Cuộc đời có những chuyện xảy ra mà trong mơ mình cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới, thế rồi nếu có thật thì mọi người nghĩ mình sẽ giải quyết như thế nào đây? Dựa theo luật pháp thì dễ lắm, nhưng nói về tình nghĩa sống với nhau ngần ấy năm trời để bước đi tiếp chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Điển hình như câu chuyện của anh L. ở Hà Nội em sắp kể ra đây theo bài đăng trên trang Dân Trí em đọc được. Lấy vợ được 10 năm đến nay có 2 mặt con, anh L. tuyệt đối tin tưởng vợ dù cho mẹ ruột có ý kiến thế nào. Còn người mẹ, không hiểu vì lý do nào đó, không kể rõ với con trai, cứ nằng nặc bảo anh L. đi xét nghiệm ADN cho 2 đứa con vì nghi ngờ chúng không có quan hệ ruột thịt với mình. Nói hoài nói mãi rồi kể người này người kia nói ra nói vào khiến anh L. nhức cả đầu, nên mới dẫn 2 con đi xét nghiệm ADN chỉ với mục đích cho mẹ vừa lòng và làm sáng tỏ mọi thứ.
Theo lời của chị Y. là nhân viên của phòng lấy mẫu xét nghiệm ADN kể lại chứng kiến nhiều hoài nghi của người trong cuộc về tình yêu và hôn nhân gia đình, chị không lấy làm lạ khi cha mẹ con dẫn nhau tới chỗ chị làm xét nghiệm. Tuy nhiên, trường hợp của anh L. khiến chị cảm thấy hơi khác biệt, hôm đó anh cùng với mẹ ruột và 2 con đến phòng xét nghiệm, khác với những gì chị nghĩ, anh L. đối xử với 2 đứa con cực kỳ nhẹ nhàng và ân cần, chu đáo. Bởi đàn ông nếu nghi ngờ thường khó giấu được cảm xúc, họ thể hiện ra bên ngoài luôn chứ không như anh.
Hôm đó, dù đi cùng mẹ ruột nhưng đến khi vào xét nghiệm, người mẹ đứng ở ngoài còn 3 cha con anh vào phòng thực hiện lấy mẫu. Trước khi vào anh dõng dạc nói với mẹ rằng chẳng qua do mẹ nghi ngờ anh mới đi xét nghiệm, chứ anh luôn tin vợ chung thủy với mình, không tư tình với ai khác và từ giờ làm xét nghiệm xong, mong là mẹ đừng nghi ngờ vợ anh nữa. Còn người mẹ vẫn quả quyết rằng có kết quả rồi hãy tính tiếp.
3 hôm sau đến Trung tâm lấy kết quả một mình, anh L. vẫn tự tin nói với chị Y. nhân viên lấy mẫu rằng biết trước rồi nhưng vẫn cứ xét nghiệm cho mẹ vừa lòng. Do thấy kết quả không như những gì anh L. nghĩ nên chị Y. mới dặn anh phải bình tĩnh lắng nghe chị thông báo kết quả rằng 2 đứa con thật sự không phải là con của anh. Vừa nghe xong, anh bật khóc ngay tại chỗ do quá sốc và may mắn là hôm ấy chỉ đi một mình, chứ nếu có mẹ đứng đó, anh không biết mình sẽ ‘quê độ’ cỡ nào.
Anh L. tâm sự mình vẫn chưa tin vào kết quả và tự an ủi rằng đó là nhầm lẫn, nhưng chị Y. chắc nịch kết quả là đúng. Chị giải thích thêm nếu các mẫu ADN khớp với nhau tới 99,9999% thì cha con có quan hệ huyết thống, còn ngược lại không khớp nhau, từ 2 gen trở lên, khả năng anh là cha của 2 đứa trẻ là 0%. Đến lúc này anh mới chấp nhận sự thật đau lòng, thì ra mẹ anh nói đúng, anh đã bị vợ gạt suốt 10 năm qua, vậy mà anh vẫn một lòng một dạ tin tưởng vợ mình.
Không riêng gì trường hợp của anh L., chị Y. kể nhiều năm làm trong nghề chị từng chứng kiến nhiều anh thương yêu vợ hết lòng vậy mà vẫn bị phản bội, đằng sau kết quả ADN là những nỗi đau đầy nước mắt, nghẹn đắng lòng không biết phải đối diện ra sao?
Nhiều người đọc xong câu chuyện mới hỏi rằng rồi anh L. sẽ giải quyết sao đây? Nên ly hôn hay tiếp tục chung sống? Nói thật nếu chung sống và âm thầm chấp nhận sự dối gạt này của vợ thì khó lắm, không ai làm được đâu. Nhưng nếu ly hôn thì để một mình vợ nuôi 2 đứa con cũng tội, cần phải xác định người cha thật của đứa trẻ là ai để cùng gánh vác trách nhiệm.
Anh L. hoàn toàn có thể đơn phương yêu cầu ly hôn hoặc thỏa thuận với vợ về việc ly hôn. Sau các phiên hòa giải đến lúc phải ra Tòa, ngoài việc phân chia tài sản xong xuôi, anh L. có quyền trưng kết quả xét nghiệm ADN để chứng minh mối quan hệ mình không phải là cha của 2 đứa trẻ để từ đó xác định mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ cho chúng. Được biết, nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn được xem là nghĩa vụ khá quan trọng đối với các bên sau khi chia tay, đường ai nấy đi. Bởi nó ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ thành người. Việc không chấp hành đúng nghĩa vụ này theo quyết định của Tòa, tùy mức độ mà có thể bị phạt hành chính (phạt tiền) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt cảnh cáo hoặc bóc lịch...), đồng thời buộc thực hiện đúng nghĩa vụ theo luật định.
Bởi thế mới nói, áp dụng luật để giải quyết dễ dàng lắm, nhưng nếu kết hợp vừa lý vừa tình thì không được như vậy, đòi hỏi đôi bên phải khôn khéo để tránh tối đa việc làm tổn thương nhau.