý với khách hàng và bên thứ ba, nên đơn vị bảo hiểm chỉ là bên gián tiếp bồi thường, chứ không phải trực tiếp. Được biết, giá trị bảo hiểm mà Tổng Công ty này chọn lựa lên đến 30 triệu USD, tương đương hơn 700 tỷ. Dù vậy, điều này không có nghĩa là sẽ chia đều cho số hành khách trên 1 sự cố và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về hàng không.

Căn cứ Nghị định 97/2020/NĐ-CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không thì giới hạn mức bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của hành khách là 128.821 SDR – đơn vị tiền tệ quy ước sử dụng trong thỏa thuận về trách nhiệm vật chất của hãng hàng không với khách hàng, tính đến chiều hôm qua ngày 11/4/2023, mức này tương đương 4 tỷ.

Thêm nữa, do là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý nên cần xác định thêm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hoàn cảnh gia đình, tập quán quốc tế cùng với sự thống nhất giữa hãng bảo hiểm với bên Công ty Trực thăng Việt Nam và người nhà nạn nhân mới xác định số tiền bồi thường cụ thể, bao gồm chi phí tìm kiếm cứu nạn và hồi hương (nếu có).

Một người là dân trong nghề bảo hiểm chia sẻ, thủ tục bồi thường cho phi công trong trường hợp này thường rất nhanh, chỉ cần người nhà điền thông tin theo mẫu là được chi trả ngay. Nhưng với hành khách được mua loại bảo hiểm trách nhiệm pháp lý thì không như vậy, để được chi trả cần thực hiện các thủ tục về việc xác minh và đàm phán giữa các bên nên thời gian thường lâu hơn.

hình ảnh


Ảnh trái: Chiếc máy bay trực thăng trong một lần phục vụ hành khách, trước lần gặp nạn. Nguồn: Phụ nữ Việt Nam. Ảnh phải: Liên tục trong 2 ngày, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được thực hiện. Nguồn: VOV.