Thông thường, nhà em nhận giấy báo thanh toán tiền điện vào khoảng ngày 16. Tháng rồi, thấy thông báo dời ngày ghi điện đến cuối tháng. Không ngờ, đến hôm nhận hóa đơn thì tá hỏa vì tiền điện tăng vọt. Em chưa kịp thắc mắc với tổng đài thì hôm rồi đọc báo Thanh Niên mới biết rất nhiều người gặp tình huống như mình.
Chẳng hạn như ông T., ngụ ở quận 7 chia sẻ nhận thông báo tiền điện tháng 3/2023 lên đến 1.446 kWh, tức là phải trả gần 4,162 triệu, ông khá bất ngờ vì chưa lúc nào nhà mình phải trả tiền điện nhiều như vậy. So với cùng kỳ năm ngoái, ông trả cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 2,5 triệu mà thôi.
Hoài nghi về cách tính tiền điện, ông T. mới gọi điện cho tổng đài của Công ty Điện lực (EVNHCMC) thắc mắc thì được biết rằng không riêng gì ông T. mà một số hộ dân ở quận 7, TP.HCM cũng vậy và lý giải nguyên nhân tiền điện tăng là vì bên điện lực điều chỉnh ngày ghi điện đối với một số điện kế có chức năng đọc chỉ số từ xa về ngày cuối tháng. Nghĩa là họ đã tính gộp, tổng thời gian sử dụng tính tiền điện lên đến 47 ngày.
Tương tự, bà A. ngụ ở quận 4 kể rằng hóa đơn tiền điện tháng 3/2023 của nhà mình cũng tăng hơn 2 triệu. Hoặc ông C. ở quận Tân Phú cũng chia sẻ rằng hóa đơn tiền điện tháng rồi tăng lên gần cả triệu bạc. Tất cả thắc mắc đều được giải đáp chung lý do như trường hợp của ông T. nói trên. Cá biệt có nơi còn kéo dài thời hạn tính tiền điện lên đến 53 ngày, tức gần 2 tháng, thay vì 30 ngày như trước?!
Khi được hỏi thêm vì sao lại gộp nhiều như thế, EVNHCMC chia sẻ rằng họ làm như vậy để giúp khách hàng dễ nhớ ngày ghi chỉ số cũng như thanh toán tiền điện và điều này còn giúp phía công ty thuận tiện hơn trong việc quản lý sổ sách kế toán.
Dù vậy, theo nhiều bà con, cách tính tiền điện này không có lợi cho khách hàng, do tiền điện tính theo biểu lũy tiến nên dùng càng nhiều tiền điện sẽ càng tăng cao. Ví dụ như trường hợp của ông T. nếu tính 30 ngày thì chỉ phải trả hơn 2,3 triệu, còn nếu tính gộp 47 ngày thì phải trả tới 4,162 triệu. So sánh chênh lệch thôi cũng đủ thấy chúng quá lớn. Tất cả đều phải tính thêm bậc 6 do phát sinh từ việc cộng thêm ngày.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ thông báo tiền điện, sẽ thấy mỗi bậc đã được tính theo tỷ lệ tương ứng với số ngày cộng thêm, chứ không như trước.
Đơn cử như hộ nhà ông T. có số kWh tính tại bậc 1 và 2 là 86kWh, thay vì 50 kWh như cách tính thông thường hoặc hộ nhà bà A. là 95kWh cho cả 2 bậc này. Dù đúng là có điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện và có điều chỉnh cách tính từng bậc, song thực tế vẫn có chênh lệch, nơi thấp hơn và nơi cao hơn so với cách tính cũ.
Phía Công ty điện lực quận Tân Phú cho biết trước đó đã có thông báo gửi đến quý cư dân cũng như UBND địa phương hỗ trợ thông báo thêm cho người dân nắm rõ. Dù điều chỉnh ngày ghi nhưng không ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng bởi định mức đã được tính thêm tương ứng với ngày sử dụng thêm. Nhưng thực ra nhiều bà con chia sẻ rằng mình chẳng hề nhận được thông báo cho đến khi thấy hóa đơn tiền điện tăng bất thường mới biết lý do.
Một chuyên gia thương mại cho hay việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xăng dầu và điện nước ảnh hưởng lớn đến bà con, nên phải có giải thích rõ ràng. Với cách làm của phía điện lực không có gì phải bàn, nhưng cách thông tin đến người dân liệu đã phù hợp chưa? Tại sao người dân không biết về việc thay đổi này? Họ đã hiểu rõ và tất cả có đồng ý với cách làm này không?
Ảnh minh họa. Nguồn: báo Thanh Niên.
Đúng ra chỉ chênh lệch vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/ hóa đơn, nhưng với hàng vạn hộ dân thì số tiền này sẽ như thế nào? Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, liệu công ty điện lực đã công khai thông tin minh bạch và rõ ràng chưa? Nếu không giải quyết vấn đề này ngay từ đầu sẽ tạo cảm giác khiến người dân khó chịu và thấy mình không được tôn trọng.
Hiện tại chưa có thông tin chính thức về việc tăng giá điện, nhưng với cách tính tiền điện như thế này cùng với việc tăng giá điện trong thời gian tới (nếu có) e là sẽ gây áp lực rất lớn đối với toàn dân, nhất là những người lao động khó khăn.