Tuổi xế chiều nhiều người chỉ muốn được sum vầy bên gia đình, con cháu, an yên vui hưởng tuổi già, lánh xa những thị phi, tranh giành. Thế nhưng một đôi vợ chồng U60 ở Phú Yên lại rời vào cảnh gãy gánh giữa đường, đến nỗi không thể nhìn mặt nhau vì tranh chấp tài sản.
Người chồng cho rằng ngôi nhà mà gia đình ông đang sinh sống là của cha mẹ để lại, ông muốn ở lại đó để thờ phụng tổ tiên, ông bà, không thể nào giao cho vợ con sau khi ly hôn, vậy nên ông trải bạt phía trước căn nhà để sinh hoạt, quyết giành tài sản cho mình.
Trong khi đó, người vợ cho rằng chồng bà bỏ đi biệt tích 20 năm, không chu cấp nuôi con, một mình bà phải gồng gánh nuôi 4 con và mẹ già, vay mượn để sửa lại căn nhà để gia đình sinh sống yên ổn. Sau khi ly hôn, người chồng muốn giành căn nhà với lý do thờ phụng tổ tiên, nhưng thật ra ông ấy không sống ở đây nên không thực hiện điều đó. Bà muốn lấy tài sản là căn nhà đó cho con trai của mình.
Vụ việc đôi vợ chồng tuổi xế chiều không thể nhìn mặt nhau vì tranh chấp tài sản sau ly hôn khiến mọi người xung quanh không khỏi nghẹn ngào xót xa cho gia đình này. Theo VTC, gần đây, trên các trang xã hội tại Phú Yên xôn xao việc một người đàn ông chia sẻ video "tố" bị vợ con đuổi ra khỏi nhà, dù đó là tài sản do cha mẹ ruột ông này để lại. Người trong đoạn clip là ông Trần Đ. (SN 1963) và sự việc xuất phát từ mâu thuẫn gia đình ông sau khi ly hôn.
Thông tin cụ thể hơn về vụ việc, ông Trần Đ, và bà Nguyễn Thị P. (SN 1967) kết hôn năm 1989 và sinh được 4 người con chung. Sau khi kết hôn, vợ chồng ông Đ, bà P. sống tại căn nhà và đất rộng hơn 400m2 tại thửa 535 của cha mẹ ruột ông Đ. để lại.
Người chồng muốn được ở trong căn nhà bố mẹ để lại - Ảnh: VTC
Cha mẹ ông Đ. có 2 người con là ông Đ. và bà Đặng Thị X. (đã qua đời). Bà X. có 3 người con và đều là người cùng thừa kế nhà và đất thửa 535. Cha mẹ ông Đ. đã không còn, không để lại di chúc.
Trong quá trình chung sống, vợ chồng ông Đ., bà P. đã dỡ bỏ nhà cũ, xây dựng nhà mới và sửa chữa lại toàn bộ nhà phụ.
Vào tháng 6/2020, vợ chồng ông Đ., bà P. ly hôn, không yêu cầu giải quyết về tài sản chung và nợ chung. Đến tháng 5/2021, bà P. khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng và nợ chung. Bà P. cũng yêu cầu được nhận diện tích nhà đang ở tại thửa 535 và diện tích đất 41,6m2 đang thuê của UBND xã. Bà còn yêu cầu chia 4 thửa đất lúa và yêu cầu ông Đ. cùng trả số nợ chung tổng cộng 213 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Đ. cho rằng căn nhà và đất tại thửa 535 là do ông bà tổ tiên của ông để lại nên không đồng ý chia thừa kế, ông Đ. xin nhận nhà đất để thờ cúng và sẽ trả giá trị nhà cho bà P. Ông xin nhận 41,6m2 đất đang thuê và đề nghị chia 4 thửa đất lúa theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đ., nợ chung của vợ chồng là 1 chỉ vàng, số nợ còn lại ông không đồng ý vì vợ chồng ông sống xa nhau trên 20 năm nên ông không biết số tiền đó được mượn và sử dụng như thế nào.
Ngày 31/5/2021, Tòa án nhân dân huyện Tây Hòa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “chia tài sản sau ly hôn và chia tài sản thừa kế” giữa ông Đ. và bà P. Toà án đưa ra phán quyết chia cho ông Đ. nhà và đất tại thửa 535 để ông thờ cúng tổ tiên nhưng phải trả cho bà P. số tiền hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông Đ. còn trả phần nợ chung 213 triệu đồng và trả tiền chia đất đai cho những người có liên quan gồm các con bà X. Để lấy căn nhà, ông Đ. phải trả hơn 700 triệu đồng. Còn bà P. được nhận ngôi nhà trên diện tích 41,6m2 đất thuê của UBND xã Hòa Bình 1.
Không đồng ý với phán quyết này, ông Đ. cho rằng vợ chồng ông chỉ nợ 1 chỉ vàng, còn những khoản nợ khác ông không mượn nên không biết và không đồng ý trả.
Trong khi đó bà P. làm đơn kháng cáo xin được nhận hiện vật là đất và nhà tại thửa 535 bởi bà P. cho rằng ông Đ. không sống tại địa phương, ông không ở nhà nên không đảm bảo việc thờ cúng tổ tiên, trong khi bà và các con thì không có chỗ ở, phải đi thuê nhà.
