Việc nhầm chân phanh với chân ga cực kỳ nguy hiểm, có thể gây nên những tai nạn đáng tiếc. Có người may mắn thoát mạng và không gây hậu quả nghiêm trọng về người, nhưng cũng có người kém may khiến người khác mất mạng và vướng vòng lao lý.
Nhắc lại chắc bà con vẫn còn nhớ vụ việc tài xế xe ô tô ở Hà Nội vì nhầm chân phanh với chân ga nên vượt đèn đỏ rồi lao vào 17 chiếc xe máy khiến nhiều người bị thương nặng. Sau đó, Công an ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam tài xế này 4 tháng để điều tra hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ.
Hay như mới đây, theo trang Vietnamnet và VTC News chia sẻ trong lúc tập lái ô tô cùng thầy, nữ học viên lỡ đạp nhầm chân ga thay vì đạp phanh nên băng từ đường của bến cảng, lao qua lan can, húc bay cả một chiếc ghế xuống kênh nước sâu khoảng 4,6m. May mắn là thời điểm xảy ra vụ việc, thủy triều đã rút nên chiếc ô tô chỉ mắc kẹt dưới vũng bùn. Quan trọng hơn là cả 2 thầy trò không sao nên họ cố gắng tìm cách thoát ra ngoài một cách an toàn. Đội cứu hộ lúc đó nhanh chóng đến khu vực này để trục vớt chiếc ô tô lên.
Tương tự tại Hà Nội, hôm chiều ngày 01/4/2023, một nữ tài xế chở theo 2 con nhỏ cũng vì đạp nhầm giữa ga và phanh nên lao thẳng xuống hồ Tây, may mắn 3 mẹ con không bị thương, họ trở về nhà an toàn và được hỗ trợ cẩu xe lên. Nhiều người xem xong còn bình luận hài hước rằng sương mù ở đây dày đặc lắm nên mọi người lái ô tô nhớ nhìn kỹ chứ đừng nhầm hồ với đường cao tốc.
Đọc hàng loạt vụ mới thấy lỗi đạp nhầm chân phanh với chân ga gây hậu quả nghiêm trọng cỡ nào. Mọi người thắc mắc rằng làm sao để tránh xảy ra tình huống tương tự vì đâu biết lúc đó mình có gặp may hay không, lớ ngớ có khi phải chịu trách nhiệm hình sự như chơi ấy.
Vì vậy, sẵn đây em chia sẻ luôn với mọi người để cùng nắm rõ nhằm tránh đạp nhầm phanh và ga gây hậu quả nghiêm trọng nha.
1. Luôn ghi nhớ kỹ vị trí chân ga và chân phanh
- Đối với xe số sàn: Có 3 bàn đạp gồm chân phanh, chân ga và chân côn. Theo thứ tự từ trái qua: chân côn, chân phanh nằm giữa và cuối cùng là chân ga.
- Đối với xe số tự động: Chỉ có chân phanh và chân ga nằm song song. Theo thứ tự từ bên phải của người lái thì chân ga trước, chân phanh sau.
2. Chú ý tư thế ngồi và mang giày dép phù hợp
Ghi nhớ vị trí chân phanh và chân ga rồi, khi chuẩn bị lái xe, chị em cũng cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi sao cho thoải mái nhất để không cảm thấy khó chịu hoặc lúng túng khi cần phải xử lý tình huống. Đặc biệt chân phải vừa tầm với vị trí chân phanh và ga, không quá gần cũng không quá xa.
Chọn giày dép phù hợp khi lái ô tô cũng là điều rất quan trọng đối với chị em phụ nữ. Không nên mang giày cao gót hoặc giày boot vì sẽ khiến gót chân bị cứng, khó di chuyển để đạp chân phanh với chân ga. Ngược lại, cũng không nên mang chân trần vì có thể khiến chị em đau chân nếu phải lái xe đường dài. Tốt nhất, là chọn giày bệt hoặc dép mỏng để dễ dàng thao tác.
3. Luôn tập trung khi lái xe
Ngoài việc không sử dụng thức uống có cồn, chất kích thích khi lái xe, chúng ta cũng luôn phải tập trung cao độ. Không nên phân tâm hoặc xao nhãng chuyện khác để mất chú ý và gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phản xạ nếu gặp tình huống bất ngờ dẫn đến sự cố đạp nhầm chân phanh với chân ga.
Nhiều tài xế vừa lái xe ô tô vừa sử dụng điện thoại cũng có thể khiến họ mất chú ý trong vài giây và gây hậu quả. Do đó, nếu cần thiết, hãy sử dụng tai nghe bluetooth hoặc kết nối điện thoại với hệ thống ô tô, chỉ nghe những cuộc gọi khẩn cấp mà không cần cầm đến điện thoại. Tuyệt đối không vừa lái xe vừa nhắn tin nhé!
4. Thuộc lòng quy tắc quan trọng ‘luôn tì gót chân phải lên sàn xe’
Đây là quy tắc cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta không bị nhầm giữa chân phanh và chân ga được nhiều chuyên gia cũng như cánh tài xế mách nhau. Theo đó, chị em hãy đặt chân phải sát chân phanh. Thay vì mỗi lần đổi chân phanh với chân ga phải nhấc cả chân lên, chị em hãy giữ cố định gót chân trên sàn xe và chỉ xoay gót, di chuyển mũi chân để chuyển từ chân ga sang chân phanh. Hãy xem gót chân là điểm tựa, cứ "rời chân ga là rà chân phanh", thói quen này sẽ giúp hạn chế xảy ra tình huống nhầm lẫn nói trên.
Như vậy, thao tác chân đúng ở 2 loại xe số sàn và số tự động như sau:
- Đối với xe số sàn: Chân trái đạp côn, chân phải dùng để đạp phanh và ga. Khi đó, chân phải áp dụng quy tắc "luôn tì gót chân lên sàn xe".
- Đối với xe số tự động: Chân trái không sử dụng, chân phải dùng để đạp phanh và ga. Với xe số tự động, hãy giữ thói quen để chân trái thảnh thơi, chỉ hoạt động chân phải để tránh nhầm lẫn và tuân theo quy tắc trên, chuyển đổi tư thế chân giữa ga và phanh theo hình chữ V.
5. Luôn nhớ chuyển về số P hoặc N khi dừng đỗ xe
Đối với xe số tự động, đa số mọi người vẫn quen với việc điều chỉnh cần số ở nấc D và đạp phanh để giữ xe đứng yên nếu không cần xuống xe và đi ngay. Song, nếu đang mơ màng nghĩ ngợi điều gì đó, người lái có thể vô tình quên mất mình cần giữ chân phanh và nhả phanh khiến xe trôi đi. Lúc này, nếu lúng túng, họ có thể đạp nhầm chân ga. Vì thế chị em cứ nhớ mỗi lần dừng xe trong thời gian ngắn, hãy trả về số N rồi kéo phanh tay. Nếu phải dừng xe đỗ lâu nên trả về số P kết hợp kéo phanh tay để đảm bảo an toàn. Hành động này chỉ mất vài giây nhưng nếu tạo thói quen tốt, chị em sẽ không phải lo mình nhầm lẫn gây tai nạn đâu ạ.
Chúc chị em lái xe an toàn và không để sự cố đáng tiếc xảy ra.