Một đại gia ở Bình Dương đã “chịu chơi” khi chi 300 cây vàng và chịu khó săn lùng nhiều nơi để mua những căn nhà cũ nát, lọc lấy cấu kiện để dựng lại ngôi nhà giống như tuổi thơ.
Đó là câu chuyện đặc biệt mà mình đọc được trên VNE gần đây về trường hợp của ông Hồ Minh Tâm (59 tuổi, ở TP. Thủ Dầu Một). Trước đây, ông là một nhà buôn tranh sơn mài có tiếng.
Sau nhiều năm bôn ba, đến khi đã phần nào dư dả hơn, người đàn ông này đã bắt đầu công việc phục dựng căn nhà cổ 5 gian đậm chất Nam bộ. Thay vì xây biệt thự rộng lớn, ông Tâm lại muốn tìm về ký ức tuổi thơ nơi có ba má, anh chị em rất đỗi hạnh phúc.
"Tôi nhớ mùi khói rơm, màu gạch tàu, mái ngói đỏ của ngôi nhà cũ, nơi có ba má, anh chị em cùng lớn lên, từng nằm chung trên chiếc ván để ngủ, ôm nhau mỗi khi mưa dột ướt lạnh", ông Tâm chia sẻ trên VNE.
(Ảnh: VNE)
Năm 1993, ông quyết định bán 1.000m2 đất mà trước đó được bố mẹ chia cho để làm kinh phí mua những căn nhà gỗ kiểu miền Nam đã xuống cấp, hư hỏng. Ông đã đi khắp vùng, mua khoảng 40 căn nhà như vậy và lọc lấy từng bộ phận, cấu kiện còn có thể sử dụng được. Đôi khi mua xong nhưng chẳng sử dụng được gì vì nhà đã hư hỏng hết.
"Mua những căn nhà nát đó tôi tốn khoảng 40 cây vàng, bị vợ la quá trời", ông Tâm cho biết.
(Ảnh: VNE)
Ròng rã suốt 2 năm, ông mới sưu tầm đủ vật liệu và thuê 10 thợ mộc có tay nghề trong vùng để dựng lại căn nhà theo yêu cầu “đúng kiến trúc nhà cổ”. Thông tin từ VNE cho biết, tiền công mà ông Tâm đã chi trả cho nhóm thợ này là hơn 1 triệu đồng/ngày. Riêng công thợ chạm khắc 32 cây cột, đòn tay là tốn 5 chỉ vàng cho mỗi cây.
Căn nhà được hoàn thành rộng 1.000 m2, làm theo lối chữ Đinh (giống chữ T) và được làm toàn bộ bằng gỗ quý như gõ mật, căm xe và bình linh. Sau là bếp, trước là gian thờ đặt cạnh bộ trường kỷ gỗ cùng nhiều đồ trang trí đậm chất Nam bộ xưa như liễn, hoành phi, câu đối từ gỗ tứ quý, khảm xà cừ có tuổi đời trên 100 năm.
(Ảnh: VNE)
Dù đã dốc hết tâm sức cũng như không ngại chi nhiều tiền để lùng sục lại đồ cũ, ông Tâm vẫn không thể tìm được vật liệu nguyên bản là gạch lát nền. Những căn nhà cũ mà ông mua đều hỏng phần này.
Trong nhà, ông Tâm cho bài trí nhiều đồ dùng của thời xưa như quạt cổ, nồi đồng, cối đá, xe máy cổ… Đặc biệt là bộ ván gỗ gợi nhắc đến tuổi thơ khi chục anh chị em của ông Tâm cùng ngủ chung lúc nhỏ.
(Ảnh: VNE)
Để dựng được căn nhà như đúng mong muốn, ông Tâm cho biết đã chi gần 300 cây vàng. Nếu tính ra, khoản tiền này có thể xây được 2-3 căn nhà gạch mới nhưng đổi lại, ông được tìm về tuổi thơ, được đắm chìm vào những điều yên ả, đầy kỷ niệm cùng bố mẹ, anh chị em lúc nhỏ. Có lẽ, đây chính là điều vô giá mà không có tiền bạc nào đối được.
"Tôi nhớ ngày đầu tiên bước vào ngôi nhà vừa hoàn thành, mắt đỏ hoe, bùi ngùi xúc động. Tôi cảm giác như ba má, anh chị vẫn đang sống trong nhà", ông Tâm trải lòng trên VNE.
Mình nghĩ, sau bao năm lăn lộn, bươn chải với đời để mưu sinh, lúc ở tuổi xế chiều thì ký ức tuổi thơ là một phần dịu dàng, ôm ấp và nâng đỡ tinh thần con người. Đôi khi kiếm được nhiều tiền nhưng lại cứ thấy thiếu thiếu, thèm lại cảm giác quây quần bên bố mẹ, anh chị em trong gian nhà nhỏ của tuổi thơ.
Ngoài việc để thỏa mãn sở thích của cá nhân, người đàn ông ở Bình Dương còn hy vọng căn nhà cổ này sẽ là nơi giúp các thế hệ con cháu “kết nối”, hiểu được bố mẹ, ông bà đã từng sống như thế nào. "Tôi muốn những thế hệ trẻ hiểu được cha ông từng sống thế nào, qua đó truyền lại tình yêu với những giá trị truyền thống, phong tục, lễ nghĩa của dân tộc", ông Tâm chia sẻ trên VNE.