Ngày 21/10/2021, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án. Tòa án nhận định bà P. một mình nuôi 4 người con ăn học nên người, đang ở với con trai và từ lâu đã thờ cúng ông bà tại đất và nhà tại thửa 535 nên yêu cầu của bà P. là có cơ sở. Vậy nên, tòa án giao cho bà P. được sử dụng đất và nhà tại thửa 535 nhưng bà P. phải trả cho ông Đ. số tiền gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, bà P. phải trả các khoản nợ chung và trả tiền chia đất đai cho những người có liên quan.
Không đồng ý với bản án phúc thẩm. Ông Đ. tiếp tục có đơn kháng nghị giám đốc thẩm nhưng được tòa án nhân dân cấp cao trả lời không có căn cứ.
Ngày 9/3, có quyết định thi hành án, buộc ông Đ. phải ra khỏi đất và nhà tại thửa 535 để trả lại nhà cho bà P. và các con theo phán quyết của tòa án.
Trước tình hình này, ông Đ. cho rằng ông bị vợ và các con đuổi ra khỏi nhà. Theo lý lẽ của ông, căn nhà này do ba mẹ ruột của ông để lại nhưng gần cuối đời ông lại không được ở, không được thờ phụng tổ tiên ông bà mà lại giao cho người khác. Để thể hiện sự ấm ức của mình, ông Đ. lấy bạt che trước cửa nhà, rồi nằm dưới đất sinh hoạt ngủ nghỉ.
“Có qua đời tôi cũng không đi, nhà cửa của cha mẹ tôi, rồi giờ tôi còn nhà cửa đâu mà đi. Tôi bị vợ con ‘chiếm nhà, đuổi ra đường", ông Đ. chia sẻ.
Bỗng dưng bị mang tiếng là người vợ đuổi chồng cũ ra khỏi nhà, bà Nguyễn Thị P. cảm thấy vô cùng bối rối trước những chỉ trích của mọi người dành cho mình.
'Người ta không hiểu sự tình cứ nói những điều không tốt về tôi. Phải ở trong hoàn cảnh của tôi mới biết được tôi đã phải chịu đựng như thế nào’, bà P. cho biết.
Người vợ cảm thấy rối bời vì những bàn tán của mọi người - Ảnh: VTC
Bà P. vốn là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu. Trong quá trình chung sống, bà P. và ông Đ. sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai), hiện 3 người con gái đã có gia đình và ở riêng. Theo chia sẻ của bà P., năm 2000, ông Đ. bỏ nhà đi làm ăn xa, không liên lạc, không chu cấp tiền nuôi con cái và mẹ già. Bà P. một mình làm việc nuôi cả gia đình, lo các con ăn học đến nơi đến chốn. Vì căn nhà cũ kĩ, bà phải mượn tiền để sửa chữa nhằm có chỗ che mưa che nắng cho gia đình.
Chia sẻ về bất hòa xảy ra giữa vợ chồng, bà P. cho biết: “Vào tháng 5/2020, địa phương mời các chủ hộ lên nhận tiền đền bù trúng ruộng. Do ông Đ. không có ở địa phương nên tôi lên làm giấy tờ và lấy tên tôi. Ông Đ. về biết được việc tôi đứng tên lãnh tiền đất ruộng nên vợ chồng gây mâu thuẫn với nhau”.
Không giải quyết được những mâu thuẫn xảy ra, vào tháng 6/2020, bà P. viết đơn ly hôn không tranh chấp tài sản vì cả 2 thỏa thuận rằng sẽ để toàn bộ tài sản lại cho con trai. Sau khi ly hôn, ông Đ. và bà P. xảy ra mâu thuẫn tranh chấp tài sản nên vào tháng 5/2021, bà P. làm đơn lên tòa để chia tài sản và nợ chung sau ly hôn.
“Hiện tôi đang ở nhà con gái và cũng không dám về đó (ngôi nhà chia cho bà) ở vì hàng xóm xung quanh là họ hàng của ông Đ. rất nhiều. Bản thân tôi và con trai cũng ở nhà thuê từ khi ly hôn. Tôi cũng chỉ muốn giành tài sản cho con trai tôi. 20 năm qua, ông Đ. sống ở đâu thì hãy về nơi đó sống. Hãy để mọi chuyện kết thúc tại đây”, bà P. cho biết.
Có lẽ cả ông và bà đều không muốn bản thân rơi vào tình cảnh này để rồi gia đình mỗi người mỗi ngã, tranh chấp tài sản dẫn đến không còn tình nghĩa nào để có thể nhìn mặt nhau. Một gia đình đang sum vầy đủ đầy bên nhau giờ đều phải tìm chỗ ở khi ngôi nhà trở thành vật tranh chấp. Thiết nghĩ vợ chồng dù có mặn nồng bên nhau thì cũng nên có những ý kiến rõ ràng để khi chia tay thì giải quyết mọi thứ theo hướng phù hợp, không tác động tiêu cực đến nhau cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của các con.