Nhiều nhà ăn cơm xong ngâm chén đĩa từ sáng đến chiều trước khi ăn mới rửa, buổi chiều thì ngâm qua đêm đến sáng hôm sau. Nếu chị em nào có thói quen ngâm chén đĩa trong bồn rửa vì nghĩ như vậy sẽ sạch hơn thì nên bỏ ngay đi nhé!

Theo bài viết mới đây em đọc được trên trang Vietnamnet, cách làm ấy chẳng những không giúp làm sạch mà còn làm gia tăng lượng vi khuẩn tích tụ, bảo sao bây giờ mọi người không nhiều bệnh tật cho được.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Bách Hóa Xanh. 

Thực tế, nếu ngâm chén đĩa trước khi rửa thì đấy không phải là chậu rửa chén mà đó là chậu vi khuẩn đấy chị em ạ. Thời điểm này đang vào mùa hè nắng nóng, chúng ta càng ngâm lâu sẽ càng khó rửa và thậm chí nếu để qua hôm sau sẽ sản sinh thêm mùi khó chịu cùng với ổ vi khuẩn, dù cho có dùng miếng bọt biển cùng chất tẩy rửa mạnh cỡ nào đi chăng nữa.

Do đó, lời khuyên tốt nhất là chị em nên rửa ngay sau khi dùng xong, chứ không nên ngâm lâu trong nước. Đối với những chiếc nồi còn nóng thì cho nước vào để nhanh làm nguội. Còn đối với các loại chảo chống dính, thay vì cho nước lạnh vào ngay thì chị em nên cho từ từ vào bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến lớp phủ bề mặt nhanh giãn nở và co lại, làm hỏng chảo.

Ngoài ra, trong quá trình rửa chén đĩa, chị em nên chú ý thêm 5 điều sau:

1. Pha loãng nước rửa chén cùng với nước ấm để tăng hiệu quả làm sạch

Cứ nghĩ cho nước rửa chén trực tiếp lên miếng bọt biển để cọ rửa là tốt, song thực chất không phải thế, chị em nên pha loãng nước rửa chén cùng với nước ấm vì thành phần chính trong chất tẩy rửa này chứa enzyme phân hủy và nhiệt độ thích hợp nhất để làm việc này là khoảng 38 độ C.

2. Đừng để chung chén đĩa có dầu và không dầu với nhau

Việc làm này sẽ khiến việc rửa chén đĩa thêm mất thời gian và gia tăng thêm lượng vi khuẩn, thay vào đó, chị em nên tách riêng 2 loại ra. Việc này nên làm tương tự với chén đĩa đựng thịt sống và rau củ, trái cây. Khi rửa, chị em nhớ để ý đến khu vực đáy chén dĩa vì đó là nơi dễ đóng cặn bẩn, nếu không được làm sạch sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ cái này đến cái khác.

3. Rửa sạch chén đĩa bằng nước nóng

Chén đĩa sau khi được thoa cùng với hỗn hợp nước rửa chén pha loãng cùng nước ấm xong, giờ đến lúc phải tráng lại bằng nước sạch. Nếu có thể, chị em nên dùng nước nóng vì đây là cách để tránh tồn dư của chất tẩy rửa và dầu mỡ còn sót lại.

4. Chén đĩa sau khi rửa xong nên được để ráo nước và lau khô trước khi dùng

Chén đĩa dù được rửa sạch cách mấy nhưng không được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát thì cũng sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Do đó, chị em hãy chú ý phơi ở nơi khô ráo và lau khô trước khi dùng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến việc vệ sinh bồn rửa sau khi rửa xong vì nếu không làm như vậy sẽ dễ gây lây nhiễm chéo.

5. Phơi nắng là cách tốt nhất để khử trùng chén đĩa sau khi rửa

Máy khử trùng chỉ là giải pháp cấp thời nếu nhà chúng ta không đủ điều kiện để phơi nắng, còn nếu có điều kiện thì chị em nên phơi nắng trực tiếp, tia cực tím có khả năng khử trùng cực kỳ tốt đấy ạ.

Chú ý quá trình rửa chén thôi vẫn chưa đủ, chị em nên để ý miếng bọt biển để rửa hoặc giẻ lau chén nhé.

Vì đây là nơi dễ phát tán vi khuẩn nếu chúng không được làm sạch đúng cách, chị em nên định kỳ thay thế chúng thường xuyên, tốt nhất là mỗi tuần/lần. Đừng ngâm chúng sau khi rửa mà hãy giặt sạch rồi phơi ở nơi khô thoáng hoặc dưới ánh nắng mặt trời càng tốt để loại bỏ vi khuẩn.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Xulydaumo và Freepik. 

Chị em có thể khử trùng miếng bọt biển, dụng cụ rửa chén bằng lò vi sóng, nghĩa là ngâm trong nước và cho vào lò làm nóng trong vòng 3 phút, hoặc dùng nước sôi nấu trong 3 – 4 phút hay đơn giản hơn là dùng 1ml chất khử trùng pha với 250ml nước rồi ngâm trong 2 giờ. Sau khi thực hiện các bước này xong, chị em hãy phơi thật khô trước khi dùng tiếp nhé!

Nếu trước giờ vẫn còn thói quen sai khi rửa chén thì từ nay hãy thay đổi nha chị em, ít nhất là để loại bỏ lượng vi khuẩn và sau là để tránh gây ra các bệnh tật không mong muốn.