"Tôi tiết kiệm cho tương lai 2 đứa, còn em lại dành dụm mua nhà cho bố mẹ ruột. Tôi thấy bị tổn thương, không biết suy nghĩ của mình có hẹp hòi quá không", chàng trai trải lòng.
Yêu nhau thường là chuyện của hai người. Tuy nhiên, một khi đã kết hôn, sống chung một nhà, ngủ chung một giường, gọi phụ huynh của đối phương bằng "bố, mẹ"... thì đó không còn là chuyện của hai người nữa, mà liên quan đến bậc sinh thành, anh em họ hàng của nhau.
Thế nên làm sao để đời sống hôn nhân hạnh phúc, đồng thời dung hòa được tình cảm, mối quan hệ với những thành viên khác trong gia đình, dòng họ của đối phương là điều mà bất cứ chàng trai, cô gái nào khi kết hôn cũng mong muốn nắm bắt.
Tôi hay nghe nhiều người nói rằng nếu đã thương ai, quyết định lấy ai thì buộc phải thương luôn bố mẹ của người đó, thậm chí phải hi sinh, gánh vác thật nhiều vì gia đình họ. Không biết mọi người thì sao, cá nhân tôi thì nghĩ quan điểm này có mặt tốt và cả mặt xấu.
Mặt tốt là đề cao lòng hiếu đạo với đấng sinh thành, sự quấn quýt đồng cam cộng khổ của vợ chồng. Mặt xấu là đôi khi sẽ khiến tình yêu hôn nhân mang gánh nặng. Bởi không phải nhà chồng/nhà vợ nào cũng hiểu chuyện, cũng đối xử tốt đẹp đối với dâu/rể. Thế nên còn tùy hoàn cảnh mà cân nhắc, phán xét.
Mới đây, đọc trên VNE, tôi có thấy tâm sự của một chàng trai cũng có liên quan đến vấn đề hôn nhân, báo hiếu. Khá nhiều người tranh cãi trái chiều, ai cũng có cái lý của riêng mình. Tôi muốn chia sẻ lại đây để mọi người cùng suy ngẫm. Để ai đang hoặc sau này nếu lỡ ở trong hoàn cảnh tương tự thì sẽ có được câu trả lời hợp lý nhất cho riêng mình. Cụ thể, anh tâm sự:
"Tôi là người miền Trung, em quê miền Tây, dự định cuối năm nay cưới. Gần đây, em đề cập đến việc muốn mua nhà cho bố mẹ đẻ.
Tôi làm nhân viên văn phòng ở Sài Gòn, lương đủ sống, "vợ chồng" ở trọ. Gia đình tôi bình thường, làm nông, họ hàng nội ngoại đông, sau cưới được cho một phần đất của cha mẹ ở quê. Gia đình vợ ít họ hàng, thuê trọ, làm công nhân ở Bình Dương. Chúng tôi xác định cưới xong không nhờ cậy gì bên vợ, tuy nhiên tôi ổn với việc đó. Điều tôi phiền lòng duy nhất là vợ nói muốn mua nhà cho bố mẹ đẻ. Tôi biết cô ấy là người con hiếu thảo, tuy nhiên mua một ngôi nhà thực sự không đơn giản, trong khi chúng tôi đang ở trọ.
Nếu nhà tôi có điều kiện thì đó không là vấn đề. Hàng tháng, ngoài chi trả tiền nhà trọ và điện nước, tôi tiết kiệm một chút cho tương lai hai đứa, trong khi em lại để dành tiền mua nhà cho bố mẹ. Cứ nghĩ chúng tôi không được hai bên gia đình vun vén để có một đám cưới viên mãn đã đành, giờ lại phải mua nhà cho bố mẹ vợ, điều này khiến tôi thấy bị tổn thương. Tôi không biết suy nghĩ của mình như vậy có hẹp hòi quá không?...".
