Mấy ngày nay dư luận được phen xôn xao vụ việc cô giáo ở Vĩnh Phúc xén tóc của nữ sinh giữa lớp, khiến nhiều người tranh cãi rằng rằng giáo viên có quyền phạt học sinh ‘ngoài quy chuẩn’ như vậy không. Đặc biệt đây không phải là lần đầu tiên có những vụ việc thế này được đưa lên mạng xã hội và dẫn đến nhều ý kiến trái chiều. Thế nhưng dưới góc độ làm nghề, câu chuyện này khiến nhiều thầy cô vốn đã thu mình nay lại càng ‘sợ’ học trò hơn, bởi chỉ cần phạt học sinh quá tay thôi thì hậu quả để lại là rất lớn.
Từng phạt học trò nghịch ngợm phải quỳ rồi bị chụp hình đưa lên mạng xã hội, cô giáo Lê Thị Q. (giáo viên cấp 2 tại huyện Thường Tín, Hà Nội) tâm sự suốt 25 năm đứng trên bục giảng, cô chưa bao giờ đối diện với cơn bão dư luận lớn đến thế, theo Vietnamnet.
Khi đó, cô Q. đã bị tạm đình chỉ để tường trình và tự kiểm điểm bản thân. Nữ giáo viên cho biết lớp mình chủ nhiệm "có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.
Nghề giáo bây giờ chịu đựng quá nhiều áp lực - Ảnh minh họa: Pexels
Thông thường, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Q. sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi. Ngoài động viên, nhắc nhở, cô cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa. Tuy nhiên, cô Q. cho biết tất cả đều không mấy hiệu quả nên đã phải tổ chức họp phụ huynh về phương pháp giáo dục.
Tại cuộc họp này, chính các phụ huynh đề xuất hình phạt quỳ và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư". Cô Q. nói rằng dù biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", cô vẫn đồng ý vì “xuất phát từ lương tâm người thầy”. Tuy nhiên sau khi hình ảnh học sinh bị cô phạt quỳ xuất hiện trên mạng, cô giáo thừa nhận “Tôi bất lực, dù biết là sai” và thấm thía bài học không bao giờ quên.
Sự việc của cô giáo L.T.H.L. - người đã xén tóc nữ sinh L.N.L.P. ở Vĩnh Phúc vừa qua - cũng xảy ra sau khi cô nhắc nhở học sinh nhiều lần. Nguyên nhân là bởi từ sau Tết Nguyên đán, một số học sinh lớp 10A10 quay trở lại trường với màu tóc được nhuộm màu khói, màu vàng, không đúng nội quy của nhà trường.
Cô L. đã nhiều lần nhắc nhở tại lớp, trên nhóm lớp và nhóm phụ huynh. Đa số học sinh đã chấp hành nhuộm lại màu tóc tự nhiên, chỉ nữ sinh L.N.L.P không thực hiện. Cô L. đã nhắc nhở riêng nữ sinh này vào hôm 17/3 và ra thời hạn, đồng thời nhắn tin trên nhóm lớp: “Em nào chưa nhuộm lại, cô sẽ cắt bỏ”.
Cô giáo và nữ sinh trong vụ giáo viên xén tóc học trò trước lớp ôm, xin lỗi nhau - Ảnh: Zing
Tuy nhiên đến ngày 22/3, khi kiểm tra thấy tóc em P. vẫn chưa đúng quy định, cô L. đã rất bực mình, muốn xử lý để làm gương nên xảy ra sự việc ồn ào. Cô L. sau đó chia sẻ rằng: “Chỉ vì mong muốn các em trưởng thành, có ý thức kỷ luật nên trong lúc nóng giận, tôi đã có hành động bột phát”.
Hai vụ việc trên chỉ là số ít trong nhiều sự việc không đáng có giữa học sinh và giáo viên, gây xôn xao dư luận và người bị chịu sức ép nhiều nhất vẫn là các thầy cô giáo đứng trên bục giảng.
Anh Quang Khải - một phụ huynh thế hệ 7X – chia sẻ rằng nghề giáo chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Thuở còn đi học, anh Khải cũng như nhiều bạn bè khác đều rất nể sợ thầy cô, mỗi lần có lỗi chỉ biết im lặng len lén về nhà. Phụ huynh rất tôn trọng và luôn mong thầy cô xử phạt nghiêm để giáo dục con.
Thế nhưng ngày nay, chỉ cần học sinh về nhà kể (chưa biết thực hư) bị ai đó hay thầy cô ‘động tay động chân’ là phụ huynh đã đến tận trường đòi công bằng. Kéo theo đó là việc giáo viên sẽ bị đình chỉ lên lớp rồi đăng đàn xin lỗi học sinh, nặng hơn thì bị kỷ luật.
Giáo viên ngày càng 'sợ' những học sinh nghịch ngợm của mình - Ảnh minh họa: Pexels
"Đó là sự mất công bằng đối với nghề giáo. Đã là giáo dục, phải có thưởng có phạt. Giờ 'vô thưởng vô phạt' thì việc giáo viên vô cảm, thu mình để bán cái chữ cũng là điều dễ hiểu", anh Khải nhận định.
Thầy giáo Minh Phương (giáo viên THCS ở Tiền Giang) trải lòng: "Có thể nói chưa giai đoạn nào mà giáo viên 'mất giá' như hiện nay. Học sinh vi phạm, thách thức, vô lễ… đa phần giáo viên chỉ biết 'ngậm bồ hòn làm ngọt', đành im lặng, cam chịu để được yên thân. Giáo viên ngày càng vô cảm, thu mình và 'sợ' học sinh mình dạy là điều có thật trong giai đoạn hiện nay".
Nghề giáo bây giờ ‘khó nuốt’ thật sự các mẹ ạ. Nếu ai thích chịu áp lực, thích bị phụ huynh săm soi từng chân tơ kẽ tóc thì cứ bước lên bục giảng và nếm 4 chữ ‘hào quang giáo viên’ để biết được ý nghĩa của nghề là gì. Dẫu biết rằng công việc nào cũng phải chịu đựng áp lực, vất vả, song một nghề được xem là ‘trồng người’, là ‘cao quý’ mà giờ đây thầy phải sợ trò thì thật sự đáng buồn. Mong các bậc phụ huynh biết thông cảm cho công việc của các thầy cô, để họ dạy dỗ thật nghiêm, có như vậy con em mình mới học hành chăm ngoan, trở thành người có ích cho xã hội.