Chị gái cho biết lúc nhỏ thường ghen tị, cho rằng cha mẹ thương em trai nhiều hơn, lớn lên rồi cô mới cảm thấy hối hận.

Với những gia đình từ 2 con trở lên, ngoài tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, con cái còn được cảm nhận vô cùng rõ rệt về tình cảm anh chị em trong cùng một nhà. Tuy nhiên, làm sao để dạy các con hòa thuận,  biết yêu thương nhau vẫn luôn là bài toán khó với các bậc phụ huynh. Lời khuyên lúc này là cứ cố gắng kiên trì răn dạy các con mỗi ngày, tình cảm anh chị em sẽ ngày càng gắn kết.

Mới đây, câu chuyện một thanh niên trẻ tuổi làm lụng vất vả nuôi 2 chị gái học đại học đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người. Được biết, nam thanh niên họ Đường, sống tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây bỗng chốc trở thành tâm điểm trên mạng xã hội sau khi chị gái chia sẻ câu chuyện về cậu lên trang cá nhân của mình.

Gia đình của Đường có 3 chị em, trong đó, cậu là con trai út, bố mẹ đều là nông dân, lao động tay chân nên gia cảnh vô cùng bình thường. Trong khi 2 chị đều học lên đại học, Đường vì thi trượt cấp 3 nên đã quyết định đến học việc trong một nhà máy làm khuôn rập ở Thâm Quyến.

hình ảnh

Cậu em trai cần mẫn làm việc, kiếm tiền nuôi 2 chị gái học đại học. Ảnh: Sina

Cậu làm việc rất chăm chỉ, trở thành công nhân và dùng chính tiền lương của mình để chu cấp cho 2 chị gái đang học đại học. Mỗi tháng, Đường kiếm được 7000 NDT (khoảng 24 triệu đồng), cậu đã đều đặn đưa cho mỗi chị gái của mình 1500 NDT/tháng (khoảng 5,1 triệu đồng/tháng) trong suốt 4 năm học đại học để làm tiền sinh hoạt phí.

Suốt những năm 2 chị gái học đại học, Đường cần mẫn làm việc, kiếm tiền và đều đặn đưa cho 2 chị mỗi tháng, chưa hề than vãn hay trách móc bất cứ câu nào. Điều này làm cho 2 người chị gái hết sức cảm động.

Một người chị chia sẻ em trai mình là người ít nói, hiền lành, rất yêu thương gia đình. Lúc nhỏ, cô vẫn nghĩ bố mẹ thiên vị, luôn dành những điều tốt nhất cho em trai nên thường xuyên xa cách, không gần gũi với em. Lớn lên rồi, hiểu chuyện hơn và chứng kiến những chuyện em làm, cô mới cảm thấy ân hận vì đã ghen tị và không dành tình cảm yêu thương cho chính em trai mình.

Tuy biết rằng chị gái không gần gũi với mình, Đường vẫn không tỏ ra giận dỗi hay trách móc chị, cậu vẫn luôn cố gắng làm việc để lo lắng cho gia đình, âm thầm yêu thương, quan tâm đến các chị. Không chỉ sống tình cảm, Đường còn rất chăm chỉ, ngoài công việc thường ngày ở nhà máy, mỗi khi ở nhà Đường luôn giúp bố mẹ làm việc, chăm sóc nhà cửa, múc nước rửa ao, đỡ đần bố mẹ khi đi làm ruộng,…

hình ảnh

Nam thanh niên họ Đường vô cùng chăm chỉ. Ảnh: Sina

Ở thời điểm hiện tại, người chị cả đã tốt nghiệp đại học được 2 năm, cô chị thứ 2 cũng vừa hoàn thành xong chương trình đại học. Cả hai đều rất cảm kích và yêu thương em trai mình. Càng ngày, tình cảm của ba chị em lại càng gắn bó hơn do họ đã thấu hiểu được nhiều điều. Chia sẻ về em trai, cô chị thứ cho biết: “Những năm vừa qua em trai đã vất vả rất nhiều, tôi và chị gái đều hiểu được những sự nỗ lực, phấn đấu của em ấy đều dành cho gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để sau này đối thật tốt với em ấy.”

Cô cũng cho biết bản thân thực sự rất xúc động khi nhiều năm sau mới thấm thía ra tại sao bố mẹ lại luôn căn dặn ba chị em phải biết yêu thương, chăm sóc giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Tình cảm gia đình giữa bố mẹ con cái và các anh chị em một nhà thực sự vô cùng cao quý không gì sánh bằng.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, sẽ thật khó để dạy các con mình hòa thuận, biết yêu thương và nghĩ cho nhau, đặc biệt là khi các bé còn quá nhỏ. Tuy nhiên, không có gì là không thể, càng chia sẻ, răn dạy con sớm, đứa trẻ sẽ càng thấm nhuần những lời nói của bố mẹ và dần dần biết yêu thương anh chị em mình hơn.

Chính vì vậy, phụ huynh hãy kiên trì chia sẻ, nhắc nhở các con phải hòa thuận với nhau mỗi ngày. Bên cạnh đó, hãy đối xử công bằng với tất cả các con, đừng bao giờ thiên vị vì điều này chính là mấu chốt có thể khơi gợi nên những đố kỵ, hiềm khích trong lòng con trẻ. Để tăng cường sự gắn kết giữa các con, bố mẹ nên tạo cơ hội cho các con cùng tham  gia những hoạt động chung cùng nhau. Đó có thể là những hoạt động bên ngoài như những chuyến du lịch của cả nhà, các lớp học ngoại khóa, giờ vận động thể thao,… hoặc đó cũng có thể đơn giản chỉ là những hoạt động trong cuộc sống thường ngày như cùng nhau làm việc nhà, cùng xem TV, cùng đọc sách và thảo luận, trò chuyện,… Càng được xích lại gần nhau, các con sẽ càng cảm nhận được hơi ấm của tình thân gia đình và biết yêu thương, hòa thuận với nhau hơn.