Lúc mình còn sống thì không sao, chứ đến khi mình nằm xuống, nếu mọi thứ chưa được sắp xếp kỹ lưỡng dễ rối tung lên lắm.
Tình cờ em đọc được bài viết chia sẻ của cô nọ hỏi trên trang báo Tuổi trẻ như sau, cô với người bạn hùn tiền mua nhà chung, nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên mình cô. Lo lắng trước ngày sắp đi xa, cô hỏi giờ mình viết di chúc để lại hết căn nhà ấy cho bạn mình được không?
Bà con nghĩ là có được không nè? Nhiều người ý kiến rằng, dễ gì để lại hết cho người bạn ấy được, còn con cái và gia đình của cô này sẽ ra sao?
Thế nên, để tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có liên quan đến việc thừa kế theo di chúc, Luật sư Vũ Quang Đức, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM mới tư vấn cách giải quyết trường hợp này như sau: Đó là tại thời điểm mua, cô này nên lập văn bản xác nhận số tiền mà người bạn kia hùn với mình để mua chung căn nhà, trong đó phải nói rõ số tiền tương ứng với tỷ lệ vốn góp trên tổng giá trị căn nhà và nếu được thì nên có xác nhận của người bạn cùng hùn tiền mua nhà chung càng tốt.
Về nguyên tắc, phần giá trị căn nhà chung tương ứng với số tiền của người bạn kia góp sẽ là của người bạn ấy, dù di chúc có để lại phần cho người bạn này hay không. Đối với phần còn lại của cô này, nếu muốn chia cho người bạn ấy, cô này phải ghi vào di chúc phần giá trị tương đương với tỷ lệ góp vào căn nhà chung ấy và cụ thể số tiền đã góp.
Tuy nhiên, người bạn ấy chỉ được hưởng hết phần giá trị căn nhà của cô này khi không còn ai hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Bởi Luật dân sự năm 2015 có quy định, những đối tượng sau đây sẽ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
- Cha, mẹ.
- Vợ hoặc chồng.
- Con chưa thành niên.
- Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Các đối tượng nêu trên sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất thừa kế của người thừa kế theo pháp luật nếu người đã mất không lập di chúc cho họ hưởng thừa kế hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 suất thừa kế theo quy định.
Trong đó, người thừa kế theo pháp luật sẽ gồm cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, vợ hoặc chồng, con ruột, con nuôi của người để lại di sản đối với hàng thừa kế thứ nhất.
Còn đối với hàng thừa kế thứ hai sẽ bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột mà người để lại di sản là ông bà nội hoặc ông bà ngoại.
Tiếp đến hàng thừa kế thứ ba sẽ bao gồm cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người để lại di sản và cháu ruột mà người để lại di sản là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột và chắt ruột mà người để lại di sản là cụ nội hoặc cụ ngoại.
Theo quy định, nếu áp dụng chia thừa kế theo pháp luật thì những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do tất cả đã qua đời hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Lưu ý quy định này sẽ không áp dụng với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không được quyền hưởng di sản gồm:
- Người bị kết án về hành vi xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người để lại di sản hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người thừa kế khác với ý định hưởng thêm hoặc hưởng toàn bộ phần di sản mà đáng lẽ người đó được hưởng.
- Người có hành vi dối gạt, ép buộc hay ngăn cản người để lại di sản phải viết di chúc cho mình, can thiệp vào nội dung di chúc làm người để lại di sản không thể hiện đúng ý chí của mình...
Đọc xong vụ việc này, có người bình luận rằng nếu thực tế được như vậy thì còn gì bằng. Song không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra một cách lý tưởng như mình nghĩ đâu bà con ạ.
Vậy nên, để tránh phát sinh các rắc rối phiền hà không đáng có, đối với các vấn đề hùn hạp mua chung nhà đất giữa bạn bè hoặc người thân quen với nhau, tốt nhất hãy cùng đứng tên sổ đỏ. Việc làm này giúp công khai minh bạch về tính đồng sở hữu về mảnh đất hoặc căn nhà chung của đôi bên. Hơn nữa sẽ giúp đôi bên dễ dàng để lại di sản cho người khác nếu họ muốn, mà không cần phải chứng minh thêm bằng bất cứ giấy tờ nào khác.