Coi nhiều vụ tranh chấp tài sản mà em tức thay luôn đó các chị em, nghĩ sao lúc bỏ đi vợ con như thế nào mà giờ về còn đòi chia của, sĩ diện của ông này không biết để ở đâu nhỉ?

Hôm rồi em đọc bài viết được kể lại trên trang VTC News như thế này, hồi trước lúc còn làm ở viện quốc doanh, ông Liu, 73 tuổi, được tặng một căn hộ để cả gia đình cùng ở. Sau thấy cuộc sống khó khăn quá nên ông với anh trai sang Mỹ vì nghĩ rằng ở đó mới kiếm tiền dễ. Lúc ra đi, ông bỏ lại vợ và đứa con gái 8 tuổi bơ vơ. Từ lúc ấy đến nay, đằng đẵng hơn 30 năm trời, ông không hề liên lạc với vợ con.

hình ảnh


Ảnh: Ông Liu, 73 tuổi (bên trái) trở về Thượng Hải sau hơn 30 năm. Nguồn: Bilibili. 

Nghe kể qua tới Mỹ rồi dù cố gắng nhưng 2 anh em ông vẫn thấy cuộc sống quá khắc nghiệt, đặc biệt là với dân nhập cư bất hợp pháp như 2 anh em ông. Vì không chịu được nên anh trai của ông ráng cố gắng tìm đường về nước, còn ông Liu vẫn cứ sống vô gia cư ở Mỹ suốt hơn 30 năm qua.

Trong một lần tình cờ, ông Liu gặp được người phụ nữ Thượng Hải đi qua chỗ ông sống, rồi ông kể gia cảnh của mình cho người phụ nữ ấy nghe. Thương cảm với hoàn cảnh của ông nên người này mới giới thiệu Hội đồng hương đang sống tại Mỹ để giúp đỡ ông về nước. Gặp họ ông nói rằng mình muốn được chăm sóc vợ con và sẽ cố gắng kiếm tiền. Thế nên, họ đã giúp ông bằng cách sắp xếp chỗ ở và mua thức ăn rồi quyên góp tiền mua vé máy bay cho ông về nước và liên lạc với vợ con ông.

Đến lúc về nước và liên lạc được với vợ con, họ đều từ chối không muốn gặp ông. Họ bảo rằng ông xa nhà nhiều năm, chẳng quan tâm gì đến gia đình, nên cả nhà đã xem ông không còn tồn tại nữa và vì vậy không muốn đoàn tụ với ông.

Lúc này, ông mới yêu cầu vợ con phải chia tài sản cho ông, trong đó có căn nhà ông được chỗ làm cũ cấp khi xưa. Tuy nhiên thực tế là sau khi ông bỏ rơi 2 mẹ con được vài năm thì căn nhà ấy đã bị phá bỏ và đền bù cho vợ con ông một căn nhà lớn hơn, chính là nơi gia đình đang sống. Ông bảo vợ con phải chia lại nửa căn nhà cho ông hoặc đưa tiền cho ông tương ứng với giá trị của nửa căn nhà ấy. Được biết, vì căn nhà ấy ở ngay thành phố Thượng Hải nên có giá khá đắt đỏ, hàng triệu Nhân dân tệ chứ chẳng ít.

Không được vợ con thừa nhận và không được họ chia tài sản, ông Liu tỏ ra tức tối và muốn kiện vợ. Ông dọa nếu bà không chia của thì ông sẽ kiện, trong khi đó, nhiều người chứng kiến vụ việc bảo ông đang tranh giành tài sản thì ông phủ nhận mình chưa bao giờ có ý định như thế, chỉ muốn lấy những thứ thuộc về mình.

Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nổ ra cuộc tranh cãi, nhiều người đọc xong bảo rằng mình tức dùm, sao lại có người đàn ông già tệ hại đến vậy chứ.

Mặt khác có người ý kiến rằng chấp nhận chia nhà vì dù sao đó cũng là tài sản đứng tên ông, nhưng mà phải tính toán lại chi phí nuôi dạy con suốt hơn 30 năm qua, chưa kể các khoản lạm phát, bù lại chắc còn hơn giá trị nửa căn nhà mà ông Liu đòi chia.

Trái lại, vẫn có một số ý kiến bênh vực ông Liu, cho rằng ông đáng thương hơn là đáng trách.

Dù vậy, theo ý kiến của một vị luật sư, đến thời điểm hiện tại họ chưa rõ hôn nhân giữa vợ chồng ông còn hiệu lực không. Nếu còn thì ông không được chia quyền sở hữu căn nhà, còn nếu ông nộp đơn ly hôn thì Tòa có thể sẽ coi hành vi bỏ rơi vợ con của ông hơn 30 năm trước là phạm tội và chắc chắn phần thắng sẽ nghiêng về vợ con ông, họ sẽ được đảm bảo quyền lợi, ít nhất là giành quyền sở hữu toàn bộ căn nhà và thậm chí còn có thể yêu cầu ông bồi thường cho vợ vì đã để bà một thân một mình nuôi con gái suốt hơn 30 năm.

hình ảnh


Ảnh: Ông Liu nói rằng muốn chăm sóc vợ con và sẽ cố gắng cật lực làm việc kiếm tiền. Nguồn: SCMP. 

Tòa xử được như lời luật sư chia sẻ thì quá tốt bởi ít nhất để mọi người cảm thấy được sự công bằng, chứ bỏ vợ con đi biền biệt từng ấy năm trời, chăm lo nuôi dạy và còn gánh vác kinh tế để một mình vợ hết, giờ mọi thứ được gầy dựng ổn định rồi mới trở về đòi chia phân nửa số tài sản làm sao mà được, ở đâu ra sướng vậy?

Luật pháp cũng dựa trên hành vi của con người mà điều chỉnh, làm gì thì làm, phải nghĩ hợp lý hợp tình rồi mới quyết. Đừng chỉ nghĩ quyền lợi cho bản thân không, bởi quyền lợi luôn phải đi đôi với nghĩa vụ.