Nhiều người thường than phiền rằng học sinh bây giờ phải học quá nhiều, hết học trên lớp lại ‘đầu tắt mặt tối’ đi học thêm, quá vất vả. Vì thế có ý kiến cho rằng muốn giảm tải áp lực học tập cho các em thì phải chấm dứt tình trạng dạy thêm. Nhưng đứng từ phía giáo viên, những người cũng phải quay cuồng nỗi lo ‘cơm áo gạo tiền’ như rất nhiều người khác lại cho rằng quy định vậy chẳng khác nào ‘tiệt đường sống’ của họ. Có lắng nghe tâm sự của những nhà giáo vì mưu sinh mà phải bất chấp dạy thêm mới thấy được nỗi niềm của nghề ‘gõ đầu trẻ’ các mẹ ạ.

Câu chuyện của cô giáo Huỳnh Ngọc Hoa (ngụ Hà Nội), giáo viên dạy Toán của 1 trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) trên báo Dân trí có lẽ là hoàn cảnh của không ít giáo viên hiện nay. Có gần 20 năm thâm niên trong nghề nhưng đến nay mức lương của cô nhận được chỉ vỏn vẹn gần 8 triệu đồng/tháng, gần như không đủ để cho đứa con thứ 2 đi học.

hình ảnh

Lương quá thấp là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên phải đi dạy thêm - Ảnh minh họa: Pexels

Để cải thiện chi phí sinh hoạt, cô Hoa mở lớp học thêm tại nhà với sĩ số chừng 25 - 30 em/buổi, dạy từ 18h45 đến 21h15 hàng ngày, duy trì suốt 12 năm qua. Các em trong lớp đa phần là học sinh ở trường, học phí mỗi buổi chỉ 80.000 đồng/em. Đây là mức học phí khá rẻ so với mặt bằng chung vì cô Hoa muốn giúp học sinh không có điều kiện vẫn có thể theo học để cải thiện học lực. "Lấy tiền học thêm quá cao vừa làm mất hình ảnh của giáo viên, vừa làm phụ huynh nặng gánh", cô Hoa chia sẻ.  

Nữ giáo viên tâm sự mình cũng như nhiều đồng nghiệp rất yêu nghề, yêu học trò nên mới chọn con đường này, song chỉ có tình yêu thôi thì không đủ sống. Giáo viên cũng phải vượt qua khó khăn của "cơm áo gạo tiền" mới đủ sức nghĩ đến đam mê, cống hiến. Cô Hoa tâm sự từ tận đáy lòng: "Tôi từng nghĩ thà bỏ việc dạy học chính thức ở trường chứ không bỏ dạy thêm".

Nói về quy định cấm dạy thêm, cô giáo môn Toán này chia sẻ dạy thêm là chính đáng, thực tế phụ huynh cũng có nhu cầu cho con học thêm để củng cố nâng cao kiến thức hơn. Không nên chỉ vì một vài cá nhân làm sai mà ảnh hưởng đến danh tiếng của toàn giáo viên.

Thấu hiểu cho hoàn cảnh lương thấp của nghề giáo, một hiệu trưởng trường cấp 2 ở Hà Nội chia sẻ tại trường mình công tác, đồng nghiệp thâm niên nhất (24 năm) cũng chỉ nhận lương 10 triệu đồng/tháng. Có người đi dạy 16 năm rồi hưởng mức lương 5,8 triệu đồng/tháng, còn giáo viên mới ra trường chỉ nhận vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng/tháng.

hình ảnh

Việc học thêm sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức đã học trên lớp - Ảnh minh họa: Pexels

Mức lương như vậy họ không sao đủ sống, nhất là trong 1, 2 năm ảnh hưởng của dịch, nhiều giáo viên trẻ phải dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, thậm chí bỏ việc", vị hiệu trưởng nói. Trong khi với mức thâm niên 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể thu nhập cao hơn nhiều.

Cô Nguyễn Phương Thành, giáo viên dạy Hoá tại một trường THCS ở Bắc Giang cũng chỉ nhận lương hơn 7 triệu/ tháng, dù đã cống hiến 21 năm vì sự nghiệp trồng người. Cô Thành có 3 con đang tuổi ăn học, lương 2 vợ chồng kham không nổi nên cô buộc phải dạy thêm tại nhà bất chấp quy định. "Các ngành nghề khác được phép làm thêm, tăng thu nhập như bác sĩ làm thêm ở phòng khám, công nhân tăng ca mà không ai ý kiến, nhưng giáo viên dạy thêm thì bị dư luận, xã hội chỉ trích, lên án", cô Thành băn khoăn. Cô cho rằng nếu cấm dạy thêm đồng nghĩa với việc “dập tắt” một phần kế sinh nhai của giáo viên.

Nữ giáo viên thừa nhận có tình trạng dạy thêm chui, lôi kéo học sinh vào các lớp học, tuy nhiên đó chỉ là thiểu số. Trong khi đó có cầu thì mới có cung, học sinh thực sự có nhu cầu, mong muốn đi học thêm thì không phải là xấu và không đáng bị lên án như vậy. Do đó cô Thành suy nghĩ cần có thái độ công bằng và đánh giá tác dụng tích cực của việc dạy thêm đối với học sinh.

hình ảnh

Thực tế là phụ huynh cũng kiểu ‘9 người 10 ý’, chẳng biết thế nào mà lần các mẹ ạ. Không cho học thêm thì phụ huynh cho rằng con em cần đi học để củng cố kiến thức, nhưng cho thì có người lại nói ‘không đi sợ giáo viên 'thiếu quan tâm’. Ai ra xã hội làm ăn bươn trải mới hiểu kiếm được đồng tiền nuôi con, nuôi gia đình đâu phải dễ, lương giáo viên còn chưa tăng thì thầy cô buộc phải tìm cách để kiếm thêm. Thiết nghĩ thay vì cấm đoán thì nên có biện pháp quản lý việc dạy – học thêm sao cho hiệu quả, như vậy là tốt cho cả thầy và trò.