Câu chuyện gây tranh cãi, trong đó có nhiều người đồng tình với ý kiến của người mẹ.
Thông thường khi người yêu cũ kết hôn, nếu còn tình cảm thì chắc chắn bản thân ít nhiều sẽ cảm thấy đau buồn, tiếc nuối. Còn nếu cả hai không vương vấn gì nữa thì bạn sẽ thấy điều đó như nước chảy hoa trôi, thực tâm chúc phúc cho người ta.
Tuy nhiên, cuộc sống thường không đơn giản bởi mỗi người sẽ có mỗi suy nghĩ, mỗi góc nhìn riêng. Có thể với tôi thì điều đó quá đỗi bình thường nhưng với bạn, nó lại nghiêm trọng hoặc ngược lại. Nhớ ngày xưa crush của tôi đi lấy vợ, anh ấy không mời tôi nhưng tôi vẫn nhờ một người em gửi phong bì chúc phúc.
Dù gì trong tình yêu đó thì chỉ mình tôi yêu ảnh sâu đậm nên tôi không tiếc một phong bì kèm lời chúc cả. Nhưng nếu mà ảnh có mời thì chắc chắn tôi cũng không đi mà chỉ gửi phong bì như vậy. Bởi tôi không muốn tự làm tổn thương mình thêm lần nào nữa.
Hành động của tôi khi xưa chỉ xuất phát từ tấm lòng bình thản, không nghĩ ngợi gì nhiều. Ấy vậy mà chị gái tôi biết, chị rầy tôi một trận. Chị bảo là không đến được với nhau thì thôi, việc gửi phong bì chúc phúc chẳng đem lại điều gì hay ho cho cả 3 người.
Tự dưng kể chuyện này là vì mới đây, tôi có đọc được câu chuyện của một cô gái 27 tuổi định đi dự đám cưới người yêu cũ thì bị mẹ gọi điện ngăn cản. Thấy nhiều người tranh luận, ai cũng có quan điểm thuyết phục của riêng mình nên tôi muốn chia sẻ lại để mọi người có thêm góc nhìn, lỡ có gặp tình huống này trong cuộc sống thì sẽ cân nhắc được cách xử sự hợp lý.
Tạm gọi cô gái ấy tên là L. Mẹ L. khi biết ý định của con đã lập tức gọi điện, thẳng thừng quan điểm: "Chia tay là hết, vấn vương nhau làm gì mà còn đòi đến đám cưới?". Bà liệt kê một loạt lý do chẳng hạn như bẽ bàng gặp lại chú rể và người nhà anh ta, chạnh lòng khi cảm xúc yêu thương ùa về, rồi nhiều người sẽ nhìn mình đầy ái ngại, cho rằng mình còn yêu còn tiếc nuối nên đến dự không biết ngại...
(Ảnh minh họa: invietlong, zingnews)
Về phần L., cô và chú rể kia yêu nhau từ hồi đại học. Hai người bắt đầu hẹn hò từ sau buổi team bulding của lớp. Một tình yêu sâu sắc kéo dài 4 năm khiến bao bạn bè ngưỡng mộ. Thế nhưng sau khi ra trường, do chú rể muốn về quê định cư và lập nghiệp, còn L. thích ở lại thành phố nên hai người quyết định dừng lại trong êm đẹp.
Vì học cùng lớp nên thi thoảng, họ vẫn gặp lại nhau trong các buổi họp lớp. Đặc biệt hơn là vào những ngày đặc biệt như 8/3 hay 20/10, L. vẫn được người yêu cũ nhắn tin chúc. Thế nên khi được mời đám cưới, L. cảm thấy hết sức bình thường, thoải mái và xác nhận sẽ đi dự, trong tâm thế như dự đám cưới bạn cũ vậy.
Trước sự phản đối của mẹ, L. nói rõ quan điểm rằng chuyện yêu đương trước đây chỉ là quá khứ, giờ là bạn bè trong sáng thì đi đám cưới chẳng có gì đáng trách cả. Cô cũng thừa nhận tình bạn giữa cô với tình cũ có phần hơi kì lạ bởi cả hai cứ lặng lẽ bên đời nhau, nhìn cuộc sống của nhau, không ý kiến, không xen ngang, âm thầm chúc phúc.
Không biết mọi người thì sao chứ đọc tới đoạn này, tôi hơi lấn cấn. Cô gái cho rằng tình bạn giữa hai người giờ đây trong sáng nhưng lại nói có phần hơi kì lạ. Người ta có câu "tình cũ không rủ cũng tới", giờ chàng trai có hạnh phúc riêng rồi nhưng hai người vẫn tiếp tục lặng lẽ quan sát nhau, quan tâm nhau như vậy, liệu rằng khi có cơ hội bất ngờ nào xảy ra, hai người có còn sáng suốt giữ được khoảng cách hay không? Huống hồ họ đã cùng trải qua quãng thời gian yêu đương nồng cháy thời thanh xuân vườn trường, chia tay không phải vì hết yêu mà vì hoàn cảnh bắt buộc.
Cũng trên báo VNE đăng tải, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng khi một mối tình chấm dứt và cả hai sẵn sàng đón nhận tình yêu mới thì việc gửi thiệp mời hay đi dự đám cưới đều có thể chấp nhận. Tuy nhiên phải nhấn mạnh là họ đã chia tay trong hòa bình và hiện tại không còn cảm giác yêu thương hay nhớ nhung gì nữa.
Nếu một trong hai hoặc cả hai vẫn còn tình cảm với đối phương hoặc tồn tại ác cảm về cách mà chuyện tình yêu kết thúc, lời khuyên là không nên đi. Bởi đám cưới là một sự kiện trang trọng, đánh dấu cột mốc mới trong cuộc đời của cô dâu chú rể, không nên đặt mình trong sự tra tấn cảm xúc hoặc trở thành cơ hội nuôi dưỡng những hành động oán giận.
Cá nhân tôi cũng nghĩ câu hỏi nên chấp nhận hay từ chối dự đám cưới tình cũ không có câu trả lời chung cho mọi người mà phụ thuộc từng hoàn cảnh cá nhân. Nếu do dự không biết đến đó để làm gì, có ý nghĩa gì không thì tốt nhất là không nên đi nữa. Nói chung là nên linh hoạt cân nhắc để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Khi đó, bạn cũng cần quan tâm đến cảm xúc của người yêu hiện tại (nếu có) để không khiến họ suy nghĩ, hờn ghen hay chạnh lòng.