Trong hầu hết các gia đình, chồng luôn là trụ cột chính làm ra tiền rồi mang về đưa cho vợ giữ và quản lý chi tiêu sinh hoạt. Nhiều người cứ tưởng được cầm tiền là sung sướng lắm, chứ đâu biết rằng họ cũng khổ sở và vất vả thế nào đâu, cũng phải cân đong đo đếm sao cho đủ, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn và vật giá leo thang. Vậy nhưng không phải anh chồng nào cũng hiểu.
Mâu thuẫn và lục đục giữa 2 vợ chồng thường xuất phát từ các vấn đề liên quan đến tài chính. Dù vô tình hay cố ý nhưng những câu hỏi của các anh chồng kiểu như ‘sao em xài gì mà nhanh hết thế’ hoặc ‘sao tháng này xài nhiều tiền thế’ cũng đủ khiến các chị vợ buồn lòng mà không muốn tiếp tục nhiệm vụ này.
Mới đây, trên báo Tuổi trẻ vừa chia sẻ câu chuyện anh chồng hỏi vợ kiểu như trách móc ‘xài gì mà hết 8 triệu/tháng?’. Chị vợ nghe hỏi nên mới đưa bằng chứng về hóa đơn điện, chưa dừng lại ở đó anh chồng hỏi tiếp ‘sao tiền điện nhiều dữ vậy vợ’ hoặc ‘đứa em uống sữa nhiều phết nhỉ’…
Bức xúc với những câu hỏi kiểu trách móc của chồng, chị vợ tung loạt bằng chứng hình ảnh các món đã chi kèm với số tiền cụ thể được liệt kê một cách chi tiết và tỉ mỉ. Xem xong anh chồng phải choáng mà thốt lên, sao cái gì cũng tốn kém hết vậy?!
Dù làm ra tiền nhưng có vẻ như anh không cập nhật giá cả các khoản từ tiền điện nước đến học phí, hay sữa tã, bình gas… nên mới có thái độ như vậy. Sau khi xem loạt bằng chứng vợ gửi xong, anh chồng mới ‘quay xe’ xin lỗi nóc nhà vì đã làm chị buồn lòng. Anh hứa từ đây về sau sẽ không hỏi vợ những câu như thế này nữa, đồng thời anh chuyển khoản ngay cho vợ 20 triệu để chi tiêu.
Đọc xong câu chuyện này, tuy giận lắm vì chồng không hiểu nhưng đến khi biết ra, anh ta đã có hành động hối lỗi nên nhiều chị em thích mê, thậm chí có người còn mong sai vậy hoài cũng được với hàm ý, cứ mỗi lần sai mà chuyển khoản tiền cỡ vậy cũng được nè. Mặt khác có chị còn bảo rằng 'đúng là chồng người ta không bao giờ làm mình thất vọng'.
Đồng cảm với chị vợ nhà này, các chị em đều than rằng mình chẳng hề cảm thấy vui sướng gì khi cầm tiền của chồng với vai trò chi tiêu tất tần tật mọi thứ trong nhà bởi phải đau đầu tính toán, xem nên mua cái này hay không nên mua cái kia, làm sao cho đủ với khoản chồng đưa, đó chẳng phải là điều dễ dàng. Gặp chị em nào tự chủ tài chính mình vẫn đỡ phải suy nghĩ nhiều chuyện này, nhưng với chị em ở nhà nội trợ, sống chủ yếu nhờ đồng lương của chồng, trông nhàn thật nhưng áp lực vô cùng.
Không phải chồng nào cũng thấu hiểu cho nỗi khổ của các chị em và hối lỗi khi nhận ra như anh chồng trong câu chuyện vừa kể trên đâu. Hôn nhân đổ vỡ cũng từ mấy cái chuyện vụn vặt như thế này thôi đấy ạ. Vậy nên, các chị em bày nhau kế sách rằng nếu chồng cứ liên tục hỏi kiểu tra khảo như thế thì mình đừng tỏ vẻ tức giận hay buồn lòng làm gì, cứ vui vẻ bảo rằng mình sẽ nhường lại nhiệm vụ ấy cho anh ta, để xem anh ta chi tiêu ra sao.
Ngoài ra, bất kể chồng mình tin tưởng giao phó quản lý chi tiêu thế nào, chị em nên thủ sẵn các loại ứng dụng trên điện thoại thông minh để ghi chép lại các khoản chi tiêu trong ngày, vừa tiện lợi lại vừa giúp kiểm soát và quản lý chi tiêu của mình, nhờ đó dễ dàng lên kế hoạch để dành tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân và gia đình, chẳng hạn như đi du lịch, mua nhà hoặc cho con du học…
Đối với nhiều người có vẻ như ra ngoài đi làm kiếm tiền thì cực khổ lắm, còn ở nhà lo cơm nước học hành cho con cái là sung sướng. Chính quan điểm và suy nghĩ ấy mới làm khổ các chị em phụ nữ nội trợ. Cho nên nếu chồng của chị em là người như thế, thì hãy cứ sắp xếp cho anh ta vài ngày vào vị trí của mình để xem anh ta sẽ làm gì. Bảo đảm chỉ 1 – 2 ngày là chạy mất dép chứ đừng nói là một tuần hay một tháng.
Tuy không phải là người làm ra tiền, nhưng chính các chị em phụ nữ nội trợ đảm đang mới là hậu phương vững chắc, lo lắng cho gia đình và con cái để các anh chồng yên tâm ra ngoài đi làm kiếm tiền, nên họ cũng có vai trò quan trọng ngang bằng trong gia đình, chứ không thể nói ai hơn ai. Vì thế mà ông bà mình mới có câu ‘đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’ là vậy.