Mấy khi mới có dịp lên thành phố với cháu con, vậy mà cách ông tìm chiếc ví lại khiến con dâu buồn ngang. Dân mạng tranh cãi quá chừng.
Mối quan hệ giữa nàng dâu và nhà chồng là đề tài muôn thuở của hội chị em. Nhiều nàng dâu hay lên mạng than thở câu chuyện của chính mình để giải tỏa, tìm kiếm sự đồng cảm và xin lời khuyên hữu ích. Cũng với mục đích như vậy nhưng nàng dâu sau đây lại hơi bất ngờ trước những nhận xét của cộng đồng mạng không như chị tưởng. Nhờ sự công tâm của họ mà phen này chị phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình rồi.
Nàng dâu tâm sự lên trang VNE rằng vợ chồng chị đã kết hôn được 15 năm. Anh xuất thân là trai quê còn chị lại là gái thành phố. Dù cách biệt như vậy nhưng mọi thứ từ công việc, thu nhập đến tình cảm lại khá suôn sẻ và hạnh phúc, ngoại trừ việc con dâu không hài lòng về bố chồng.
Vợ chồng anh chị ở riêng trên thành phố ngay từ lúc mới cưới nên hầu như không xảy ra xích mích gì. Hiện tại, họ là trụ cột chăm lo cho bố mẹ chồng: "Tết nhất bên nhà chồng, tôi lo hết. Cha mẹ chồng ốm đau cũng chủ yếu vợ chồng tôi lo liệu. Một năm đôi ba lần tôi biếu quà lớn một chút cho cha mẹ chồng như đồng hồ, đổi máy giặt hoặc tủ lạnh mới, tivi, tặng ông bà trọn gói làm răng sứ để đảm bảo việc ăn uống được ngon miệng, mua xe máy... Một hai tháng, tôi lại biếu tiền cho ông bà sắm gì thì sắm.
Từ năm ngoái, cha mẹ chồng đổ bệnh khá nặng, cha chồng bị bệnh nan y. Giờ bệnh của mẹ chồng tiến triển tốt hơn nhiều, cha chồng vẫn điều trị duy trì và thăm khám đều đặn. Vợ chồng tôi muốn tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc cha mẹ chồng khi ốm đau và già yếu hơn, quyết định bỏ hơn năm tỷ đồng mua thêm căn hộ cao cấp có đầy đủ tiện ích, gần bệnh viện, khu thương mại, ăn uống vui chơi. Ý định là thời gian nữa sẽ đón ông bà lên ở cùng để vợ chồng tiện chăm sóc. Anh là con trai trưởng nên tôi vui vẻ đón nhận trách nhiệm này về phần hai vợ chồng...".
Dù đối xử tốt với bố mẹ chồng, nàng dâu vẫn thú nhận trong thâm tâm, chị không thích ở chung. Lý do đưa ra là ông bà ở quê nên quan điểm và cách sống sẽ có phần hẹp hòi, bảo thủ. Tuy vậy, chị tinh tế nhận ra ông bà dù đôi lúc không thích nhưng vẫn tôn trọng con dâu hết mức.
Chuyện sẽ chưa có gì đáng nói nếu như không có sự kiện xảy ra vào hơn 1 tháng trước. Cụ thể lần ấy, người bố chồng lên thành phố khám bệnh định kỳ. Trong lúc đi dạo cùng con trai, ông vô tình làm mất ví lúc nào không hay. Khi về đến nhà của vợ chồng con trai, ông khăng khăng rằng làm mất ví trong nhà này. Theo lời người con dâu kể thì có vẻ như ông nghi ngờ chị hay con chị lấy ví của ông.
Thế là bố mẹ chồng cầm đèn pin lục lọi khắp nhà vợ chồng con trai cả đêm để tìm. Hành động này khiến người con dâu cảm thấy tự ái, buồn vô cùng. Chị cố kìm nén cảm xúc, lẳng lặng xuống dưới sảnh ngồi. Được một lúc lâu, chị trở lên lại, không nói không rằng đi thẳng vào phòng. Ngày hôm sau, bố mẹ chồng về quê nhưng chị vẫn nằm im trong phòng chứ không ra chào.
Sau vụ việc lùm xùm này, chồng và em chồng của chị có trò chuyện động viên mong chị bỏ qua, đừng suy nghĩ hay làm lớn chuyện lên. Dù vậy, có vẻ như chị đã cảm thấy ấm ức, tổn thương nhiều. Công sức bao năm qua đỡ đần ông bà cộng với việc gia đình chị, các con chị không thiếu thốn gì để phải đi ăn trộm ví, càng nghĩ chị càng thấy vô lý và tội nghiệp thay cho chính mình.
(Ảnh minh họa: zunoshop, VNE)
Chuyện chưa dừng ở đó mọi người ạ, người chồng đã về quê hỏi chuyện bố mẹ: "Khi chồng về quê hỏi cặn kẽ cha mẹ chồng, ngã ngửa khi biết trong ví đó chỉ có hơn 2 triệu đồng tiền mặt, ngoài ra không có gì thêm. Đặc biệt đó chính là chiếc ví mà chúng tôi mua tặng ông. Chồng tôi sau đó đưa cho ông 3,5 triệu đồng, coi như bù lại số tiền ông mất, bất ngờ hơn nữa là ông vẫn nhận.
Tôi dành nhiều ngày để nghĩ mình phải làm sao cho chồng không khó xử, mặt khác vẫn giữ lại cái tôi của mình. Tôi quyết định sẽ không về quê chồng, không gặp cha mẹ chồng, đồng thời sẽ dừng lại những khoản chu cấp và quà biếu ông bà như trước đây. Tôi không ngăn cấm chồng và các con biếu, tặng gì ông bà, dù sao đó cũng là gia đình của anh ấy, là ông bà nội của các con tôi. Rất may chồng đồng cảm với tôi và anh hiểu cho mọi quyết định của tôi...".
