Dinh dưỡng mẹ đưa vào cơ thể là nguồn dưỡng chất nuôi sống thai nhi. Vậy nên đừng bao giờ xem thường các bữa ăn mỗi ngày khi mang thai.

Trong lúc rất nhiều bà bầu đặc biệt chú trọng đến bữa ăn hàng ngày thì vẫn có những bà bầu khác xem nhẹ việc này vì nhiều lý do khác nhau. Câu chuyện về sản phụ Lingling được Sohu đề cập mới đây là một lời nhắc nhở dành cho những bà mẹ mang thai đang xem nhẹ bữa ăn hàng ngày.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Lingling là người Quảng Đông. Khi theo học ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, cô gặp một người đồng hương. Cả hai dần nảy sinh tình cảm và đi đến kết hôn.

Sau đó, Lingling mang thai nhưng được chẩn đoán thai yếu, có nguy cơ sinh non cao. Bác sĩ khuyên vợ chồng cô nên lựa chọn, ưu tiên dưỡng thai, không đi làm vào lúc này. Vợ ở nhà sợ không có người chăm nom nên chồng Lingling không yên tâm, đành phải gởi về quê ở Chu Khẩu để được mẹ chồng chăm sóc, đợi đến ngày lâm bồn.   

Ở quê, mẹ chồng Lingling thường xuyên làm các món mì nên ăn mãi cũng ngán. Lingling bỗng thấy thèm cơm trắng nên mua ít gạo về, tự nấu ăn.

Trong thời gian này, cô hầu như ngày nào cũng ăn 2 bát cơm trắng đầy và ăn rất ngon miệng. Thỉnh thoảng, cô có đến Trịnh Châu khám thai do phòng khám ở nông thôn còn hạn chế, trình độ bác sĩ có hạn. Tuy nhiên, trong thời gian ở Trịnh Châu bùng phát dịch bệnh, cô không thể đi khám thai theo lịch hẹn. Và rồi chuyện gì đến phải đến.

Ngày lâm bồn, Lingling hốt hoảng khi nghe bác sĩ đọc chỉ số thai, thông báo thai nhi có cân nặng vượt quá mức trung bình, ước tính gần 6kg. Sau đó, khi bác sĩ tiến hành đo đường huyết thì phát hiện đường huyết lúc đói đã lên tới 18,5 mmol/L.

Như các mẹ đều biết, chỉ số đường huyết bình thường lúc đói đối với phụ nữ mang thai chỉ dao động quanh ngưỡng từ 3,1mmol/L - 5,1mmol/L, nhưng mức đo được ở Lingling tính ra cao hơn 13,4mmol/L so với mức đường huyết bình thường. Đây là mức rất cao, cần đề phòng rủi ro.

Nhận thấy tình hình có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khôn lường khi thai to vượt mức, chỉ số đường huyết lúc đói quá cao, các bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp.

Tuy vậy, khi thai nhi ra đời, do người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ nên dẫn đến tình trạng giảm bài tiết surfactant ở phổi em bé, phổi trưởng thành tương đối chậm, xuất hiện hội chứng suy hô hấp sơ sinh. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của bệnh lý tiểu đường thai kỳ ở mẹ, em bé sinh ra bị tình trạng lượng đường trong máu thấp khiến trẻ phản ứng chậm, tinh thần kém.

Nhìn thấy con đứng trước nhiều nguy cơ như vậy, Lingling rất đau lòng. Cô không hiểu tại sao chuyện này lại xảy đến với mình.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Sau khi trao đổi với sản phụ về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, bác sĩ phát hiện ra rằng tình trạng này có thể là do Lingling đã ăn uống không đúng cách. Do cô không hợp với các món ăn nhà chồng nấu nên mỗi ngày chỉ ăn hai bát cơm trắng lớn, không ăn nhiều các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Một chế độ ăn chỉ toàn cơm trắng khiến cơ thể nhận vào lượng carbohydrate tương đối cao và dẫn đến tình trạng đáng tiếc.

Thực tế, mẹ bầu không cần phải kiêng hoàn toàn cơm trắng. Mỗi bữa có thể ăn uống bình thường nhưng không thể chỉ ăn mỗi cơm trắng mà không bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác.

Nếu quá khó khăn trong việc ăn các món khác ngoài cơm, mẹ bầu nên chọn cách ăn cơm trộn. Chẳng hạn:

Cơm trắng trộn các loại hạt

Khi nấu cơm trắng, nên thêm vào các loại hạt dinh dưỡng khác như hạt kê, yến mạch, gạo nếp than, lúa mạch, ngô và các loại ngũ cốc khác. Nhờ nguồn vitamin B, protein dồi dào, các loại ngũ cốc hỗn hợp này có thể giúp mẹ tăng cường các loại dưỡng chất, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa táo bón.

Cơm trắng trộn các loại đậu

hình ảnh

Ảnh minh họa

Các loại đậu giàu sắt, potein, vitamin B như đậu xanh, đậu đỏ, đậu tây, đậu hà lan, đậu tây, đậu gà… đều có thể thêm vào cơm trắng để tăng dinh dưỡng cho bà bầu. Lưu ý, đậu rất lâu chín, cần nhiều thời gian nấu hơn gạo trắng nên phải ngâm khoảng 12 tiếng trước khi trộn vào gạo trắng nấu thành cơm.

Cơm trộn khoai tây, khoai lang

hình ảnh

Ảnh minh họa

Khi nấu cơm, có thể bỏ vào vài củ khoai lang, khoai tây tùy thích để biến món cơm trắng thành món ăn dinh dưỡng hơn cho bà bầu. Cách nấu cơm này không chỉ tăng thêm dưỡng chất cho món cơm mà còn ngăn ngừa được táo bón.  

Cháo thập cẩm gồm các loại hạt

hình ảnh

Ảnh minh họa

Các loại ngũ cốc, các loại hạt và trái cây khô như gạo nếp, kê, ngô, lúa mạch, gạo đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng, đậu phộng, hạt sen, chà là đỏ, nhãn... đều có thể cho vào nấu thành món cháo thập cẩm giàu dinh dưỡng.

Các loại thực phẩm khác nhau cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, chúng có thể giúp bà bầu hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng đồng thời vẫn có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu và cân nặng.

Cơm chiên thập cẩm

Cơm chiên ăn nhiều không tốt do cần một lượng dầu không ít nhưng nếu thỉnh thoảng đổi vị cho bà bầu thì đây vẫn là món ngon miệng, mang lại nguồn dinh dưỡng đa dạng nếu biết cách kết hợp các nguyên liệu. Có thể thêm vào cơm chiên 1-2 quả trứng, ít thịt bằm, cà rốt, ớt chuông, dưa chuột và các loại rau củ khác như bắp cải xanh, đậu cô ve, đậu đũa, măng tây... để có một bữa sáng hoàn hảo cho mẹ bầu hảo cơm.

Đương nhiên khi ăn cơm nhiều, bà bầu phải chú ý cân bằng dinh dưỡng từ nguồn vitamin có trong các loại trái cây... để tránh bị đầy bụng, khó tiêu.