(Ảnh minh họa: China Daily, South China Morning Post)
Phía dưới bài tâm sự, tôi thấy nhiều người trách chàng trai suy nghĩ chưa đúng đắn. Họ cho rằng vợ sắp cưới của anh chàng mua nhà bằng tiền cô ấy đi làm tích góp lúc chưa kết hôn. Đó là tiền cô ấy tự kiếm được, không hề hỏi vay mượn gì anh, nên cô có quyền quyết định tiêu xài hay mua nhà cho ai tùy thích. Họ khuyên anh cứ để cô gái báo hiếu cha mẹ, đó là người con hiếu thảo, không nên tỏ ra khó chịu. Khi nào trở thành vợ chồng chính thức thì lúc đó hãy cùng vun vén tài chính gia đình cho hài hòa.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với nỗi phiền lòng của chàng trai. Họ tò mò không biết cô gái kia đi làm bao lâu rồi, chắc là thu nhập khá lắm nên mới nghĩ đến chuyện mua nhà cho cha mẹ trước khi đi lấy chồng. Nếu cô ấy đủ tiền mua nhà còn đỡ, chứ đi vay nợ mua nhà rồi sau này cưới xong cô vừa đi làm vừa trả nợ sẽ không thể lo cho gia đình riêng được nữa. Họ khuyên chàng trai không nên cưới vì nếu lấy nhau về rất dễ xảy ra xung đột.
Đồng ý rằng cô gái rất hiếu thảo khi có tiền không sắm sửa cho mình mà chăm chăm lo cho đấng sinh thành trước. Tuy nhiên, đó cũng sẽ trở thành điểm yếu nếu kết hôn rồi mà cô gái vẫn không chịu vun vén cho tổ ấm mới, suốt ngày mải mê lo riêng cho phía ngoại.
Mặt khác, ai dám chắc được rằng, cô gái mua nhà cho bố mẹ vì hiếu thảo hay vì có toan tính riêng tư khác? Đã xác định cưới nhau mà một bên cực khổ tích góp cho tổ ấm sắp tới, trả tiền thuê nhà, tiền điện nước cho hai đứa; còn bên kia dành dụm lo riêng cho bố mẹ đẻ của họ, liệu có công bằng hay không? Báo hiếu là tốt nhưng phải trong khả năng của mình chứ không phải bắt vợ hay chồng mình báo hiếu giùm mình được.
Thế nên theo quan điểm cá nhân của tôi, chàng trai trong câu chuyện trên không hề hẹp hòi hay ích kỷ gì cả. Anh chàng rất bình thường như bao người bình thường khác và cô gái cũng vậy thôi. Chỉ là thời điểm kết hôn của hai người chưa phù hợp. Tôi nghĩ anh cứ để bạn gái mua nhà cho bố mẹ xong xuôi rồi hãy cưới. Tầm 3-5 năm sau cũng chưa muộn màng đâu. Khi nào chưa có ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình thì chưa nên lập gia đình!
Trong những năm tháng đợi này, hai người nên thảo luận rõ ràng về tài chính. Sống chung thì nên sòng phẳng cùng "góp gạo". Tiền cô để dành thì cô mua nhà cho bố mẹ cô tùy ý. Tiền anh để dành thì anh giữ riêng, có thể đầu tư làm ăn hoặc mua đất mua nhà đứng tên anh. Vài năm sau cưới thì cả hai đều vững vàng kinh tế như vậy sẽ rất tốt. Sau này lỡ có rủi ro thì nó vẫn là tài sản của một mình anh (vì là tài sản trước hôn nhân, do mình anh tạo lập, đứng tên anh).
Có thể có người sẽ cho rằng phương án này hơi thực dụng. Tuy nhiên, đây lại là xu hướng của các cặp vợ chồng trẻ bây giờ. Đồng ý là đã yêu nhau thì không nên toan tính, lo luôn tiền phòng, điện nước cho bạn gái là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu người trong cuộc đã nhận ra những dấu hiệu bất ổn, dễ xung đột về sau thì chọn rõ ràng ngay từ đầu chẳng phải tốt hơn hay sao? Nó cũng giúp đôi bên có ý thức và trách nhiệm vun vén cho tổ ấm chung bền vững hơn, thay vì chỉ đến từ một phía.