Chị nghĩ đây chỉ là phương án tạm thời, điều quan trọng là lòng chị không còn cảm giác muốn gắn bó và chạm mặt với bố mẹ chồng nữa. Chị chỉ day dứt vì thương chồng nên không biết phải làm sao cho hợp tình hợp lý. Câu chuyện kết thúc ở đó khiến lòng tôi cũng bộn bề suy nghĩ theo. Nếu đặt mình vào vị trí của chị này, có lẽ tôi cũng có chút hụt hẫng, tủi thân khi thấy mối quan hệ với bố mẹ chồng tốt đẹp bao năm bỗng dưng gặp biến cố chán chường như vậy.
Có thể nhiều người sẽ nói rằng bề ngoài chị này giàu có, thoải mái về tiền bạc với nhà chồng nhưng từng câu chữ lại nói lên chị rất tính toán, để ý, kể công... Tôi thì thấy dù chị tính toán hay kể công thì cũng bình thường thôi. Vì chị vốn là người thành phố, nhà có điều kiện nên có phần rạch ròi, thẳng tính. Điều quan trọng là chị vẫn nhận trách nhiệm lo liệu cho bố mẹ chồng đủ đầy. Dù không thích nhau đi nữa nhưng vẫn đứng ra lo liệu như vậy thì không phải ai cũng làm được. Có nhiều người giàu sang tiền tỷ trong tay nhưng chi li, hẹp hòi với người thân lắm. Huống hồ vợ chồng chị còn bàn nhau chi hàng tỷ đồng mua nhà rộng đón bố mẹ chồng lên ở dưỡng già. Chẳng phải đáng trân trọng hay sao?
Có trách là trách đôi khi sự quan tâm của chị chưa phải là thứ người già mong muốn thực sự. Người già nhiều khi cần tình cảm, cần sự quan tâm về tinh thần, không phải ai cũng mong báo đáp bằng vật chất. Mặt khác, chị cũng suy nghĩ nhiều, thích kể lể, có vẻ nhạy cảm thái quá. Bố chồng cầm đèn pin sục sạo khắp nhà tìm ví có thể vì người già họ nhớ nhớ quên quên, nghĩ là để quên nên ráng tìm chứ chẳng phải nghi ngờ ai lấy trộm của mình cả.
Với chị 2 triệu là khoản tiền nhỏ nhoi không đáng để làm quá lên, nhưng đối với người già nông thôn đã trải qua bao năm tháng đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài thì khoản tiền đó không hề nhỏ chút nào. Họ trân trọng từng ngàn nên lỡ làm mất là đứt ruột lắm, muốn kiếm cho ra bằng được. Đáng lẽ thấy vậy càng thương ông bà, bù đắp nhiều hơn nữa thay vì suy diễn tiêu cực rồi giận dỗi, tủi thân, không tiễn ông bà về quê...
Nhiều dân mạng cũng để lại bình luận thể hiện quan điểm:
- Sau này chị già đi thì mọi thứ cũng sẽ thay đổi, từ tính cách, trí nhớ... Vì vậy cái gì bỏ qua được thì bỏ qua đi, vương vấn chi trong lòng cho thêm suy nghĩ.
- Bạn mới là người suy diễn sự việc. Người già họ thế đấy, nay mai bạn cũng không tránh khỏi đâu. Bố tôi từng kêu mất 6 chỉ vàng, hỏi tôi lấy không thì tôi bảo không cầm. Mình không lấy thì mình thanh thản chả sao cả. Lâu lâu biếu vài đồng đừng nghĩ to tát, bao nhiêu người đang phải chăm sóc bố mẹ già với đầy những cay đắng gấp trăm lần cũng phải chấp nhận. Ở xa bố mẹ già chuyện thế bỏ qua đi, phải có tấm lòng bao dung mới có thể đón bố mẹ lên ở cùng nhé.
- Bạn có nhạy cảm quá không? Bố chồng bạn tìm ví vì ông nghĩ ông để quên trong nhà bạn chứ không hề có ý bạn hay con bạn lấy. Người già lại ở tỉnh lẻ tư tưởng không thoáng nên khi mất một món đồ là họ phải tìm lại bằng được. Họ tiếc của và xem món đồ rất lớn đối với họ.
- Chị kể lể quá, lại nói dân quê không thoáng bằng dân thành phố. Ở đâu cũng tùy người thôi. Còn cha chồng già rồi, tính tình lẩm cẩm rồi, ông ấy tìm ví làm mất nhưng cũng không đổ lỗi cho chị. Mang tiếng là dân thành phố thoáng nên chị hãy thông cảm cho ông ấy. Rồi sau này, chị có cho biếu thì cũng đừng nên kể lể nhiều, mất hay.
- Ông bà tìm kiếm kệ ông bà, chị không tìm phụ thì thôi, nâng cao quan điểm làm gì cho nặng nề ra. Có chồng chị tin yêu và hiểu chị là được rồi nhé. Đùng đùng suýt nổi khùng, đoạn tuyệt không gặp mặt, cắt viện trợ nọ kia... không biết có hiếu thảo thật không nữa!
- Ông bệnh nan y sống được bao lâu nữa đâu, bạn vui vẻ lên mà sống, sau này ông mất rồi bạn có hối hận cũng muộn.
- Bố chồng không tiền nên 2 triệu đối với ông là rất lớn. Thay vì nghĩ bố chồng nghi bạn lấy thì sao bạn không nghĩ ông chỉ cố kiếm lại số tiền đó. Tôi thấy chị có chút xem thường nhà chồng. Có con dâu giàu có mà suy nghĩ như chị thì tôi không ham.